Theo đó, cao tốc TP HCM - Trung Lương được đầu tư đưa vào khai thác giai đoạn 1 cách đây hơn 10 năm, quy mô bốn làn xe và hai làn dừng khẩn cấp.
Hiện nay, cao tố này lưu lượng phương tiện lưu thông rất lớn, không đáp ứng được sự gia tăng của phương tiện và nhu cầu đi lại của người dân, thường xuyên ùn tắc giao thông, đặc biệt là các dịp lễ, Tết, cuối tuần.
Dự án không bảo đảm cho nhu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa, hành khách và kết nối, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào khai thác giai đoạn 1 từ tháng 4 đến nay đã chia sẻ lưu lượng, phương tiện giao thông, giảm ùn tắc giao thông cho Quốc lộ 1. Tuy nhiên khi khai thác đồng thời cả tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đã phát sinh một số bất cập do lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến quá lớn.
Để khắc phục những bất cập nêu trên và phát huy hiệu quả khai thác các tuyến vành đai của TP HCM, các tuyến cao tốc đang và sẽ được đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng việc sớm nghiên cứu đầu tư mở rộng đường cao tốc từ TP HCM đi Trung Lương và Mỹ Thuận là hết sức cần thiết.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất nghiên cứu phương án triển khai thực hiện tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo hướng tách thành 2 dự án độc lập trên cơ sở hai đoạn tuyến đã được đầu tư giai đoạn 1 (TP HCM – Trung Lương và Trung Lương – Mỹ Thuận) để đề xuất phương án đầu tư giai đoạn 2, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ có văn bản gửi UBND TP HCM, các tỉnh Long An, Tiền Giang, đề nghị phối hợp nghiên cứu, báo cáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành thông qua. Đồng thời, thống nhất phương án đề xuất giao cho UBND các tỉnh, thành là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án theo hướng UBND TP HCM hoặc Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai mở rộng đoạn cao tốc TP HCM - Trung Lương; UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện dự án Trung Lương - Mỹ Thuận…
Về phương án đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất nghiên cứu, đề xuất ít nhất ba phương án đầu tư gồm: Đầu tư công, BOT, BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ)… Trong đó, cần phân tích, đánh giá ưu điểm, hạn chế, khó khăn của từng phương án.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu đề xuất các cơ chế, chính sách cần được sửa đổi hoặc ban hành mới để bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện các dự án.
“Sau khi hoàn chỉnh các phương án đầu tư, cơ quan có thẩm quyền báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định…”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ.
Về lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau khi UBND các tỉnh, thành được cấp có thẩm quyền chấp thuận giao nhiệm vụ là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện các dự án, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, trong trường hợp triển khai dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Trước đó, nhiều địa phương đề xuất mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận với lý do quá tải.
Bên cạnh đó, CTCP Tập đoàn Đèo Cả và Liên danh Cienco 6 - Coteccons - Thuận Việt cũng quan tâm và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu lập phương án đề xuất chủ trương đầu tư mở rộng tuyến đường này.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ Dầu Giây đến Long Thành có quy mô đầy đủ là 10 làn xe, đoạn Long Thành đến Bến Lức có 8 làn xe, từ Bến Lức đến Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đều có 6 làn xe, được đầu tư trước năm 2030.