Huyện Mê Linh sẽ không cấp quyền sử dụng đất, tách thửa trước khi thu hồi trong phạm vi vành đai 4

Vành đai 4 đi qua huyện Mê Linh có chiều dài đoạn tuyến 11,2 km, tổng diện tích giải phóng mặt bằng dự kiến trên 192 ha.

Thường trực Thành ủy Hà Nội mới đây có buổi làm việc với Thường trực các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh về triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô, theo Cổng TTĐT Chính phủ.

Tại cuộc họp, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho biết huyện đã tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất trong phạm vi dự án, trước khi thu hồi đất, có văn bản nghiêm cấm cấp quyền sử dụng đất, tách thửa. 

Vành đai 4 đi qua huyện Mê Linh có chiều dài đoạn tuyến 11,2 km, tổng diện tích giải phóng mặt bằng dự kiến trên 192 ha. Trong đó, diện tích đất ở 8,6 ha, diện tích đất nông nghiệp trên 179 ha và diện tích đất khác là 4,6 ha. Địa phương này dự kiến xây dựng tái định cư ở ba xã dành cho 435 hộ dân, tương ứng với diện tích 7,83 ha. 

Bí thư Huyện ủy Mê Linh kiến nghị thành phố sớm cung cấp hồ sơ dự án để thống kê chính xác, làm công tác quản lý và giải phóng mặt bằng, đề nghị cơ chế chính sách đặc thù, cho phép thu hồi diện tính đất nông nghiệp dưới 50 m2.

Sơ đồ đường vành đai 4 qua địa bàn huyện Mê Linh. (Ảnh: UBND huyện Mê Linh).

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, tiến độ giải phóng mặt bằng toàn dự án sẽ hoàn thành 70% trong tháng 6/2023, mục tiêu hoàn thành xong trong tháng 12/2023. 

Nếu giải phóng mặt bằng xong, bàn giao đất “sạch” cho dự án, công trình dự kiến sẽ được hoàn thành trong 36 tháng. Ông Thanh cho rằng nếu chậm 1, 2 tháng là sẽ chậm tiến độ cả dự án, đề nghị các địa phương chú trọng vào công tác giải phóng mặt bằng. 

Nhấn mạnh quá trình thực hiện dự án cần triển khai nhiều thủ tục với nhiều cơ chế chính sách đặc biệt, người đứng đầu chính quyền Hà Nội đề nghị Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch và thực hiện kiểm toán dự án đầu tư song song với tiến độ triển khai xây dựng công trình trong phạm vi cả ba địa phương.

Đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội dài khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần triển khai theo hình thứ đầu tư công kết hợp đầu tư PPP. Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng.

Công trình được chuẩn bị đầu tư năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026, khai thác năm 2027.

Tuyến đường khi hoàn thành giúp đồng bộ hoá hệ thống cao tốc, mở rộng không gian phát triển đô thị, tạo ra hành lang vận tải liên vùng, khai thác các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng cho Hà Nội mà còn cho các địa phương trong vùng Thủ đô.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.