Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (12-18/9): Trình tăng thêm vốn cho metro Nhổn - Ga Hà Nội, sẽ kiến nghị đầu tư đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân

Hà Nội trình tăng thêm vốn cho metro Nhổn - Ga Hà Nội, Bộ GTVT sẽ kiến nghị đầu tư đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 TP HCM sắp khởi công, Đồng Nai lên phương án làm đường vành đai 4... là những thông tin quy hoạch, phát triển hạ tầng nổi bật tuần qua.

Hà Nội trình tăng thêm vốn cho Metro Nhổn - Ga Hà Nội

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Theo đó, thành phố đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án ban đầu là 2009 - 2022 thành 2009 - 2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng). Trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2022; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào 2027 (gồm cả đoạn ngầm). 

Về tổng mức đầu tư dự án, Hà Nội đề xuất điều chỉnh tăng từ 32.910 tỷ đồng lên thành 34.826 tỷ đồng. Nguồn vốn bổ sung cho phần tăng thêm sử dụng từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, phần vốn ngân sách của thành phố tăng 3.896 tỷ đồng (bổ sung cho các gói thầu AFD, DGT và các phần việc thuộc vốn đối ứng); giảm phần vốn vay ODA 1.980 tỷ đồng. 

Một đoạn tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy). 

Sẽ kiến nghị đầu tư đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân  

Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Tại văn bản này, Bộ GTVTcho biết  đã giao Ban QLDA đường sắt rà soát, nghiên cứu lập điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án tiếp tục triển khai nhằm sớm đưa dự án vào khai thác, phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư. Bộ GTVT sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền để triển khai đầu tư sau khi có kết quả nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể dự án.

 

Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân với chiều dài 131 km (43 km xây dựng mới và 88 km cải tạo, nâng cấp), điểm đầu tại ga Yên Viên, điểm cuối tại cảng Cái Lân.

Dự án có tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng và được chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập; đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác Tiểu dự án 1 đoạn Hạ Long - Cái Lân.

3 tiểu dự án còn lại gồm Yên Viên - Lim, Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long đã triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, thi công nền đường và một số hạng mục trên tuyến. Dự án được khởi công từ năm 2005, đến năm 2011, do khó khăn về nguồn vốn nên Dự án đã bị đình hoãn, giãn tiến độ cho đến nay.

 

Duyệt nhiệm vụ quy hoạch ba phân khu hơn 2.800 ha tại TP Biên Hòa

UBND tỉnh Đồng Nai vừa qua đã có ba văn bản về việc duyệt nhiệm vụ quy hoạch ba phân khu tỷ lệ 1/5.000, với tổng quy mô ba phân khu này là 2.826 ha, nằm tại TP Biên Hòa.

Đầu tiên là Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 phân khu A3, nằm tại phường Tân Mai, Tam Hiệp, Tam Hòa, Tân Tiến. 

Tiếp đến là Quy hoạch phân khu B5 tại các phường Tân Hiệp, Hố Nai, Tân Biên theo quy hoạch chung TP Biên Hòa, quy mô khoảng 528 ha, quy mô dân số khoảng 55.000 - 60.000 người. Ranh giới phía bắc và tây bắc giáp phân khu B1, phân khu B3 tại phường Trảng Dài.

 Một góc TP Biên Hòa hiện nay. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Cuối cùng là Quy hoạch phân khu A6 tại phường Tân Phong, Trung Dũng, Quang Vinh theo quy hoạch chung TP Biên Hòa. Quy mô lập quy hoạch khoảng gần 1.706 ha, quy mô dân số 75.000 - 80.000 người.

Đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân sắp hoàn thành

Lãnh đạo tỉnh Bình Định vừa qua đã đi kiểm tra tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm, gồm tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân; tuyến đường kết nối từ Trung tâm TX An Nhơn đến đường ven biển phía tây đầm Thị Nại và tuyến đường ven biển đoạn Đề Gi - Mỹ Thành.

Về tuyến đường ven biển (ĐT 639) đoạn Đề Gi - Mỹ Thành (dài 7,6 km) và cầu vượt đầm Đề Gi (dài hơn 405 m), tổng vốn đầu tư hơn 611 tỷ đồng, đến nay đã cơ bản thi công hoàn thành. Hiện, đơn vị chủ đầu tư đang tập trung đôn đốc các nhà thầu khẩn trương hoàn thành các hạng mục thi công còn lại để hoàn thành toàn bộ dự án này trong tháng 9.

Đối với tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân (chiều dài toàn tuyến gần 14 km), tổng vốn đầu tư hơn 2.674 tỷ đồng, thời điểm này, song song với việc đẩy nhanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân vùng bị ảnh hưởng, liên danh các nhà thầu đang tập thi công xử lý nền đất yếu, các công trình thoát nước và các cầu giao thông. Chủ đầu tư cam kết sẽ thông tuyến đường này vào cuối năm nay.

Với đường kết nối từ Trung tâm TX An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại (chiều dài hơn 9,3 km), tổng vốn đầu tư hơn 1.043 tỷ đồng, đến thời điểm này, giá trị xây lắp phần đắp đất nền đường, công trình thoát nước, nền, móng, mố, trụ các cầu,… thực hiện được 138 tỷ đồng, đạt 21% giá trị xây lắp. 

Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 TP HCM sắp khởi công

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tổ chức khởi công dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc đường Vành đai 3 TP HCM  vào cuối tháng 9.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, qua rà soát thì dự án thành phần 1A của dự án Tân Vạn – Nhơn Trạch đủ điều kiện để tổ chức khởi công vào thời gian khoảng từ ngày 20 – 30/9. Điều này nhằm truyền thông tiến độ thực hiện dự án, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, giúp hỗ trợ, đẩy nhanh các công việc để thi công, đặc biệt là về công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án Vành đai 3 TP HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có chiều dài khoảng 8,75 km. Trong đó, có 6,3 km qua địa bàn Đồng Nai và 2,45 km đi qua địa bàn TP HCM. Điểm đầu dự án giao đường tỉnh 25B (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa bàn TP Thủ Đức (TP HCM).

