Doanh nghiệp nhà Hưng Hải Group muốn làm sân bay ở Lai Châu

Lãnh đạo tỉnh Lai Châu vừa trao biên bản ghi nhớ đầu tư cho CTCP Sân bay Fansipan (thuộc Hưng Hải Group) đầu tư Cụm cảng hàng không Lai Châu với tổng mức đầu tư dự kiến 6.800 tỷ đồng.

Một góc TP Lai Châu. (Ảnh: Báo Lai Châu).

Sáng ngày 27/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Lễ công bố Biên bản ghi nhớ (MOU), Biên bản hợp tác (MOC) và Thư bày tỏ quan tâm tài trợ cung cấp tài chính cho các dự án phát triển vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai.

Tại buổi làm việc, ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã trao MOU hợp tác đầu tư cho đại diện CTCP Sân bay Fansipan (thuộc Tập đoàn Hưng Hải) đầu tư Cụm cảng hàng không Lai Châu với tổng mức đầu tư dự kiến 6.800 tỷ đồng.

CTCP Sân bay Fansipan được thành lập vào tháng 5/2021, hiện có trụ sở tại TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Thời điểm thành lập, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group) nắm 55% vốn góp; ông Trần Đình Hải (40%) và ông Nguyễn Văn Tuyền (5%). Giám đốc kiêm đại diện pháp luật công ty là ông Lê Đại Dương.

Về Hưng Hải Group, tập đoàn này ra đời từ năm 2000, có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xuất phát điểm là doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông. Hiện nay, Hưng Hải còn phát triển trong mảng năng lượng tái tạo.

Hưng Hải từng tham gia xây dựng công trình thủy điện Nậm Na 2, Nậm Na 3, Nậm Na 1 và một số công trình hạ tầng, giao thông tại Điện Biên và Lai Châu.

Ông chủ của Hưng Hải Group là ông Trần Đình Hải. Bên cạnh nắm 40% vốn góp tại Công ty Fansipan, ông Hải còn đứng tên tại nhiều doanh nghiệp năng lượng khác, như CTCP Năng lượng Vũng Tàu, CTCP Đầu tư Phát triển Khai thác Khoáng sản Hạ Long hay CTCP Năng lượng Nậm Na 2.

Tính đến tháng 10/2016, Hưng Hải có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó ông Trần Đình Hải nắm 95% vốn góp, bà Trần Thị Hiền và ông Vũ Quang Trường lần lượt nắm 2,5%.

Liên quan đến sân bay Lai Châu, trong tháng 8, UBND tỉnh Lai Châu đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP và giao cho tỉnh này làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án. 

Địa phương cho biết sân bay Lai Châu đã được Thủ tướng xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không vào tháng 2/2018.

Cụ thể, sân bay này được định hướng đến giai đoạn 2030 là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp III; công suất 0,5 triệu hành khách /năm; diện tích sử dụng đất là 167 ha, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng, địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Tỉnh đã chủ động ưu tiên nguồn lực địa phương thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất và giải phóng mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng sân bay. Theo UBND tỉnh Lai Châu, đã có một số nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP.

Theo phương án của Bộ Giao thông vân tải, cảng hàng không Lai Châu có công suất thiết kế dự kiến 0,5 triệu hành2 khách/năm, diện tích đất dự kiến 117 ha, chi phí đầu tư ước tính 4.350 tỷ đồng, địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Cũng tại buổi lễ ngày 27/8, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho đại diện CTCP Sâm Pusilung đầu tư Dự án trồng rừng gỗ lớn và trồng dược liệu (299 tỷ đồng); trao MOU cho CTCP Liên Việt Lai Châu đầu tư Dự án trồng phát triển cây mắc ca kết hợp với cây lâm nghiệp khác tại huyện Than Uyên (468 tỷ đồng); trao MOU hợp tác đầu tư cho CTCP EREX Co., Ltd. (Nhật Bản) đầu tư Dự án Hợp tác phát triển nguyên liệu sinh khối và đầu tư các dự án sử dụng nguyên liệu từ ngành nông lâm nghiệp.
chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.