Đại biểu Điện Biên: Không vì khó trong huy động vốn mà chuyển cao tốc Bắc Nam từ PPP sang đầu tư công

Về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Tạ Thị Yên cho rằng không vì những khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) mà chuyển hết cả 12 dự án thành phần sang đầu tư công.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về Dự án, thực hiện mục tiêu "Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông".

Về hình thức đầu tư, theo bà Yên, không vì những khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 mà chuyển hết cả 12 dự án thành phần sang đầu tư công.

Vị đại biểu cho rằng phải tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó vì Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư với kỳ vọng tạo đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân. Nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông còn rất lớn nên cần tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân và đẩy mạnh huy động đầu tư tư nhân, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng như cơ quan thẩm tra đã đề xuất. 

Hơn nữa, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó đã phân bổ vốn cho nhiều dự án giao thông đường bộ đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Do đó, trong trường hợp dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn khác cho các dự án giao thông đã được Quốc hội phân bổ vốn theo kế hoạch để không làm ảnh hưởng đến cân đối, giải ngân vốn cho các dự án khác trong kế hoạch, nhất là các tuyến giao thông khu vực Tây Bắc.

Đại biểu Tạ Thị Yên ủng hộ phương án tách công tác giải phóng mặt bằng thành các dự án vận hành độc lập và giao chính quyền địa phương tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, bà cho rằng cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện dự án và gắn trách nhiệm địa phương để bảo đảm được tiến độ giải phóng mặt bằng, tránh chậm trễ ảnh hưởng tới tiến độ dự án như giai đoạn 2016-2020 vừa qua.

Ngoài ra, bà Yên kiến nghị cần sớm hoàn chỉnh hướng tuyến của dự án để các địa phương chủ động trong việc lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, xây dựng phương án phát triển kinh tế - xã hội, gắn với các khu đô thị, khu công nghiệp, sân bay, cảng biển, trung tâm logictics... của địa phương. Đặc biệt chú ý tới các yêu cầu bảo đảm thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xử lý các khu vực có nền đất yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long và tình trạng ngập úng, sạt lở ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ đối ở Duyên hải miền Trung bằng các giải pháp công nghệ thiết kế, thi công tiên tiến nhất.

Về tiến độ triển khai các dự án, theo Tờ trình của Chính phủ mất khoảng ba năm để hoàn thiện quy trình mới có thể khởi công và khoảng 2 - 3 năm nữa để thi công hoàn thành công trình. Bà Yên cho rằng như vậy khả năng đến năm 2026 mới hoàn thành toàn tuyến là quá chậm, không đáp ứng được yêu cầu cấp thiết, cấp bách của dự án.

Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh lại tiến độ hoàn thành của dự án, nếu cần rút gọn, đơn giản hóa các thủ tục thuộc thẩm quyền của Quốc hội, thiết kế luôn trong dự thảo nghị quyết này để có thể khởi công đồng loạt, sớm nhất tất cả 12 dự án thành phần.

Theo Tờ trình của Chính phủ báo cáo tại kỳ họp bất thường Quốc hội khoá XV, giai đoạn 2021-2025 dự kiến đầu tư 729 km trên các tuyến Bãi Vọt – Cam Lộ, Quảng Ngãi – Nha Trang và Cần Thơ – Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập theo hình thức đầu tư công.

Chính phủ kiến nghị đầu tư phân kỳ theo quy mô 4 làn xe bề rộng nền đường 17 m, toàn bộ các yếu tố kỹ thuật khác đáp ứng tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 146.990 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025, bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%). Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, Quốc hội đã bố trí 47.169 tỷ đồng, phần còn thiếu (khoảng 72.497 tỷ đồng) Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và từ nguồn vốn NSNN đã bố trí cho ngành giao thông vận tải trong giai đoạn 2021 - 2025.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.