Đường Vành đai 3 TP HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có tốc độ thiết kế 80 km/h.  (Ảnh minh họa: Báo Giao Thông

Dự kiến khởi công 4 sân bay cuối 2022 và đầu 2023

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp với 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cảng hàng không.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, đầu tư sân bay rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật. Giao các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT khẩn trương lập dự án đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án như sân bay Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị, Lai Châu, sân bay Phan Thiết (Bình Thuận) khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư để khởi công vào cuối năm nay và đầu năm 2023.

Đồng Nai lên phương án làm đường vành đai 4

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vừa qua đã có buổi làm việc về tiến độ thực hiện các dự án đường vành đai 3, vành đai 4 TP HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Tại buổi làm việc, Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) - đơn vị tư vấn dự án đường Vành đai 4 TP HCM cho biết, với phương án được đề xuất là xây dựng đường Vành đai 4 TP HCM với quy mô 4 làn cao tốc hạn chế và thực hiện giải phóng mặt bằng với quy mô mặt cắt 74,5 m thì tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 21.000 tỷ đồng.

Cũng tại buổi làm việc này, đơn vị tư vấn cũng đã đưa ra các phương án đề xuất đối với 2 vị trí cần có sự điều chỉnh về quy mô, hướng tuyến thuộc dự án gồm vị trí tại nút giao với quốc lộ 1 trên địa bàn huyện Trảng Bom và vị trí đi theo đường hương lộ 10.

Việc đề xuất các phương án để các cơ quan chức năng của tỉnh lựa chọn phương án tối ưu nhằm giảm tốc mức đầu tư cũng như giảm số hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. 

Dự kiến làm cầu liên tỉnh Bến Tre - Vĩnh Long hơn 3.200 tỷ 

Mới đây, tỉnh Bến Tre đã phối hợp tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu Đình Khao.

Đơn vị tư vấn đã báo cáo 3 phương án tuyến, trong đó đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Đình Khao nối tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre theo phương án 3. Theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn, tổng chiều dài tuyến khoảng hơn 11 km. Dự kiến tổng mức đầu tư theo phương án này là 3.204 tỷ đồng.

Với phương án được thống nhất, dự án cầu Đình Khao bắt đầu tại QL.53 khoảng Km 10, xã Long An, huyện Long Hồ, Vĩnh Long, sau đó cắt qua ĐT902 và vượt sông Cổ Chiên (tại vị trí cách phà Đình Khao khoảng 6,6 km về phía hạ lưu) đi qua cồn Phú Đa, cồn Phú Bình thuộc huyện chợ Lách, tỉnh Bến Tre; sau đó vượt lạch sông Cổ Chiên và kết thúc tại vị trí giao với QL.57 hiện hữu. 

 Tỉnh Bến Tre hiện nay. (Ảnh: Báo Đồng Khởi)

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long thống nhất phương án đề xuất, đồng thời cho rằng cây cầu không chỉ kết nối về giao thông mà còn tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, du lịch của 2 tỉnh, tham gia vào hệ thống kết nối liên tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ thống nhất hướng tuyến theo phương án của đơn vị tư vấn đề xuất, đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn rà soát, đánh giá thận trọng tổng mức đầu tư, giảm áp lực tài chính cho các địa phương, song song đó cần tính toán lại lưu lượng giao thông để đánh giá lại hiệu quả tài chính.

Bình Phước bàn phương án triển khai dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã chủ trì làm việc với các đơn vị, địa phương liên quan về kế hoạch, phương án triển khai thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và thành lập ban chỉ đạo thực hiện dự án.

Lãnh đạo yêu cầu các địa phương, đơn vị khảo sát kỹ thực địa hướng tuyến cao tốc đi qua, đưa vào điều chỉnh quy hoạch của địa phương đồng bộ với quy hoạch của tỉnh. Các địa phương, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm để thực hiện đồng bộ, quyết liệt công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đối với dự giao thông quan trọng này.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Phước cho biết, hiện nay tiến độ lập điều chỉnh quy hoạch Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước và hướng tuyến điều chỉnh đã được đơn vị phối hợp thực hiện.

Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Tây, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Toàn tuyến có chiều dài gần 140 km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông dài 38 km, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước 102 km.

Dự án có điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14 cũ) tại Km 1796+800 và điểm cuối giao với cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Quy mô 6 làn xe, thời gian đầu tư trước năm 2030.

UBND tỉnh Bình Phước đề nghị điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành cặp song song với quốc lộ 14, nằm bên trái quốc lộ này (trùng với tuyến phía đông quốc lộ 14 nối Chơn Thành - Đắk Nông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Phước). Chiều dài nghiên cứu điều chỉnh của tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dự kiến khoảng 101 km.

UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, với hướng tuyến này sẽ tránh xâm thực vào rừng tự nhiên (dự kiến bị mất khoảng trên 2 ha). Ngoài ra, sẽ kết hợp khai thác hiệu quả quỹ đất dọc tuyến phía đông nam quốc lộ 14; trong đó, có trục phát triển Đồng Xoài – Đồng Phú – Chơn Thành.

Cùng chủ đề
chọn
Hàng nghìn bị hại đổ về phiên tòa vụ Tân Hoàng Minh
8h20, hơn 1.000 bị hại đã được bố trí ngồi tại ba khu vực song hàng trăm người vẫn tiếp tục đến điểm danh tại 8 bàn đón tiếp trong phiên xét xử vụ án Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu khống.