Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (3-10/7): Xây thêm nhà ga sân bay Cát Bi và Tân Sơn Nhất, đầu tư PPP cao tốc ven biển Ninh Bình - Hải Phòng

Thủ tướng chỉ đạo hoàn thành các thủ tục khởi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đồng ý chủ trương đầu tư ga hành khách T2 sân bay Cát Bi; Hà Nội chốt danh sách 9 nhà máy và cơ quan ra khỏi nội đô; đầu tư PPP cao tốc ven biển Ninh Bình - Hải Phòng; Đèo Cả hợp tác doanh nghiệp ngoại đề xuất đầu tư 28 km metro số 2 TP HCM,... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

Sắp xây thêm nhà ga hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất và Cát Bi 

Chiều 9/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát hiện trường và có cuộc làm việc với các bộ ngành, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất.

Người đứng đầu Chính phủ giao các cơ quan phối hợp chặt chẽ, hoàn thành các thủ tục bàn giao đất trong tháng 7, giải phóng 12 ụ bê tông trong quý III năm nay, phấn đấu hoàn thành việc xây dựng mới các ụ bê tông trong quý III theo tinh thần lưỡng dụng. 

UBND TP HCM được giao nhanh chóng triển khai các dự án giao thông kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với bên ngoài; cùng các cơ quan bổ sung, sửa đổi các quy hoạch cần thiết theo thẩm quyền trong quý III. 

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị thực hiện các thủ tục để triển khai xây dựng nhà ga T3. Phấn đấu hoàn thành các thủ tục để khởi công nhà ga T3 trong quý III/2022, chậm nhất tới tháng 9/2024 phải hoàn thành nhà ga này.

Trước đó, ngày 8/7, Thủ tướng Lê Văn Thành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.  

Nhà ga hành khách T2 sân bay Cát Bi đáp ứng công suất 5 triệu hành khách/năm sẽ là nhà ga quốc nội và nhà ga hành khách T1 sẽ đóng vai trò là nhà ga khai thác quốc tế. 

Nhà đầu tư dự án là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.405,406 tỷ đồng, bằng nguồn vốn góp của ACV, không sử dụng vốn vay. Thời hạn hoạt động 50 năm.   

Hà Nội chốt danh sách 9 nhà máy và cơ quan ra khỏi nội đô 

Ngày 8/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết danh mục gồm 9 cơ sở nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn. Thành phố sẽ thực hiện kế hoạch di dời trong vòng 5 năm kể từ ngày duyệt danh sách. 

Cụ thể, các cơ sở nhà, đất thuộc diện di dời gồm: Công ty In Báo Nhân Dân Hà Nội; Công ty TNHH một thành viên In Báo Hà Nội Mới; Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội; Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Thăng Long; Công ty TNHH một thành viên In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam; Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội; Tổng kho xăng dầu Đức Giang; Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp; Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.

Với việc di dời các cơ sở nhà, đất tại các quận nội thành, tổng diện tích khoảng 520.000 m2, Hà Nội sẽ có thêm quỹ đất 'vàng' trong khu vực nội thành để phát triển đô thị.

Trong số các cơ sở này, có một số cơ sở có diện tích lớn, nằm ở vị trí đắc địa của thành phố. Đơn cử, 52.230 m2 đất của Nhà máy Bia Hà Nội tại 183 Hoàng Hoa Thám, Ngọc Hà, Ba Đình được quy hoạch là đất hỗn hợp, công cộng, trường THPT, cây xanh, nhà ở và bãi đỗ xe. 

Nhà máy Bia Hà Nội (thuộc Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội Habeco), tại 183 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, thuộc diện di dời. (Ảnh: Huy Hoàng).

Hay trên khu đất rộng gần 110.000 m2 tại số 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi (vị trí Nhà máy Thuốc lá Thăng Long), quận Thanh Xuân, Hà Nội sẽ xây dựng tổ hợp các tòa nhà hỗn hợp thương mại, văn phòng, dịch vụ và nhà ở với chiều cao công trình từ 35 đến 46 tầng, gồm 4.752 căn chung cư. Tổng mức đầu tư dự án là 11.108 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau năm 2025.

Đầu tư PPP cao tốc ven biển Ninh Bình - Hải Phòng

Trong thông báo kết luận mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, đoạn tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý để UBND tỉnh Nam Định chủ trì nghiên cứu triển khai theo phương thức PPP trong giai đoạn 2017-2021. 

BND các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình đã đề nghị đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng theo hình thức đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Quá trình lấy ý kiến của các cơ quan liên quan cho thấy, hiện nay, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, các nguồn vốn nhà nước cơ bản đã phân bổ hết, nên việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công là không khả thi. 

Vì vậy, Thủ tướng thống nhất tiếp tục nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến cao tốc này theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BOT do nhà đầu tư đề xuất.

Liên quan đến dự án này, Tập đoàn Geleximco vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho doanh nghiệp này làm nhà đầu tư quan tâm và lập đề xuất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. 

Ngoài ra, Geleximco kiến nghị Bộ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và làm việc với các địa phương có dự án theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đèo Cả cùng doanh nghiệp ngoại đề xuất đầu tư 28 km metro số 2 TP HCM

Ngày 7/7, Tập đoàn Đèo Cả và Công ty Sinohydro (thuộc Tập đoàn Power China - một trong những nhà thầu lớn về thi công, xây dựng công trình thủy điện, điện tái tạo và năng lượng mới) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đề xuất đầu tư tuyến metro số 2 TP HCM giai đoạn 3.  

