Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (22-28/8): Khởi công cảng hàng không Sa Pa, nghiên cứu đầu tư sân bay Nà Sản

Nghiên cứu đầu tư sân bay Nà Sản theo phương thức PPP, Sơn La duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Vân Hồ 7.440 ha, khởi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 12 năm nay, Hải Phòng dự kiến hoàn tất mở rộng đường từ cầu Lạng Am ra biển vào năm sau... là những thông tin quy hoạch, phát triển hạ tầng nổi bật tuần qua.

Nghiên cứu đầu tư sân bay Nà Sản theo phương thức PPP 

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trước đó, ngày 2/8, UBND tỉnh Sơn La có tờ trình về việc đầu tư xây dựng CHK Nà Sản theo phương thức PPP.

Về đề xuất này, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Sơn La và tổng hợp báo cáo Tổ công tác sau khi được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ ngày 9/8.

Trước đó, ngày 28/5, đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra tại CHK Nà Sản. Cảng được người Pháp xây dựng từ những năm 1950 tại địa phận xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn (Sơn La), nằm cạnh quốc lộ 6, cách TP Sơn La khoảng 20 km về phía nam. 

Cảng có diện tích trên 170 ha; giai đoạn 1996-2004 Cảng đã khai thác ổn định với tần suất 2-5 chuyến/tuần bằng máy bay ATR72. Do khai thác đã lâu, hệ thống kết cấu hạ tầng xuống cấp, nên dừng hoạt động dân dụng vào năm 2004.

 Một góc sân bay Na Sản hiện nay. (Ảnh: Báo Đầu tư).

UBND tỉnh Sơn La đã đề xuất phương án dự kiến đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản theo hình thức PPP, giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án Cảng hàng không Nà Sản, chấp thuận về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Nà Sản theo hình thức đối tác công tư...   

Theo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), trong Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không, Nà Sản được xếp vào nhóm 3, cùng với Điện Biên, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

Sơn La duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Vân Hồ 7.440 ha 

Vừa qua, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập Quy hoạch chung đô thị Vân Hồ đến năm 2040.

Đô thị Vân Hồ có diện tích khoảng 7.440 ha với dân số khoảng 15.000 người. Khu vực lập quy hoạch thuộc xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ. Phía bắc và tây giáp lần lượt xã Phiêng Luông và Đông Sang thuộc huyện Mộc Châu; phía nam và phía đông giáp xã Xuân Nha, Lóng Luông và Chiềng Khoa thuộc huyện Vân Hồ.

Sơn La định hướng xây dựng đô thị Vân Hồ là trung tâm hành chính, chính trị, trung tâm kinh tế văn hóa, xã hội và là đô thị du lịch trong tổng thể Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Bên cạnh đó, đô thị Vân Hồ được nghiên cứu bổ sung phát triển không gian theo 4 hướng. Phía bắc sẽ phát triển vùng công nghiệp, nông nghiệp tập trung và gắn kết với 8 xã phía bắc dọc trục Đường tỉnh 101 đi trung tâm xã Chiềng Khoa.

Phía nam sẽ phát triển theo dọc trục Quốc lộ 6 hướng đi xã Lóng Luông và Mộc Châu, phát triển các khu dân cư gắn với kinh doanh, dịch vụ, du lịch sinh thái và trồng chè.

Hướng phía tây sẽ gắn kết trung tâm huyện Vân Hồ với Trung tâm du lịch trọng điểm thuộc Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, quốc lộ 43 và cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu để phát triển công nông nghiệp, dịch vụ du lịch và thương mại dọc trục ĐT.101A.

Còn lại hướng phía đông sẽ phát triển dọc theo trục ĐT.101A về phía xã Lóng Luông, Chiềng Yên, mở rộng dân cư tại bản Hang Trùng 2, phát triển rau, hoa chất lượng cao, trồng cây, trồng rừng, gắn kết với khu du lịch cộng đồng.

Khởi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 12 năm nay

Ngày 19/8, lãnh đạo tỉnh đã có buổi làm việc về chỉ đạo giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 -  2025 đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. 

Ban Quản lý Dự án Đầu tư các Công trình Giao thông tỉnh cho biết, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và TX Đức Phổ cơ bản đạt tiến độ đề ra. Trong đó, công tác kiểm kê bồi thường đạt bình quân từ 95% - 97%, trong đó huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành bước đầu áp giá, khái toán tổng mức bồi thường đoạn qua địa bàn.

Ban Quản lý cũng kiến nghị tỉnh chỉ đạo tháo gỡ một số vướng mắc, đặc biệt là yêu cầu các địa phương tăng cường GPMB thực hiện dự án, đảm bảo đến 20/11 bàn giao 70% mặt bằng để khởi công dự án.

Theo Ban Quản lý Dự án 2, Bộ GTVT, việc dự kiến phân các dự án thành phần qua địa bàn Quảng Ngãi thành 4 phân đoạn thiết kế, tương ứng 4 gói thầu, giá trị xây lắp. Dự kiến 20/12 tới sẽ khởi công gói thầu đầu tiên đoạn từ Km0 đến Km30 qua địa bàn huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi sẽ thu hồi khoảng 623 ha, giải phóng mặt bằng để triển khai thi công đoạn cao tốc này.

