Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (25-31/7): TP Vinh dự kiến mở rộng gấp đôi, bàn giao đất quốc phòng xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Dự kiến sáp nhập thị xã Cửa Lò và một phần huyện Nghi Lộc vào TP Vinh, bàn giao gần 28 ha đất quốc phòng xây nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, đồng loạt khởi công ba cao tốc trọng điểm phía nam trước 30/6/2023, hơn 1.200 tỷ đồng làm đường nối cầu Vân Phúc với đê tả sông Hồng, Đèo Cả liên danh cùng ba doanh nghiệp làm cao tốc Sơn La - Điện Biên,... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

Dự kiến sáp nhập thị xã Cửa Lò và một phần huyện Nghi Lộc vào TP Vinh

Tại phiên họp thường kỳ tháng 7, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất phương án nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Cửa Lò và 9 xã của huyện Nghi Lộc về TP Vinh quản lý. Đây là phương án thứ 3 trong 5 phương án mà Ban Chỉ đạo thực hiện đề án trình bày tại phiên họp.

Toàn cảnh trung tâm thành phố Vinh. (Ảnh: Báo Nghệ An).

Cụ thể, tỉnh dự kiến điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có của thị xã Cửa Lò; điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có 9 xã: Khánh Hợp, Nghi Thịnh, Nghi Trường, Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Phong, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Vạn của huyện Nghi Lộc về TP Vinh quản lý.

Sau sáp nhập, diện tích tự nhiên của TP Vinh là 205,18 km2, dân số khoảng 482.336 người, số đơn vị hành chính có 41. Sau khi mở rộng sẽ thành lập thêm một số phường từ các xã để đạt tiêu chí đô thị theo quy định.

Hiện nay, TP Vinh rộng 105 km2, gồm 16 phường và 9 xã; dân số hơn 348.000 người.

Bàn giao gần 28 ha đất quốc phòng xây nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất 

Ngày 28/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký nghị quyết đồng ý chủ trương bàn giao khoảng 27,85 ha đất quốc phòng tại quận Tân Bình cho UBND TP HCM.

Chính phủ giao Bộ Quốc phòng cập nhật, đưa diện tích đất nêu trên vào danh mục đất chuyển mục đích sử dụng, bàn giao cho địa phương quản lý trong Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021-2030.

Trong 27,85 ha đất này có 16,05 ha để thực hiện dự án Nhà ga hành khách T3 và 11,8 ha để thực hiện dự án đường kết nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Các dự án này từng phải lùi tiến độ qua do vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng.

Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: ACV). 

Theo Nghị quyết, 16,05 ha đất quốc phòng để xây nhà ga T3 sẽ được bàn giao thành 2 đợt. Đợt 1 bàn giao 14,757 ha ngay sau khi nghị quyết được ban hành. 1,293 ha còn lại được bàn giao sau khi xử lý xong tài sản của CTCP Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt.

Đối với diện tích 11,8 ha để xây đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, Chính phủ yêu cầu bàn giao sau khi UBND TP HCM chuyển kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho các đơn vị quân đội để dồn dịch, sửa chữa, xây dựng công trình bị ảnh hưởng khi thu hồi đất.

Đồng loạt khởi công ba cao tốc trọng điểm phía nam trước 30/6/2023

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành ba Nghị quyết số 89, 90 và 91 triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư ba dự án cao tốc trọng điểm quốc gia: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Chiều 27/7, tại tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị triển khai các nghị quyết của Chính phủ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc nói trên.

Ba tuyến cao tốc vừa được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dài 361 km, tổng mức đầu tư hơn 84 nghìn tỷ đồng, đi qua 8 địa phương.

Ba dự án cao tốc phía Nam sẽ được khởi công vào giữa năm sau. (Đồ họa: Justin Bùi).

Nghị quyết của Chính phủ giao Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù; xác định rõ các mốc tiến độ triển khai, khởi công vào tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Phó Thủ tướng cho rằng khối lượng công việc trước mắt rất lớn khi trong vòng một năm phải triển khai hàng loạt công việc, từ giải phóng mặt bằng, thiết kết… để đến tháng 6/2023 khởi công cả ba dự án và đến năm 2025-2026 cơ bản hoàn thành.

Hơn 1.200 tỷ đồng làm đường nối cầu Vân Phúc với đê tả sông Hồng 

Vừa qua, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án tuyến giao thông kết nối từ đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc với tổng mức đầu tư 1.213 tỷ đồng.  

Nguồn vốn đầu tư bố trí từ ngân sách cấp tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến 2026.

