Sẽ thu hồi gần 250 ha đất để mở đường vành đai 4 qua huyện Hoài Đức

Đường vành đai 4 đi qua 13 xã thuộc huyện Hoài Đức với chiều dài 17,1 km, tổng diện tích thu hồi đất để thực hiện dự án khoảng 244 ha. Kinh phí giải phóng mặt bằng ước tính hơn 3.327 tỷ đồng.

Huyện Hoài Đức vừa tổ chức hội nghị họp Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội qua địa bàn.

Dự án đường vành đai 4 đoạn qua huyện Hoài Đức dài 17,1 km, đi qua 13 xã gồm: Đức Thượng, Đức Giang, Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Song Phương, An Thượng, An Khánh, La Phù và Đông La.

Đoạn tuyến bắt đầu tại xã Đức Thượng (giáp với huyện Đan Phượng), điểm cuối tại xã Đông La (giáp với quận Hà Đông). Tuyến đường có 5 điểm cắt giao với các tuyến giao thông chính trên địa bàn huyện và 4 điểm giao với đường trục xã.

Điểm đầu của vành đai 4 qua huyện Hoài Đức thuộc địa bàn xã Đức Thượng. (Ảnh: Hạ Vũ).

Tại 13 xã, tổng diện tích thu hồi đất để thực hiện dự án là gần 244 ha, trong đó 2,65 ha đất ở; 32,41 ha đất phi nông nghiệp; 172,65 ha đất trồng lúa và hơn 36 ha các loại đất nông nghiệp khác.

Theo kết quả rà soát sơ bộ ban đầu, có tổng số 9.730 hộ thuộc diện thu hồi đất và 292 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất cần bố trí tái định cư.

Dự kiến, huyện Hoài Đức bố trí hai khu tái định cư quy mô khoảng 6 - 7 ha tại xã Đức Thượng và Đức Giang. Cùng với đó, huyện xây dựng các phương án chi tiết di chuyển đối với khoảng 7.000 mộ chí để phục vụ dự án.

Kinh phí giải phóng mặt bằng dự án vành đai 4 qua huyện Hoài Đức ước tính khoảng 3.327,4 tỷ đồng.

Vành đai 4 đi qua đường Tiền Lệ, đê Song Phương và cắt Đại lộ Thăng Long đoạn gần cầu vượt Song Phương. (Ảnh: Hạ Vũ).

Kết luận cuộc họp, lãnh đạo huyện lưu ý các xã cần thống kê, làm rõ số liệu về chủ sử dụng đất, các loại hạng đất, tình trạng quản lý, sử dụng đất..., tránh bị động trong công tác bồi trường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án

Các địa phương được giao tổ chức rà soát kỹ số lượng mộ chí cần di dời cũng như phương án di chuyển mộ chí vào các nghĩa trang nhân dân hiện trạng để làm căn cứ triển khai các phương án tiếp theo; chủ động trong công tác tái định cư.

Đầu tháng 7, Huyện ủy Hoài Đức có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội trên địa bàn do Bí thư Huyện ủy Nguyễn Xuân Đại làm Trưởng ban.

Ngày 16/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, dài khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 85.800 tỷ đồng.

Vành đai 4 qua Hà Nội dài hơn 58 km, đi qua 7 quận, huyện: Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín và Sóc Sơn.

Công trình được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.