Cụ thể, đất trồng lúa thuộc diện thu hồi là 258 ha, đất rừng 51 ha, đất ở 65 ha và gần 250 ha là các đất khác. Trong đó, với tuyến chính sẽ thu hồi 506 ha, phần còn lại là đất xây dựng khu tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật. Các địa phương có diện tích đất thuộc diện thu hồi là huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và TX Đức Phổ.

Hải Phòng dự kiến hoàn tất mở rộng đường từ cầu Lạng Am ra biển vào năm sau 

Vừa qua, lãnh đạo TP Hải Phòng đã kiểm tra tình hình thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ cầu Lạng Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đến đường bộ ven biển.

Đối với tiến độ thi công dự án bờ Vĩnh Bảo và bờ Tiên Lãng, đoạn tuyến từ cầu Lạng Am đến hết cầu vượt sông Chanh Dương hiện nhà thầu đã hoàn thiện bản mặt cầu, khối lượng thực hiện đạt khoảng 56% giá trị hợp đồng. Đối với gói thầu thi công xây dựng cầu vượt sông Thái Bình và đường dẫn hai đầu cầu, hiện nhà thầu đang thi công với khối lượng thực hiện đạt hơn 55% giá trị hợp đồng.

Theo đánh giá, cùng với tiến độ thi công cơ bản bảo đảm theo kế hoạch thì vướng mắc lớn nhất hiện nay là về công tác GPMB thuộc địa bàn xã Tam Cường, còn 16 hộ dân, các hộ đang kiến nghị về vị trí giao đất tái định cư, chưa nhất trí phương án bồi thường hỗ trợ.

Lãnh đạo cũng đề nghị Ban QLDA tăng cường phối hợp cùng nhà thầu trong công tác tổ chức thi công, lập kế hoạch tiến độ, bảo đảm đến 31/12 năm nay hoàn thành phần cầu và đến 30/4/2023 hoàn thành toàn tuyến, đồng bộ với dự án đường bộ ven biển.

Thi công mở rộng tuyến đường nối từ cầu Lạng Am đến đường ven biển. (Ảnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng).

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường nối từ cầu Lạng Am đến đường ven biển được UBND thành phố phê duyệt vào năm 2019, với tổng mức đầu tư 1.343 tỷ đồng.

Theo đó, chiều dài tuyến là 9,5 km, điểm đầu của tuyến đường từ đầu cầu Lạng Am, điểm cuối tại Km19+ 070 theo lý trình dự án đường ven biển tại địa bàn huyện Tiên Lãng. Trên tuyến xây dựng mới cầu vượt qua sông Chanh Dương và cầu vượt sông Thái Bình.

Đề xuất kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến KCN Biên Hoà 1 

Sở GTVT tỉnh này cho biết vừa đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương nghiên cứu đầu tư dự án kéo dài tuyến đường sắt metro Bến Thành - Suối Tiên đến Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (phường An Bình, TP Biên Hòa).

Trước đó, theo quyết định ngày 8/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tuyến đường sắt metro Bến Thành - Suối Tiên được quy hoạch kéo dài từ ga Suối Tiên đi dọc quốc lộ 1 đến ngã ba chợ Sặt, TP Biên Hòa.

Theo Sở này đánh giá, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chạy theo quốc lộ 1 và nhà ga trung tâm ở Đồng Nai đặt tại KCN Biên Hòa 1, từ đó nối vào trung tâm TP Biên Hòa sẽ thuận tiện cho kết nối giao thông của tỉnh Đồng Nai và phù hợp với quy hoạch.

 Thi công metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. (Ảnh: Trường Nguyên).

KCN Biên Hòa 1 có diện tích hơn 300 ha, hiện nay, KCN này đang được Đồng Nai thực hiện chuyển đổi thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ. Theo đề án chuyển đổi công năng, KCN Biên Hòa 1 khi thực hiện chuyển đổi công năng sẽ được phân chia làm hai khu vực gồm: Xây dựng trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh và đầu tư dự án khu đô thị thương mại dịch vụ.

Về tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, đại diện Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP HCM cho biết, tổng tiến độ thực hiện dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đạt khoảng 91%.

Khánh Hòa gia hạn tiến độ tuyến đường nghìn tỷ

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã có cuộc họp với các sở, ban, ngành để nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện đường Vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội.

