Trình Quốc hội xem xét đầu tư thêm 729 km tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vốn gần 147.000 tỷ đồng

Giai đoạn 2021-2025 dự kiến đầu tư 729 km trên các tuyến Bãi Vọt – Cam Lộ, Quảng Ngãi – Nha Trang và Cần Thơ – Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập theo hình thức đầu tư công.

Sáng nay 4/1, Quốc hội khoá XV đã khai mạc kỳ họp bất thường nhằm đưa ra những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển…

Tại phiên họp này, Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào 2025

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025

Trình Quốc hội xem xét đầu tư thêm 729 km tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vốn gần 147.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình của Chính phủ. (Ảnh: Quốc hội).

Người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải cho biết, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo quy hoạch dài 2.063 km, đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư. Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra mục tiêu "đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông".

Về phạm vi đầu tư, giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư 729 km trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập (27 km còn lại gồm đoạn Hòa Liên - Túy Loan triển khai theo dự án riêng và cầu Cần Thơ 2 đầu tư sau 2025).

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 - 10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe.

Trình Quốc hội xem xét đầu tư thêm 729 km tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vốn gần 147.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Danh mục các dự án thành phần tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025. (Nguồn: Tờ trình Chính phủ).

Căn cứ kết quả dự báo nhu cầu vận tải, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu nhiều phương án về quy mô như: đầu tư hoàn chỉnh ngay theo quy hoạch; phân kỳ đầu tư 2 làn xe, 4 làn xe bề rộng nền đường 24,75 m và 4 làn xe bề rộng nền đường 17 m.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn, Chính phủ kiến nghị đầu tư phân kỳ theo quy mô 4 làn xe bề rộng nền đường 17 m, toàn bộ các yếu tố kỹ thuật khác đáp ứng tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h.

Theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải, với năng lực khai thác hiện tại của cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống và cầu Đại Ngãi (dự kiến hoàn thành năm 2026), việc đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 (dài khoảng 15 km) sẽ triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, để hoàn thiện tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Chính phủ đã cân đối vốn ngân sách đầu tư đoạn Hòa Liên - Túy Loan (dài 12 km, quy mô 4 làn xe) theo dự án độc lập.

Giai đoạn 2017 - 2020, Quốc hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư 8/11 dự án thành phần theo phương thức PPP; quá trình triển khai đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư và huy động vốn tín dụng, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chuyển đổi 5/8 dự án từ phương thức PPP sang đầu tư công, nhằm tạo động lực, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với ba dự án thành phần còn lại, nhà đầu tư đã ký kết hợp đồng dự án và triển khai thi công; tuy nhiên đến nay chỉ có một dự án ký hợp đồng tín dụng, hai dự án còn lại các ngân hàng đang hoàn thiện thủ tục thẩm định để cấp tín dụng.

Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu đầu tư dự án theo phương thức PPP. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai các dự án trong thời gian qua cho thấy, việc đầu tư theo phương thức PPP còn gặp nhiều khó khăn.

Tờ trình nêu rõ Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn hành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước. Chính phủ cũng cho rằng đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025, bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%). Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 Quốc hội đã bố trí 47.169 tỷ đồng, phần còn thiếu (khoảng 72.497 tỷ đồng) Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và từ nguồn vốn NSNN đã bố trí cho ngành giao thông vận tải trong giai đoạn 2021 - 2025.

Giai đoạn 2026 - 2030 bố trí khoảng 27.324 tỷ đồng (chiếm 18,6%, gồm chi phí dự phòng và chi phí bảo hành công trình).

Tư lệnh ngành giao thông cho biết sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481 ha, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được phê duyệt. Kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 19.097 tỷ đồng.

Về tiến độ và thời gian thực hiện, theo ông Thể, chuẩn bị dự án năm 2021 - 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công năm 2023, áp dụng các công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025.

Với tiến độ nêu trên, ông Thể cho rằng trường hợp không phát sinh các tình huống phức tạp đến cuối năm 2025 có thể thông xe kỹ thuật toàn bộ các dự án thành phần và đưa vào khai thác một số đoạn tuyến, các đoạn tuyến phức tạp về kỹ thuật (các công trình cầu lớn, hầm lớn, xử lý đất yếu…) sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.