Đề nghị giải trình việc đầu tư 27 km còn lại và tiến độ hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ hơn việc đầu tư 27 km còn lại của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Sáng 4/1, sau phần trình bày của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh tiếp tục trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư dự án.

Đề nghị giải trình việc đầu tư 27 km còn lại và tiến độ hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh: quochoi.vn).

Về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan, ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ dự án được lập cơ bản phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa được quyết định. Do đó đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cập nhật trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch có liên quan để bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định của hệ thống quy hoạch và phát huy hiệu quả đầu tư.

Về phạm vi đầu tư, ông Thanh cho rằng, theo quy hoạch, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km, đến nay đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư. Tuy nhiên trong giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ chỉ đề xuất đầu tư 729 km, do đó đề nghị giải trình, làm rõ hơn việc đầu tư 27 km còn lại của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. 

Về quy mô mặt cắt ngang, Chính phủ đề xuất phương án giải phóng mặt bằng dự án theo quy mô 4 - 6 làn xe hoàn chỉnh. Tuy nhiên, giai đoạn phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe với mặt đường 17 m, không có hai làn dừng xe khẩn cấp. Do đó, một số ý kiến đề nghị đầu tư dự án theo quy mô 4 làn xe với mặt đường 24,75 m, bao gồm 2 làn dừng xe khẩn cấp) để phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam về đường ô tô cao tốc, đồng thời bảo đảm hiệu quả trong việc khai thác, mở rộng về sau.

"Ý kiến khác cho rằng việc đầu tư dự án theo quy mô mặt đường 24,75 m sẽ phải bổ sung thêm khoảng 50.000 tỷ đồng trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn hiện nay là khó khả thi, do đó tán thành với đề xuất của Chính phủ. Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ vấn đề này", ông Thanh trình bày.

Về phương án thiết kế sơ bộ và lựa chọn công nghệ chính: một số ý kiến đề nghị cần sớm hoàn chỉnh hướng tuyến của dự án; rà soát kỹ lưỡng để thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và giải pháp hiệu quả xử lý các khu vực có nền đất yếu, lưu ý các khu vực quốc phòng, an ninh, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến các di tích lịch sử, khu bảo tồn, vườn quốc gia...

Một số ý kiến đề nghị cần áp dụng triệt để các công nghệ tiên tiến, phương án thiết kế cầu, hầm... để tối ưu hóa hướng tuyến của dự án; bổ sung làm rõ phương án lựa chọn công nghệ chính cho các dự án thành phần. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung giải trình làm rõ những vấn đề trên.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế nhận thấy có 81,5 km của dự án đi trùng với đường Hồ Chí Minh. Vì vậy, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần bổ sung, làm rõ các đoạn tuyến của dự án đi trùng với các tuyến đường hiện hữu và phương án xử lý đối với các đoạn đi trùng để tránh ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân và hiệu quả của các dự án liên quan.

Khó vay vốn từ các ngân hàng thương mại

Về hình thức đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay, thị trường vốn còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa thông qua thị trường vốn để huy động vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng mà chủ yếu là huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, cùng với những bất cập trong thực hiện phương thức PPP vẫn chưa được khắc phục thì khả năng các ngân hàng thương mại cho các nhà đầu tư vay vốn để thực hiện dự án theo phương thức PPP là rất thấp.

Do đó, việc Chính phủ đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công để bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là có cơ sở.

Tuy nhiên, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 29 về Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trong đó đã phân bổ vốn cho nhiều dự án giao thông đường bộ đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có dự án này.

Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước cho các dự án giao thông PPP đã được Quốc hội phân bổ vốn theo Kế hoạch.

Dự kiến sẽ nhượng quyền thu phí các dự án thành phần

Về nguồn vốn và giải ngân vốn, Chính phủ dự kiến phần vốn nhà nước bổ sung 72.497 tỷ đồng sẽ cân đối từ "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội". Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ phương án điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong chương trình để ưu tiên vốn của chương trình cho các dự án trọng điểm.

Về thu hồi vốn đầu tư, ông Thanh cho biết Chính phủ dự kiến sẽ thực hiện nhượng quyền thu phí các dự án thành phần của dự án. Tuy nhiên, cơ chế nhượng quyền thu phí, tổ chức thu phí các dự án đường cao tốc do nhà nước đầu tư đến nay vẫn chưa được ban hành.

Đồng thời, qua giám sát, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, các quy định và công tác tổ chức thực hiện về thu phí tự động không dừng của các dự án giao thông BOT vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, khắc phục những tồn tại, hạn chế về nội dung này.

Liên quan tiến độ, cơ quan thẩm tra cho rằng, cần khoảng 3 năm để khởi công và khoảng 2 - 3 năm để thi công, khả năng đến năm 2026 mới hoàn thành toàn tuyến. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh lại tiến độ hoàn thành.

 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.