Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (5-11/9): Dừng đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo hình thức PPP, quy hoạch Cam Lâm thành đô thị sân bay quốc tế

Dừng đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo hình thức PPP, quy hoạch Cam Lâm, Khánh Hoà thành đô thị sân bay quốc tế, phê duyệt chủ trương làm cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu gần 10.000 tỷ, đầu tư cao tốc Dầu Giây - Tân Phú theo phương thức PPP... là những thông tin quy hoạch, phát triển hạ tầng nổi bật tuần qua.

Dừng đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo hình thức PPP 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có văn bản về việc dừng đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì xử lý các vấn đề có liên quan đến việc dừng thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, tránh để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan liên quan thực hiện nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Đồng thời, Bộ GTVT, UBND tỉnh Đồng Nai và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu tận dụng các hồ sơ, tài liệu trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án trước đây nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) có tổng chiều dài gần 54 km; chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 17.837 tỷ đồng; chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.

Quy hoạch Cam Lâm, Khánh Hoà thành đô thị sân bay quốc tế 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045.

Theo Quyết định, khu vực nghiên cứu quy hoạch thuộc toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm với tổng diện tích khoảng 54.719 ha thuộc 14 đơn vị hành chính của huyện Cam Lâm bao gồm thị trấn Cam Đức, xã Cam Hải Tây, xã Cam Thành Bắc, xã Cam Hải Đông, Cam Hoà, Suối Tân, Cam Tân, Sơn Tân, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Phước Tây và Suối Cát.

Mục tiêu quy hoạch nhằm hình thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế. Cam Lâm trở thành đô thị hạt nhân vùng, cùng với TP Nha Trang, TP Cam Ranh, Khu kinh tế Vân Phong tạo thành một tổng thể hài hoà giữa giá trị truyền thống nội tại và tương lai, góp phần định hình một đô thị tầm cỡ quốc tế và thu hút công dân toàn cầu.

Trong đó, phát triển đô thị sân bay kết hợp trung tâm tài chính - trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu để chuyển giao, áp dụng các xu hướng phát triển tương lai như AI, năng lượng xanh...

 Một góc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa hiện nay. (Ảnh: Báo Chính Phủ)

Tại Cam Lâm sẽ xây dựng trung tâm khoa học công nghệ tầm quốc tế và định hướng phát triển các cơ sở giáo dục và y tế mang tầm quốc tế, quốc gia tại huyện Cam Lâm; kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics cùng với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.

Phát triển đô thị mới Cam Lâm với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; đô thị thông minh, sinh thái, bền vững góp phần quan trọng đưa Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc trung ương trong giai đoạn đến năm 2030.

Dự báo dân số của đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 khoảng 770.000 người; trong đó dân số thường trú khoảng 520.000 người, dân số quy đổi khoảng 250.000 người.

Phê duyệt chủ trương làm cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu gần 10.000 tỷ

Vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản về việc phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình).

Mục tiêu dự án nhằm hoàn thiện kết nối tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tạo tiền đề để hoàn thiện tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên theo quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; giảm áp lực cho tuyến quốc lộ 6.

Về phạm vi, dự án sẽ xây dựng đoạn tuyến thuộc tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu với tổng chiều dài khoảng 32 km. Điểm đầu thuộc địa phận thị trấn Đà bắc, huyện Đà Bắc. Điểm cuối thuộc địa phận xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Dự án gồm 2 giai đoạn đầu tư, giai đoạn 1 là đầu tư đường ô tô cao tốc với tốc độ thiết kế 80 km/h, những đoạn tuyến có địa hình khó khăn thì tốc độ 60 km/h; cùng với đó là xây dựng cầu Hòa Sơn với quy mô 4 làn xe theo giai đoạn hoàn thiện, các cầu còn lại trên tuyến thiết kế quy mô đảm bảo bố trí 2 làn xe phù hợp với giai đoạn 1.

Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu sẽ kết nối với tuyến đường Hoà Lạc - Hòa Bình. (Ảnh minh họa: Zingnews). 

