Bộ Giao thông vận tải mới đây trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Long An về tiến độ thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành, cho biết dự án phấn đấu triển khai thi công trở lại trong quý III năm nay.
Cử tri tỉnh Long An có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, do thời gian thi công đã kéo dài nhiều năm gây lãng phí vốn đầu tư công.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã có các báo cáo gửi Chính phủ và thường xuyên làm việc với các cơ quan liên quan (Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA, Kiểm toán nhà nước...) để tháo gỡ các vướng mắc của dự án.
Đến nay, Bộ Chính trị và Quốc hội đã thông qua chủ trương tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vốn của công trình, Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành liên quan đang khẩn trương trình Chính phủ hoàn thiện thủ tục để bố trí vốn cho dự án.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải và chủ đầu tư đang chỉ đạo các nhà thầu để tái khởi động dự án, phấn đấu triển khai thi công trở lại trong quý III/2022.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư với tổng chiều dài 57,8 km, đi qua tỉnh Long An, TP HCM và tỉnh Đồng Nai.
Tuyến bắt đầu tại điểm giao với cao tốc TP HCM - Trung Lương và vành đai 3 của TP HCM; điểm cuối giao quốc lộ 51 (Đồng Nai). Dự án thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc loại A với 4 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120 km/h.
Tổng mức đầu tư dự án là 31.320 tỷ đồng; sử dụng vốn vay ADB, JICA và vốn đối ứng trong nước.
Dự án được chia thành ba đoạn có tính chất độc lập tương đối, sử dụng các hiệp định vay vốn khác nhau; thời gian thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số thay đổi về cơ chế chính sách, dẫn đến dự án không được bố trí vốn và phải dừng thi công từ năm 2019.
Hiện nay, tiến độ hoàn thành đối với dự án cao tốc Bến Lức- Long Thành đã được gia hạn đến ngày 31/12/2023.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành khi hoàn thành sẽ có vai trò quan trọng trong kết nối các tỉnh phía Đông và Tây Nam Bộ với TP HCM góp phần phát triển kinh tế, xã hội của vùng TP HCM và khu vực.