Công trình có điểm đầu tuyến tại Km7+760 thuộc xã Trung Hà, huyện Yên Lạc (điểm kết thúc dự án cầu Vân Phúc do Hà Nội đầu tư), điểm cuối tuyến tại Km9+880 thuộc đê tả sông Hồng, địa phận huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Quy mô mặt cắt ngang đoạn dẫn chính từ đê tả sông Hồng lên cầu Vân Phúc dự kiến khoảng 20,5 m (theo kết quả thỏa thuận giữa tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội).

Sơ đồ cầu Vân Phúc theo quy hoạch nối huyện Phúc Thọ (Hà Nội) với Yên Lạc (Vĩnh Phúc). (Ảnh: Hạ Vũ).

Cầu Vân Phúc nối huyện Phúc Thọ (Hà Nội) với huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), dự kiến sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2022 - 2026. Cầu này có tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, chiều dài 4 km và hệ thống đường hai đầu cầu.

Liên danh Đèo Cả, Văn Phú - Invest muốn làm cao tốc Sơn La - Điện Biên 

Tỉnh uỷ Điện Biên vừa làm việc với liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Văn Phú - Invest - Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty Thành Lợi về phương án đầu tư xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang giai đoạn 1.

Thủ tướng đã thống nhất giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện giai đoạn 1 (đoạn TP Điện Biên Phủ - nút giao Km15+800/quốc lộ 279) theo phương thức đối tác công - tư, loại hợp đồng BTL trong giai đoạn 2022 - 2030.

Đoạn tuyến này có chiều dài khoảng 42 km, đi qua địa phận TP Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng và huyện Tuần Giáo. Giai đoạn hoàn thiện quy mô 4 làn xe, giai đoạn phân kỳ 4 làn gồm hai làn xe ô tô và hai làn dừng khẩn cấp, trong đó trên tuyến dự kiến có 1 vị trí xây dựng hầm xuyên núi.

Nguồn: Điện Biên TV.

Tổng mức đầu tư của dự án ước tính khoảng 9.684 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 4.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu các nhà đầu tư là 733 tỷ đồng, phần vốn huy động khác khoảng 4.151 tỷ đồng (dự kiến huy động từ nhiều nguồn thông qua hợp đồng hợp tác BCC, tín dụng...).

Đèo Cả cho biết sẽ nghiên cứu để thực hiện huy động vốn bằng hình thức xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BTL), đây cũng được xem là phương án khả thi nhất để thực hiện vì địa phương không phải bỏ ra số tiền lớn một lần mà có thể trả chậm trong vòng 10 năm.

Ngoài ra, hình thức BTL có thể huy động vốn từ nhiều nguồn như ngân sách nhà nước, vốn từ các nhà đầu tư liên quan cao tốc (bất động sản, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, hệ thống năng lượng tái tạo…).

Sẽ xây thêm các cầu kết nối Bình Dương và Đồng Nai 

Ngày 27/7, lãnh đạo hai tỉnh Bình Dương và Đông Nai đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng thêm 4 cầu bắc qua sông Đồng Nai để kết nối giao thông giữa hai địa phương.

Tại buổi làm việc, hai tỉnh đã tập trung nhiều vào các dự án kết nối giao thông giữa hai địa phương gồm cầu Bạch Đằng 2 (đang thi công), cầu Hiếu Liêm, cầu Thạnh Hội 2 và xây dựng đường vành đai 4 TP HCM.

Theo kiến nghị của tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai thống nhất cập nhật quy hoạch cầu Hiếu Liêm vào quy hoạch tỉnh và thống nhất chủ trương đầu tư cầu kết nối giữa huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) và huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai); phối hợp với Bình Dương giải phóng mặt bằng cầu Bạch Đằng 2.

Đồng Nai sẽ sớm xây dựng đường Vành đai 4 TP HCM từ cầu Thủ Biên đến quốc lộ 1A để tăng khả năng lưu thông vận chuyển hàng hóa giữa 2 tỉnh; thống nhất bổ sung cầu Thạnh Hội 2 vào quy hoạch của tỉnh Đồng Nai để có kế hoạch đầu tư giai đoạn 2025 - 2030.

Dự kiến khởi công nút giao An Phú vào tháng 10

Ngày 27/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát dự án nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức.

Đây là một trong các dự án trọng điểm của ngành giao thông thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Công trình nằm tại điểm đầu của cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đường Mai Chí Thọ, được kỳ vọng giảm ùn tắc cho tuyến đường vào cảng Cát Lái (đường Đồng Văn Cống) và giao thông khu vực cửa ngõ phía đông.

Nút giao An Phú nhìn từ trên cao. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy). 

Với vốn đầu tư 5.104 tỷ đồng, dự án sẽ kết nối thuận lợi với sân bay quốc tế Long Thành khi sân bay hoàn thành và đưa vào khai thác, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông khu vực Thủ Đức và cả TP HCM. Dự kiến dự án được khởi công vào tháng 10 năm nay, hoàn thành vào 30/4/2025.