Giai đoạn hoàn thiện được thiết kế với quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 22 m, chiều rộng mặt đường 14 m, hoàn thiện các công trình cầu, hầm, hệ thống thoát nước phù hợp với quy mô đường.

Đây là dự án nhóm A, với tổng mức đầu tư là 9.777 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 8.650 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh là 1.127 tỷ đồng. địa điểm thực hiện tại huyện Đà Bắc, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Về thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1, chuẩn bị đầu tư vào năm nay và sẽ thực hiện đầu tư vào giai đoạn 2023 - 2025. Thời gian thực hiện khoảng 40 tháng kể từ ngày khởi công.

Đầu tư cao tốc Dầu Giây - Tân Phú theo phương thức PPP

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mới đây đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP.

Mục tiêu dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 20; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP HCM - Dầu Giây - Liên Khương.

Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú với tổng chiều dài khoảng 60 km; đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h. Địa điểm thực hiện tại tỉnh Đồng Nai.

Dự kiến thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2021 - 2025. Dự kiến loại hợp đồng dự án PPP: Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Hợp đồng BOT).

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án gần 8.366 tỷ đồng. Phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng gần 7.066 tỷ đồng. Phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 1.300 tỷ đồng.

Định hướng Hội An là thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị chuyên đề để bàn một số nội dung theo Chương trình công tác năm 2022 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XXII).

Một trong những nội dung hội nghị tập trung thảo luận là dự thảo nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.

Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh đã báo cáo về đề án và nghị quyết xây dựng và phát triển TP Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch. Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng và phát triển Hội An có tính chất là đô thị chuyên ngành cấp quốc gia, mang tính đặc thù về di sản văn hoá, sinh thái, cảnh quan và môi trường, hiện đại và có bản sắc riêng.

 Một góc TP Hội An hiện nay. (Ảnh: UBND TP Hội An)

Trong đó Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An và Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là hạt nhân thực hiện định hướng xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch. Xây dựng Hội An giữ vai trò là một trong những vùng động lực phát triển về du lịch của tỉnh, trung tâm du lịch của cả nước.

Cùng với đó là xây dựng TP Hội An với những tiêu chí tương đương của đô thị loại 2 như trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh; mức dân số tối thiểu là 200.000 người; mật độ dân số tối thiểu là 1.800 người/km2; tối thiểu 65% lao động phi nông nghiệp; đáp ứng tốt hệ thống cảnh quan, đô thị và hạ tầng kỹ thuật...

Chuẩn bị khởi công hầm chui nút giao Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng và nâng cấp quốc lộ 6

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội vừa báo cáo UBND TP về kế hoạch triển khai một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô; trong đó dự kiến khởi công dự án hầm chui tại nút giao Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng vào dịp 10/10.

Hầm chui có quy mô 4 làn xe trên trục đường Vành đai 2,5 thành phố Hà Nội tại điểm giao cắt với đường Giải Phóng, tổng chiều dài hầm và đường dẫn khoảng 890m theo hướng đường Vành đai 2,5. 

Điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A; điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng hiện hữu, cách vị trí giao cắt với Quốc lộ 1A khoảng 460m. 

Đoạn qua hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 2 làn xe rộng 3,5m/làn, đoạn ngoài hầm tổ chức giao thông mỗi chiều ba làn xe rộng 3,5m/làn.

Tổng giá trị dự toán phê duyệt hơn 597 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2025.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án cũng phấn đấu có thể khởi công dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai vào tháng 11/2022 và dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 vào đầu quý II/2023.

120 ngày nữa sẽ thông xe 4 cao tốc lớn

Mới đây, tại tỉnh Bình Thuận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã dự lễ phát động 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 cao tốc: Mai Sơn - QL.45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho rằng, hiện nay, khối lượng các hạng mục còn lại cần phải hoàn thành khá lớn, thời gian thi công còn lại không nhiều (4 tháng) và vẫn còn đang trong mùa mưa (khoảng 1,5 tháng).

