Chính phủ đã ban hành hai nghị quyết triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đài 3 TP HCM.
Theo đó, với đường vành đai 4, Chính phủ giao UBND các tỉnh, TP Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 31/1/2023 và thực hiện các công việc tiếp theo, bảo đảm khởi công trước 30/6/2023.
Các đơn vị đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành Dự án năm 2026 và khai thác từ năm 2027.
Với đường vành đai 3 TP HCM , chủ tịch UBND các địa phương TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư các dự án thành phần.
Nghị quyết cũng nêu cụ thể dự kiến tiến độ, kế hoạch triển khai. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng hoàn thành 30/3/2024. Dự án khởi công từ 30/11 và hoàn thành vào ngày 30/6/2023; tổ chức thi công từ 30/6/2023 và hoàn thành vào ngày ngày 30/6/2026.
Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Thông báo kết luận nêu rõ, cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài 57,8 km; đi qua tỉnh Long An (2,7 km), Thành phố Hồ Chí Minh (26,4 km) và tỉnh Đồng Nai (28,7 km), là tuyến cao tốc quan trọng của khu vực với mục tiêu giúp phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai thi công các gói thầu của dự án còn chậm so với tiến độ, tổng giá trị giải ngân đối với các hạng mục chính (không bao gồm thuế VAT) là 15.826 tỷ đồng trong tổng kinh phí thực hiện các hạng mục chính của Dự án là khoảng 22.317 tỷ đồng (đạt khoảng 71%), nguyên nhân chậm do cả chủ quan và khách quan.
Đến nay, các vướng mắc về thủ tục bố trí vốn để tiếp tục triển khai Dự án đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hiệp định đã ký với ADB sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2023, đây là thách thức về tiến độ hoàn thành Dự án khi khối lượng công việc dở dang còn nhiều, do vậy cần đẩy nhanh tổ chức thực hiện và hoàn thành công trình, tránh lãng phí.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND TP HCM và tỉnh Đồng Nai tập trung, dự kiến cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án trước ngày 30/8 năm nay.
Bộ GTVT đã có phản hồi gửi UBND TP Hà Nội liên quan đến vị trí xây dựng cầu Mễ Sở thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo đề xuất của UBND TP Hà Nội, cầu Mễ Sở được xác định tại vị trí cách trạm bơm Hồng Vân khoảng 600 m về phía hạ lưu. Phương án này phù hợp và kết nối đồng bộ với hướng tuyến đường vành đai 4 trên địa phận tỉnh Hưng Yên, không ảnh hưởng đến khu di tích quốc gia và không phải di dời đường điện 500 Kv, 200 Kv trong khu vực.
Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu và quyết định vị trí cầu Mễ Sở trong dự án theo thẩm quyền, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Cầu Mễ Sở kết nối huyện Thường Tín (TP Hà Nội) với huyện Văn Giang (Hưng Yên) thuộc đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo phương án ban đầu được đề xuất bởi liên danh CTCP Đầu tư và xây dựng Phương Thành và Công ty Nguyên Minh, Dự án xây dựng cầu Mễ Sở và đường dẫn có tổng chiều dài 13,8 km, bề rộng 17 m kết nối Quốc lộ 1 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.881 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức BOT, thời gian hoàn vốn thời gian 22 năm 11 tháng.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ninh, địa phương sẽ tổ chức lễ khánh thành đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái vào sáng ngày 1/9 tới. Địa điểm tại mặt bằng Trạm thu phí Tiên Yên.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khởi công vào tháng 4/2019, dài hơn 80 km, quy mô 4 làn xe với vận tốc thiết kết tối đa 120 km/h, do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn thuộc Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư.
Dự án chia làm hai dự án độc lập là đoạn thành phần Vân Đồn - Tiên Yên và Tiên Yên - Móng Cái, đây là tuyến cuối cùng của trục cao tốc xương sống dài 200 km dọc tỉnh Quảng Ninh là Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, điểm đầu nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân II thuộc TP Móng Cái.
Tuần qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thông tin về các dự án bất động sản tại khu vực Ao Tiên, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn.
Theo đó, quy hoạch khu vực Ao Tiên được tỉnh phê duyệt phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2009 và điều chỉnh quy hoạch vào tháng 2/2020.
Dự án khu đô thị mới Ao Tiên được UBND tỉnh giao nhà đầu tư triển khai xây dựng từ năm 2004. Đến nay, dự án cơ bản đã hoàn thành và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tại khu đô thị này, UBND tỉnh đã xúc tiến, kêu gọi đầu tư 2 công trình tổ hợp khách sạn, du lịch thương mại 5 sao theo đúng quy hoạch được duyệt.
