Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 cắt nhiều khu dân cư, dự kiến hoàn thành vào năm 2025

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2022 - 2025 với tổng mức đầu tư 3.478,97 tỷ đồng.

Tháng 8 vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Giang - chủ đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này.

Theo đó, đây là dự án nhóm A, được đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương và địa phương. Tổng mức đầu tư dự án là 3.478,97 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 498,3 tỷ đồng, chi phí xây dựng 2.412,37 tỷ đồng, còn lại là dự phòng và các chi phí khác. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022 - 2025.

Tổng chiều dài đoạn tuyến này là khoảng 27,443 km, điểm đầu là KmO+000 (trùng với Km77 đoạn qua tỉnh Tuyên Quang), thuộc thị trấn Vĩnh Tuy, tỉnh Hà Giang. Đểm cuối là Km27+443 thuộc địa phận xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Phạm vi thực hiện dự án nằm trong ranh giới địa lý hành chính các xã/thị trấn thuộc huyện Bắc Quang, cụ thể: Thị trấn Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Hảo, xã Hùng An, xã Quang Minh, xã Việt Vinh và xã Tân Quang.

 Nguồn: Báo cáo ĐTM dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1).

Hướng tuyến cụ thể  cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) như sau: Tim tuyến đi theo hướng Tây - Bắc, song song với quốc lộ 2 (QL 2) hiện tại, khoảng cách từ tuyến đến QL 2 trung bình 1 - 2 km.

Điểm đầu tuyến KmO+000 thuộc phía đầu cầu Vĩnh Tuy (thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang) - nối tiếp điểm cuối đoạn qua địa phận tỉnh Hà Giang (Km77), cách QL 2 khoảng 1,2 km, tuyến men qua các sườn đồi đất phía đông QL 2, cách QL 2 khoảng 400-1800 m thuộc thị trấn Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Hảo; đoạn thuộc xã Hùng An có địa hình tương đối bằng phẳng, tuyến đi song song phía đông QL 2 đến các dãy núi phía đông bắc của xã thì rẽ phải cắt qua các đồi bát úp xã Quang Minh.

Trên địa phận xã Quang Minh, tuyến đi theo hướng bắc trên địa hình đồi thấp đến giao với QL 279 tại vị trí Km5 tính từ ngã ba Pắc Há vào cầu Sảo, sau đó tuyến đi men sưòn núi địa hình khó khăn đến vượt yên ngựa phía đông dãy núi Khau Vai.

Tuyến tiếp tục men theo địa hình núi khó đến thôn Tân Tạo 1, xã Việt Vinh. Từ đây tuyến đi về bên trái, phía bắc hồ Nậm Moong đến thôn Minh Thắng 1 rồi tuyến đi men theo sườn núi phía đông QL 2 đến vượt sông Lô tại xã Tân Quang.

Tương lai khi kéo dài tuyến đường đến thành phố Hà Giang thì tuyến đi men theo sườn núi song song với QL 2, phía đông sông Lô.

 Sơ đồ nút giao với QL 279.  (Nguồn: Báo cáo ĐTM dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1). 

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang được quy hoạch với quy mô 4 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế theo quy hoạch 100 km/h, với quy mô 4 làn xe, quy mô mặt cắt ngang 25,25 m. Giai đoạn 1, xây dựng với quy mô 2 làn xe, quy mô mặt cắt ngang 12 m, vận tốc thiết kế 100km/h (châm trước một số đoạn địa hình đặc biệt khó khăn thiết kế 80 km/h).

Tuyến Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang có chiều dài khoảng 27,44 km với quy mô đường cao tốc với tốc độ tính toán 100 km/h. Đoạn tuyến này được xây dựng 2 nút giao; 21 cầu dân sinh, 8 cầu (trong đó 6 cầu trên tuyến chính và 2 cầu trong nút giao).

Về các yếu tố nhạy cảm về môi trường, dự án cắt qua các khu vực khu dân cư như: KDC thị trấn Vĩnh Tuy; KDC xã Vĩnh Hảo; KDC xã Hùng An; KDC xã Quang Minh; KDC xã Việt Vinh; KDC xã Tân Quang. Trong đó, đoạn cắt qua xã Tân Quang là khu dân tập trung, đặc biệt đông đúc ở cuối tuyến. Bên cạnh đó, dự án cũng cắt qua một số khu vực đất trồng lúa nước 2 vụ và rừng trồng sản xuất.

 Nút giao giữa đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang và QL 2 ). (Nguồn: Báo cáo ĐTM dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1).  

Khi được triển khai, dự án được kỳ vọng phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đối với các tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang; tạo điều kiện thuận lợi để kết nối 2 tỉnh với các khu vực kinh tế trọng điểm khác của vùng và của cả nước, đặc biệt rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội và các địa phương khác đến với tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và kết nối với cửa khẩu quốc tế Thanh Thuỷ cũng như các Khu du lịch trọng điểm của khu vực như Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận: Cao nguyên đá Đồng Văn; Khu di sản thiên nhiên Quốc gia Na Hang - Ba Bể, tạo động lực, sự đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh Hà Giang nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung.

Về mặt pháp lý, chủ đầu tư dự án cho biết, dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang đã được HĐND tỉnh Hà Giang phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 22/3. Dự án nằm trong danh mục đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế tại Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7 của Thủ tướng Chính phủ.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.