Do đó, để hoàn thành được mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, các đơn vị, chủ thể tham gia Dự án cần thể hiện quyết tâm, trách nhiệm cao nhất, đặc biệt là vai trò các nhà thầu thi công…

Đại diện các ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị thi công khẳng định tập trung mọi nguồn lực (tài chính, thiết bị, con người) triển khai khẩn trương để thông xe các tuyến cao tốc trong năm nay. 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, đưa vào khai thác 3.000 km cao tốc.

Phó Thủ tướng cho rằng, nếu không hoàn thành 4 cao tốc này trong năm nay thì sang năm 2023 sẽ tạo ra áp lực rất lớn, khó hoàn thành các đoạn tiếp theo và như vậy tới 2025, không hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết của Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, so với mục tiêu đề ra là chưa đạt yêu cầu. Về nguyên nhân, Phó Thủ tướng đồng tình với các nguyên nhân vướng mắc mà các nhà thầu phản ánh.  Phó Thủ tướng yêu cầu phải tìm ra được các giải pháp để vượt qua được khó khăn trong giai đoạn tới.

Chia sẻ khó khăn về tài chính với các nhà thầu, Phó Thủ tướng cho rằng, có một số nguyên nhân cần giải quyết, đó là khối lượng nghiệm thu chậm, thanh toán chậm, sử dụng nguồn vốn không đúng mục tiêu. Các nhà thầu, đơn vị thi công phải sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, tiền của dự án phải được sử dụng cho công trình, tránh tình trạng lấy tiền của gói thầu này để sử dụng cho việc khác.

Với các nhà thầu, Phó Thủ tướng lưu ý, không để xảy ra tình trạng mua đi bán lại các gói thầu trong quá trình xây dựng.

Với những nhà thầu chậm tiến độ thì Ban quản lý Dự án phải điều động ra khỏi gói thầu để đưa nhà thầu mới vào. Các nhà thầu tăng cường trang thiết bị, nhân lực, tổ chức nhiều ca thi công. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT rà soát, xử lý, điều chuyển Ban quản lý Dự án làm chậm.

Hậu Giang dự kiến chia thành 4 vùng liên huyện đến năm 2030

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Xây dựng nghe báo cáo Hợp phần về định hướng phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Đến nay, tỉnh đã có 18 đô thị (1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 15 đô thị loại V, trong đó có 4 đô thị loại V chưa được công nhận là thị trấn). Các đô thị được phân bố khá đồng đều trên mặt bằng địa giới hành chính của tỉnh.

Trên cơ sở các nguyên tắc phân vùng và dự báo khả năng phát triển, tỉnh Hậu Giang phân thành 4 vùng liên huyện như sau: Huyện Châu Thành - huyện Châu Thành A (vùng Công nghiệp - Đô thị tập trung ven sông Hậu và là vùng cửa ngõ của tỉnh Hậu Giang), TP Vị Thanh - huyện Vị Thủy (vùng trung tâm), TX Long Mỹ - huyện Long Mỹ (vùng tây nam), TP Ngã Bảy - huyện Phụng Hiệp (vùng đông nam).

Lãnh đạo tỉnh cho rằng, quy hoạch về phát triển công nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải có; quy hoạch về đô thị, khu dân cư, kể cả dân cư nông thôn trên cơ sở đã có thì các lĩnh vực khác cùng quy hoạch đi theo. Quy hoạch đi theo căn cứ vào phân bổ đất đai đến năm 2025, 2030 để định hình các nội dung của quy hoạch ngành đến đó cho phù hợp.

chọn
Bất động sản tuần qua (17/11 - 23/11): Các dự án lớn ở Đồng Nai đón tin mừng, Sun Group nhắm khu đô thị 28.000 tỷ
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng; Sun Group muốn làm hai khu đô thị hơn 28.000 tỷ ở Bắc Ninh; Hà Nội bỏ quy định UBND TP phê duyệt giá khởi điểm đấu giá đất; sắp xây Aeon Mall Hạ Long... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.