Kiến nghị sớm đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang

Tuyến cao tốc nối tỉnh Tuyên Quang với Hà Giang được quy hoạch với chiều dài khoảng 165 km, quy mô 4 làn xe, theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h.

Ngày 7/1, tiếp tục phiên thảo luận chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy đặc biệt nhấn mạnh đến việc đầu tư kết cấu hạ tầng.

Đại biểu mong muốn Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm có tác động lan toả lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, như xây dựng được các tuyến đường cao tốc Bắc Nam; các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; tuyến tốc độ cao Bắc Kạn - Cao Bằng; cao tốc Sơn La - Điện Biên.

Bà Thúy cũng đề nghị Trung ương quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp để khai thác được tiềm năng, thế mạnh của các cảng biển, sân bay, trung tâm thương mại lớn, phát triển quỹ đất, tạo công ăn việc làm cho người lao động…

Vị đại biểu cũng tiếp tục nêu mong muốn của cử tri và nhân dân hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đối với việc xây dựng tuyến đường cao tốc nối Tuyên Quang với Hà Giang. 

Hiện nay, giai đoạn 1 tuyến đường Tuyên Quang - Hà Giang được đầu tư xây dựng đoạn nối từ cao tốc Hà Nội - Lào Cai tại Phú Thọ lên Tuyên Quang; việc đầu tư kết nối đoạn còn lại nối từ Tuyên Quang lên cửa khẩu Thanh Thủy, Hà Giang sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, không chỉ cho hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang mà còn cho cả vùng trung du miền núi phía Bắc.

Đại biểu phân tích hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đều đã đưa việc đầu tư dự án này vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Về hồ sơ cơ bản đã chuẩn bị xong và đã sẵn sàng chủ động thực hiện các nhiệm vụ về giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tuyến đường này phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2021.

Do vậy, bà Thúy cho rằng việc đầu tư tuyến đường này là phù hợp với quy và mục tiêu khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm giai đoạn 2021-2025.

Trước Quốc hội, đại biểu Ma Thị Thúy bày tỏ nguyện vọng của cử tri trong tỉnh về mong muốn Quốc hội xem xét, ủng hộ để tuyến đường sớm được đưa vào đầu tư xây dựng.

Còn đại biểu đoàn Hà Giang Lý Thị Lan đánh giá Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đã được phân bổ tương đối toàn diện. Trong đó, chương trình đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng ưu tiên trọng tâm vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có sức lan tỏa lớn, liên kết vùng, nhất là các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến đường cao tốc miền núi phía Bắc như Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai kết nối với Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang,... sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong vùng nói chung, đồng thời tạo hành lang kết nối giao thông giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc.

Ngoài ra, các dự án nói trên sẽ tạo điều kiện giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực thuận lợi, thúc đẩy hợp tác phát triển và phá vỡ thế độc đạo về giao thông giữa các địa phương, góp phần giảm nghèo khu vực miền núi, đảm bảo thế trận quốc phòng, an ninh. 

Bà Lan cho rằng việc đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng Hà Giang - Tuyên Quang là việc hết sức cấp thiết, phù hợp với định hướng đầu tư trong quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Vì vậy, trên cơ sở huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang hứa cam kết đảm bảo sẽ phối hợp với nhau để thực hiện tốt việc chuẩn bị hồ sơ tham gia giải phóng mặt bằng nhanh, huy động nguồn kinh phí của địa phương để đảm bảo thực hiện thời gian đúng tiến độ.

Liên quan đến dự án cao tốc trên địa bàn, cuối tháng 12 vừa qua, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn, nút thắt lớn nhất với sự phát triển của tỉnh.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dồn lực cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang và tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.

Về đề nghị đầu tư dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động đề nghị bố trí khoảng 1.416 tỷ đồng từ ngân sách địa phương của hai địa phương này. Thủ tướng cho biết hiện Chính phủ đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đề xuất bố trí vốn ngân sách Trung ương đầu tư dự án tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần chuẩn bị sẵn sàng để triển khai thật nhanh nếu được phê duyệt.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.