Hai bên sẽ cùng hợp tác nghiên cứu đề xuất dự án giai đoạn 3 tuyến metro số 2 TP HCM theo hình thức PPP, tiến tới đẩy mạnh hợp tác đầu tư tại dự án đường sắt trên cao, hạ tầng giao thông,… 

Các đơn vị đã tổ chức họp thống nhất kế hoạch triển khai chi tiết nghiên cứu đầu tư dự án giai đoạn 3 tuyến metro số 2 TP HCM, lãnh đạo Đèo Cả giao Ban Đầu tư Tập đoàn lên lộ trình chi tiết thực hiện.

    Nguồn: Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM 

Giai đoạn 3 của dự án metro 2 dài 28 km. Hướng tuyến từ Bến xe Tây Ninh đến Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi dọc theo quốc lộ 22. Dự án bao gồm 22 ga trên cao, đi qua quận 12 và các huyện Hóc Môn và Củ Chi. Depot Phước Hiệp đặt tại huyện Củ Chi. Tổng mức đầu tư của dự án ước tính hơn 2,7 tỷ USD (tương đương khoảng 63.000 tỷ đồng).   

Đoạn tuyến này sau khi hoàn thành sẽ kết nối toàn tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm dài 48 km từ khu đô thị Tây Bắc Củ Chi tới khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong tương lai kết nối với đường sắt đi sân bay Long Thành.

Gần 2.500 tỷ đồng xây nút giao vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long 

UBND TP Hà Nội đã trình HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (huyện Hoài Đức).

  Vị trí nút giao đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long. (Đồ họa: Alex Chu). 

Dự án gồm hầm chui theo hướng đường vành đai 3,5 (đường Lê Trọng Tấn) - quốc lộ 32 với tổng chiều dài 975 m, rộng 18,5 m; 4 cầu nhánh bằng bê tông cốt thép dự ứng lực với tổng chiều dài 2.362 m, bề rộng cầu 8,8 m. 

Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.458 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, thực hiện trong giai đoạn 2022-2026.

Khởi động dự án vành đai 4 vùng Thủ đô

Ngày 5/7, Thành ủy Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Ban chỉ đạo do Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng ban. Thành phố cũng mời đại diện các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh tham gia Ban Chỉ đạo. 

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội theo đúng nghị quyết của Quốc hội khóa XV, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm tổng thể, đồng bộ, tiến độ, chất lượng. 

 Vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ hoàn thành vào năm 2027. (Đồ họa: Đức Bùi).

Đồng thời, chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027; lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp với các cơ quan trung ương và các tỉnh có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án. 

Tuyến vành đai 4 dài khoảng 112,8 km với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, chia thành 7 dự án thành phần. Sau khi hoàn thành sẽ thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành. 

Gấp rút triển khai dự án đường Hồ Chí Minh và 5 cao tốc vừa được Quốc hội thông qua 

Chiều 6/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp, giao các đơn vị triển khai các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến dự án giao thông vừa được thông qua.

Bộ Giao thông vận tải giao các đơn vị sớm hoàn thành các đoạn Cổ Tiết - Chợ Mới còn lại của dự án đường Hồ Chí Minh. 

Hai đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận đã được bố trí ngân sách khoảng 4.450 tỷ đồng. 

Bộ cũng chỉ đạo các cơ quan, ban quản lý dự án gấp rút triển khai dự án vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP HCM và ba cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Với các dự án trọng điểm, ông Thể giao các ban quản lý dự án chủ động đề xuất danh sách các vật tư đặc thù, tham mưu Bộ Giao thông vận tải gửi văn bản về các địa phương công bố giá theo vật liệu đặc thù đó, đảm bảo dự án có vật liệu thi công với chất lượng tốt nhất. 

Dự chi gần 12.000 tỷ đồng làm đường vành đai 4 TP HCM qua Bà Rịa - Vũng Tàu 

Tại cuộc họp ngày 6/7 nghe báo cáo phương án đầu tư tuyến đường vành đai 4 TP HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, giai đoạn 1 dự án có 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh ở giữa và đường gom. Toàn tuyến dài khoảng 198 km, đi qua 5 tỉnh, thành: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An. 

Đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18 km đi qua địa bàn TX Phú Mỹ và huyện Châu Đức. Điểm đầu tuyến giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tuyến đi lên phía bắc giao với các đường Châu Pha - Bà Rịa, Sông Xoài - Châu Pha, Mỹ Xuân - Ngãi Giao và đường xã Cù Bị. Điểm cuối tuyến tiếp giáp với địa phận tỉnh Đồng Nai tại Kml8+300, khu vực hồ Bàu Cạn. 

Thời gian thực hiện dự án (giai đoạn 1) dự kiến kéo dài trong giai đoạn 2022 - 2026 theo phương thức đối tác công tư. Tổng mức đầu tư dự kiến theo phương án 4 làn cao tốc hoàn chỉnh khoảng 6.831 tỷ đồng (chưa gồm lãi vay), đầu tư theo phương án 8 làn hoàn chỉnh là khoảng 11.932 tỷ đồng. 

Đã giải ngân hơn 15.600 tỷ đồng GPMB dự án sân bay Long Thành 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 24/6, các cơ quan liên quan đã thực hiện giải ngân hơn 15.600 tỷ đồng nguồn vốn thuộc dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành, đạt hơn 68% tổng nguồn vốn bố trí cho dự án 

Trong năm 2019, nguồn vốn được giải ngân là hơn 1.100 tỷ đồng; năm 2020 giải ngân hơn 6.100 tỷ đồng; năm 2021 là hơn 7.400 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2022, Đồng Nai giải ngân gần 920 tỷ đồng. 

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 11/2018 với tổng mức đầu tư hơn 22.800 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã được Trung ương bố trí đủ vốn từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2018-2021 để triển khai thực hiện.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.