Theo Cổng TTĐT Chính phủ, ngày 9/7, tại TP HCM diễn ra Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 53.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá vùng Đông Nam Bộ tiếp tục là cực tăng trưởng với quy mô GRDP chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Kinh tế tư nhân của vùng phát triển năng động, mạnh mẽ; là địa bàn thu hút FDI, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước.
Vùng Đông Nam Bộ đang dần trở thành "bệ đỡ" cho phát triển vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long; là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Nam và cả nước.
Diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại; tốc độ đô thị hóa nhanh, hệ thống đô thị đã được phát triển và phân bố hợp lý tạo sự liên kết mang tính hệ thống.
Nhận định về những vấn đề cần cải thiện, ông Dũng cho biết công nghiệp của vùng phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ; chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; phân bố các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa hợp lý; các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tính kết nối và đồng bộ còn yếu. Hệ thống giao thông quá tải, tắc nghẽn. Tình trạng ngập úng thường xuyên.
Một số công trình trọng điểm như sân bay Long Thành (giai đoạn 1), di dời cảng trong khu vực TP HCM, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có... còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định trong những năm qua, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam Bộ chậm hơn tốc độ phát triển kinh tế, dẫn tới tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Trong nhiệm kỳ này, Trung ương đã bố trí khoảng 120.000 tỷ đồng vốn ngân sách để đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông chiến lược trong vùng và liên vùng, cùng với đó là một số dự án hợp tác công tư (PPP).
Theo đó, từ nay tới năm 2025, tại khu vực Đông Nam Bộ sẽ hoàn thành đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến TP HCM - Cần Thơ (đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; thu xếp nguồn vốn để khởi công dự án vành đai 4, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Về các sân bay, Bộ trưởng cho biết các cơ quan đang triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách mỗi năm; đồng thời thúc đẩy dự án sân bay Long Thành để đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2025 với 25 triệu khách.
Tư lệnh ngành giao thông vận tải cũng cho rằng các địa phương cần tập trung các nguồn lực để xây dựng các tuyến đường giải quyết vấn đề ách tắc giao thông tại các cảng lớn trong vùng như Cái Mép - Thị Vải…; nâng cấp luồng hàng hải từ phao số 0 vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, luồng Xoài Rạp; kêu gọi đầu tư các cảng biển, trung tâm logistic Cái Mép Hạ, các cảng cạn trong vùng để hình thành các trung tâm logistic lớn…
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá, kết quả thực hiện Nghị quyết 53 đã giúp vùng giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ; là trung tâm tài chính, logistics, đầu mối giao lưu quốc tế lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ đang gặp nhiều thách thức, mà nghiêm trọng nhất là việc phát triển dưới mức tiềm năng và chưa phát huy tốt vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước.
Riêng TP HCM đóng góp đến trên 50% vào tăng trưởng của vùng, và trong những năm gần đây, việc thành phố tăng trưởng chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của vùng.
Lãnh đạo thành phố cho rằng quy hoạch từng địa phương hiện nay đang tạo nên "lực kéo", thay vì "lực đẩy" cho phát triển của vùng. Quy hoạch trùng lắp chức năng, dẫn đến cạnh tranh, thiếu liên kết.
Ngoài ra, hạ tầng giao thông, đô thị không theo kịp và đang cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của vùng. Định hướng chiến lược đặt mục tiêu lớn, nhưng nguồn lực đầu tư hạn chế, và chưa có các cơ chế hiệu quả thu hút nguồn lực từ xã hội.
Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi đề nghị hoàn thiện cơ chế đặc thù phát triển thành phố. (Ảnh minh họa: Zing).
Đề xuất các định hướng chính phát triển thời gian tới, ông Phan Văn Mãi đề nghị nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, đẩy mạnh liên kết triển giao thông với các tuyến vành đai, quốc lộ, cao tốc, đường thuỷ (hệ sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ; kết nối Đồng bằng sông Cửu Long - Campuchia), đường sắt,...
Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị hoàn thiện cơ chế đặc thù phát triển thành phố và đầu tư TP HCM giữ vững vai trò đầu tàu của vùng và cả nước, là trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; trung tâm logistics; trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo; trung tâm chăm sóc sức khỏe, đào tạo nhân lực khu vực và quốc tế,...
Để đạt được các mục tiêu đề ra trong phát triển vùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số định hướng, giải pháp trọng tâm. Theo đó, phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng quy hoạch, phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.
Thủ tướng đề nghị các địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt như ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tập trung triển khai các chương trình phục hồi và phát triển, giải ngân vốn đầu tư công, ba chương trình mục tiêu quốc gia.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc thúc đẩy các dự án trọng điểm như đường vành đai 2, 3, chuẩn bị khởi động đường vành đai 4 TP HCM; hoàn thành dứt điểm công tác quy hoạch.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, TP HCM là nơi duy nhất ở Việt Nam được đánh giá xếp hạng quốc tế theo chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (Global Financial Center Index – GFCI) - xếp hạng quốc tế duy nhất về các trung tâm tài chính trên thế giới.
Tháng 3/2022, lần đầu tiên TPHCM đã được chính thức đưa vào danh sách xếp hạng này, mặc dù là vừa vào nên ở vị trí gần cuối bảng (xếp hạng 102/119). Trong bảng này, khu vực châu Á có các trung tâm thường nằm trong top 10, bao gồm Hong Kong, Singapore, Thượng Hải và Tokyo.
Theo khung phân tích đánh giá xếp hạng vị thế của trung tâm tài chính do GFCI xây dựng, năm trụ cột để đánh giá năng lực cạnh tranh của một trung tâm tài chính bao gồm vốn con người, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, phát triển ngành và danh tiếng.