Sau khi nghe báo cáo tiến độ thực hiện và ý kiến đề xuất của các đơn vị liên quan, lãnh đạo tỉnh thống nhất chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện đường Vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội đến ngày 31/12 năm nay. Đồng thời đề nghị các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát các thủ tục, cơ sở pháp lý để hoàn thiện điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Chủ đầu cần sớm hoàn thiện thi công đoạn từ nút giao đường Tố Hữu đến nút giao Ngọc Hội để cuối tháng 9 này sẽ kết nối lưu thông nhánh Vành đai 2 hướng đi Diên Khánh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu tổ chức phân luồng khu nút giao đường Tố Hữu và đường Vành đai 2; tiếp nhận bàn giao dự án đưa vào sử dụng sau khi nhà đầu tư thi công xong và có kế hoạch chỉnh trang, trồng cây xanh trên tuyến đường.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đường Vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội đã được UBND tỉnh phê duyệt, điều chỉnh thời gian thực hiện một lần từ quý IV/2017 đến ngày 30/11/2021. Đến nay, nhà đầu tư đang triển khai thi công các hạng mục nhánh phía Nam (chiều dài 5,8 km).

Trong đó, đoạn từ đường Nguyễn Tất Thành đến đường Tố Hữu đã cơ bản hoàn thành và đưa vào thông tuyến; đoạn từ đường Tố Hữu đến nút giao Ngọc Hội chưa hoàn thành do đang theo dõi, đánh giá diễn biến lún. Nhánh phía Bắc của dự án có chiều dài 4 km chưa triển khai thi công do vướng mắc về mặt bằng.

Một đoạn dự án đường Vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội. (Ảnh: Báo Thanh Niên).

Dự án hiện đã hết thời hạn thực hiện hợp đồng (từ ngày 30/11/2021), do đó, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh và chủ đầu tư xin chủ trương của UBND tỉnh cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 31/12/ năm nay (gia hạn 13 tháng theo kế hoạch giải phóng mặt bằng) làm cơ sở điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng BT nhằm tiếp tục triển khai dự án. 

Đường Vành đai 2 kết nối nút giao Ngọc Hội có tổng vốn đầu tư khoảng 1.119 tỷ đồng, hiện đã thực hiện khoảng 268 tỷ đồng (24%); còn dự án nút giao Ngọc Hội tổng vốn 1.250 tỷ đồng đã thực hiện 626 tỷ đồng (50%). Đây là 2 dự án đổi đất sân bay Nha Trang cũ do CTCP Phúc Sơn thực hiện.

Khởi công đường Vành đai 3 TP HCM qua Bình Dương trong tháng 4/2023

Lãnh đạo tỉnh đã có buổi kiểm tra, khảo sát đường ven sông Sài Gòn và hướng tuyến đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn TP Thuận An.

Kiểm tra, khảo sát tuyến đường ven sông Sài Gòn đoạn từ TP Thủ Dầu Một đến TP Thuận An, lãnh đạo tỉnh yêu cầu TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An và các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn tiếp tục thực hiện xây dựng tuyến đường và hệ thống cống ngăn triều toàn tuyến. 

Hiện nay, tuyến đường ven sông Sài Gòn đoạn qua TP Thủ Dầu Một chỉ còn 1,7 km chưa thực hiện, riêng đoạn qua TP Thuận An chỉ mới hoàn thành hơn 1 km.

Kiểm tra, khảo sát hướng tuyến đường Vành đai 3 qua địa bàn TP Thuận An, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông phối hợp với các sở, ngành liên quan và TP Thuận An khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định để đến ngày 1/10 tiến hành việc đền bù giải phóng mặt bằng, đến cuối tháng 3/2023 phải hoàn thành đấu thầu xây dựng và khởi công dự án trước ngày 30/4/2023.

Lào Cai khởi công xây dựng Cảng hàng không Sa Pa

UBND tỉnh Lào Cai vừa qua đã khởi công Dự án Cảng hàng không Sa Pa tại Khu tái định cư dự án (xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai). 

Trước đó, ngày 3/3, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức lễ động thổ dự án cảng hàng không Sa Pa. Ông Nguyễn Trọng Hài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Việc xây dựng Cảng hàng không Sa Pa là ước mơ, khát vọng đã hình thành từ rất lâu trong lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và cũng là sự mong mỏi của nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.  

Dự án CHK Sa Pa có công suất 1,5 triệu khách/năm với tổng mức đầu tư hơn 3.650 tỷ đồng trong giai đoạn 1, trong đó vốn chủ sở hữu, vốn vay là 2.990 tỷ đồng; vốn nhà nước trong dự án PPP là 661 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, trong đó thời gian xây dựng dự kiến 3 năm, 7 tháng; Thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm 2 tháng.

 Toàn cảnh Khu tái định cư Cảng hàng không Sa Pa. (Ảnh: Báo Lào Cai). 

Dự án bao gồm việc xây dựng một đường cất hạ cánh kích thước 2.400x45 m, lề vật liệu hai bên rộng 7,5 m mỗi bên; sân quay tại đầu 32 đường CHC đảm bảo hoạt động máy bay Code C; đường lăn vuông góc dài 298,5 m chiều rộng cơ bản 23 m, lề vật liệu mỗi bên rộng 10,5 m; sân đỗ dân dụng kích thước 295 mx110 m; đảm bảo 6 vị trí đỗ máy bay A321/A320 và tương đương.

Dự án thành phần 2 là xây dựng nhà ga hành khách một cao trình, đáp ứng khai thác đến 1,5 triệu hành khách/năm, 600 hành khách/giờ cao điểm. 

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.