Thủ tướng đề nghị triển khai dự án không chỉ đảm bảo yếu tố hạ tầng kỹ thuật, mà còn phải đảm bảo về mặt mỹ thuật kiến trúc, khai thác, phát triển du lịch và dịch vụ, làm tốt công tác quy hoạch, khai thác tốt không gian, trong đó có không gian ngầm tại khu vực này. 

Phân cấp cho các tỉnh làm 16 dự án, dự án thành phần đường cao tốc 

Ngày 28/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký quyết định phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.  

Phạm vi điều chỉnh là các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trừ các dự án, dự án thành phần do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản.  

Quyết định nêu rõ phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc gói phục hồi kinh tế. 

Tổng cộng có 16 dự án, dự án thành phần là: Giai đoạn 1 các cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cao Lãnh -  An Hữu, Tuyên Quang - Hà Giang, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn từ Km19+000 - Km53+000 qua Hòa Bình, dự án cầu vượt sông Đáy và cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. 

Quy hoạch thêm phân khu hơn 3.500 ha tại đô thị mới Nhơn Trạch, Đồng Nai 

UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 phân khu 2.3 theo điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. 

Phân khu này có quy mô 3.544 ha, thuộc địa giới hành chính các xã Phú Thạnh, Phú Hữu, Phú Đông, Vĩnh Thanh, Đại Phước và Phước Khánh. 

Quy mô dân số đến năm 2035 đạt khoảng 68.576 người và sau năm 2035 khu đô thị lấp đầy, dự báo có khả năng dung nạp khoảng 140.000 - 160.000 người.  

Phân khu 2.3 được định hướng quy hoạch trở thành trung tâm thể dục, thể thao cấp vùng, trung tâm y tế, thương mại và dịch vụ cấp đô thị. 

Đồng thời là khu vực phát triển đô thị mới kết hợp nhà ở xã hội và cải tạo nâng cấp các cộng đồng dân cư hiện hữu, duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp phù hợp với tính chất toàn khu vực. 

Đồng Nai đề xuất Bộ GTVT đầu tư hai tuyến đường sắt hơn 91.000 tỷ đồng 

Ngày 29/7, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc triển khai hai tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành.

Đồng Nai nhận thấy tỉnh không đủ thẩm quyền, năng lực thực hiện hai tuyến đường sắt này và đề xuất Bộ GTVT là đơn vị tổ chức đầu tư các dự án.

Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài gần hơn 37 km, điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM), điểm cuối tại sân bay Long Thành; tổng mức đầu tư dự kiến hơn 40.500 tỷ đồng. 

Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84 km, có điểm đầu ở ga Trảng Bom (Đồng Nai), điểm cuối tại cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu); tổng mức đầu tư dự kiến trên 50.800 tỷ đồng. 

Cuối năm 2021, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương giao tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu. 

7 tháng đầu năm giải ngân khoảng 7.200 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bắc Nam 

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, ước từ đầu năm đến ngày 31/7, dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được giải ngân 7.200 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm 2022 được giao (hơn 20.526 tỷ đồng).

Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án đã hoàn thành công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng, bàn giao 652,555 km (đạt 99,95%), còn lại khoảng 305 m chưa bàn giao, dự kiến hoàn thành trong tháng 7 này. Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (địa bàn Nghệ An) còn 55 m chưa bàn giao, đoạn Nha Trang - Cam Lâm (địa bàn Khánh Hòa) còn 250 m.

Với dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, ngày 13/7, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần với tổng chiều dài hơn 723 km, đánh dấu kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án và chuyển sang giai đoạn thực hiện dự án.

Hiện dự án mới được Thủ tướng Chính phủ giao 257 tỷ đồng kế hoạch đâu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong kế hoạch năm 2022 phân bổ đợt 2, dự án được bố trí 257 tỷ đồng. Ước giải ngân đến cuối tháng 7 là 185 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch.

Với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành, theo Kho bạc Nhà nước, tổng số vốn giải ngân đến ngày 15/7 đạt khoảng 15.776 tỷ đồng, tương đương hơn 69% tổng nguồn vốn bố trí cho dự án.

chọn
Bất động sản tuần qua (17/11 - 23/11): Các dự án lớn ở Đồng Nai đón tin mừng, Sun Group nhắm khu đô thị 28.000 tỷ
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng; Sun Group muốn làm hai khu đô thị hơn 28.000 tỷ ở Bắc Ninh; Hà Nội bỏ quy định UBND TP phê duyệt giá khởi điểm đấu giá đất; sắp xây Aeon Mall Hạ Long... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.