Các dự án này bao gồm tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, tổng mức đầu tư 3.612 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án này là CTCP Everland Vân Đồn.
Dự án thứ hai là tổ hợp khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn với diện tích 2,3 ha, gồm 5 khối tháp có chiều cao 26 - 34 tầng, tổng vốn đầu tư 3.910 tỷ đồng. Chủ đầu tư là CTCP Cát Linh Vân Đồn.
Hiện nay, hai dự án trên đang được các nhà đầu tư triển khai thi công, khi hoàn thành sẽ góp phần thay đổi diện mạo khu vực, thu hút khách du lịch.
Bên cạnh đó, tại khu vực Ao Tiên có dự án Bến cảng cao cấp Ao Tiên - Vân Đồn được tỉnh duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2020 với quy mô 29,21 ha. Hiện dự án đang triển khai thi công cơ bản hoàn thành, dự kiến khánh thành quý III năm nay.
Tỉnh Quảng Ninh cũng nhấn mạnh, các dự án được thu hút đầu tư giai đoạn vừa qua tại khu vực Ao Tiên là những dự án động lực, trọng điểm của Khu kinh tế Vân Đồn nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng, dịch vụ du lịch.
Ngày 16/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc giao cơ quan có thẩm quyền đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND TP HCM và các cơ quan liên quan về phương án đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành theo đúng ý kiến chỉ đạo tại văn bản được ban hành ngày 30/3/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Ngày 17/8, UBND Phú Yên tổ chức họp với Công ty TNHH Vinacapital Real Estate về đề xuất khu vực phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Ba.
Cụ thể, phạm vi lập quy hoạch rộng hơn 61.393 ha, trong đó, khu vực được đề xuất phát triển đô thị hơn 22.000 ha, bao gồm khu vực phát triển đô thị mới hơn 8.400 ha, khu vực cải tạo đô thị hơn 8.000 ha và khu vực có chức năng chuyên biệt hơn 5.800 ha.
Trong các khu vực này, đơn vị tư vấn quy hoạch đề xuất ý tưởng đầu tư xây dựng nhiều công trình mang điểm nhấn như: Đảo, cầu biểu tượng, du lịch sinh thái; trung tâm phục hồi sức khỏe; khu bảo tồn động vật hoang dã; biệt thự sân golf...
Trước đó vào ngày 11/5/2021, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt nhiệm vụ Hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Ba thuộc Phú Yên, do Công ty TNHH Vinacapital Real Estate tài trợ.
Phạm vi nghiên cứu gián tiếp: Toàn vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, vùng tỉnh Phú Yên, vùng tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk.
Ngày 17/8/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp nghe báo cáo về phương án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045.
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, khu vực lập quy hoạch đô thị mới Cam Lâm có tổng diện tích 54.660 ha, chia làm 7 phân khu.
Cụ thể, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (3.545 ha); khu đô thị sinh thái, dịch vụ công nghiệp (6.504 ha); khu đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế (6.550 ha); đô thị trung tâm (5.680 ha); khu vui chơi giải trí quốc tế (8.490 ha); khu dân cư, du lịch sinh thái (12.020); phân khu ở sinh thái, nghỉ dưỡng Hòn Bà (11.871 ha).
Mục tiêu của việc lập quy hoạch nhằm phát triển thành phố thông minh - sinh thái – bền vững, kết hợp với hệ sinh thái đầm Thủy Triều, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, vùng vịnh Nha Trang. Đồng thời, quy hoạch phát triển đô thị sân bay kết hợp trung tâm tài chính - trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu thêm, tiếp thu và bổ sung các ý kiến góp ý của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đối với các vấn đề như phân cấp đô thị, áp dụng hệ thống quy chuẩn ở mức cao nhất; xác định được quy mô dân số để xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng thêm về không gian ngầm ở các vị trí trung tâm; quy hoạch phát triển đất công nghiệp; đất quốc phòng; lấy hệ thống giao thông làm hạt nhân để xây dựng khu đô thị mới; vấn đề xử lý chất thải rắn, xà bần của khu đô thị; hệ thống các công viên, quảng trường văn hóa, nghĩa trang…
Quy hoạch 07:44 | 02/11/2024
Quy hoạch 08:20 | 05/10/2024
Quy hoạch 06:45 | 02/10/2024
Quy hoạch 19:00 | 24/09/2024
Quy hoạch 11:41 | 21/09/2024
Quy hoạch 13:53 | 18/09/2024
Quy hoạch 07:00 | 08/09/2024
Quy hoạch 07:00 | 07/09/2024