Sáng 10/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, chủ trì hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 33 địa phương.
Theo Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải gồm 9 dự án và 31 dự án thành phần, cụ thể: Ðường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc: Bắc - Nam phía Ðông, Bến Lức - Long Thành, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP HCM; đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và TP HCM; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án đường bộ cao tốc hoặc dự án hạ tầng giao thông khác mà Ban Chỉ đạo thấy cần thiết...
Bộ Tài chính cho biết tổng nguồn vốn cho các dự án này khoảng 734 nghìn tỷ đồng và cơ bản đã được cân đối.
Để thực hiện các dự án bảo đảm tiến độ, các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ quản sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cơ bản hoàn thành 4 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Mai Sơn – quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) trong năm nay.
Bộ cũng sẽ hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu và các thủ tục liên quan để khởi công các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 vào cuối năm 2022.
Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam sẽ được Bộ Giao thông vận tải hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội khóa XV thông qua. Ngoài ra, ngành giao thông sẽ triển khai thực hiện các dự án để cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh vào năm 2025.
Với các dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tập trung triển khai lập dự án đầu tư, phấn đấu khởi công trước ngày 30/6/2023.
Dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP HCM dự kiến khởi công vào tháng 6 năm sau. UBND TP Hà Nội, TP HCM và các địa phương liên quan tập trung triển khai công tác lập, thẩm định và phê duyệt các dự án thành phần;, bổ sung chỉ giới đường đỏ để triển khai công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng.
Hà Nội và TP HCM chịu trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị theo các mốc tiến độ đã xây dựng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo hoàn thành giải phóng mặt bằng khu xây dựng sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (diện tích 1.810 ha) trong tháng 8 này. Các cơ quan chủ quản/chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thiết kế, triển khai thi công công trình chính của sân bay Long Thành, lựa chọn nhà đầu tư để triển khai các công trình phục vụ, bảo đảm hoàn thành đồng bộ với cảng hàng không khi đưa vào khai thác, sử dụng.
Các ý kiến tại cuộc họp cũng chỉ ra các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án như giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư/ban quản lý dự án/nhà thầu còn hạn chế, thiếu nguồn vật liệu, giá vật liệu biến động, ảnh hưởng của thời tiết,... ảnh hưởng đến tiến độ.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh về đặt mục tiêu tới năm 2030, cả nước phải có ít nhất 5.000 km cao tốc, trong khi từ năm 2000 tới năm 2021, cả nước mới hoàn thành được gần 1.100 km cao tốc.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các dự án, rút kinh nghiệm từ những cách làm hay và cả những hạn chế, bất cập trong nhiều năm qua, trong đó khâu yếu nhất vẫn là tổ chức thực hiện.
Phân tích cụ thể hơn về tầm quan trọng của nhiệm vụ, Thủ tướng cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, tổng nguồn vốn cho các dự án này là 734 nghìn tỷ, riêng các dự án cao tốc là hơn 500.000 tỷ đồng, chưa kể các dự án hợp tác công tư, nguồn vốn vay…
Việc triển khai hiệu quả các dự án này góp phần tạo ra không gian, động lực phát triển mới ở các vùng miền, địa phương và cả nước, hình thành các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị mới; giải quyết nút thắt về giao thông vận tải; thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo việc làm cho người dân; thúc đẩy phục hồi phát triển bền vững kinh tế - xã hội,...
Kinh nghiệm các địa phương cho thấy nếu hạ tầng phát triển tốt thì tăng trưởng sẽ cao như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa.