Theo báo Đầu tư, Kon Tum và Tuyên Quang là hai tỉnh thành gần đây nhất có đề xuất bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen và Na Hang.
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum có văn bản đề xuất Thủ tướng và Bộ GTVT bổ sung quy hoạch sân bay Măng Đen vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Cảng hàng không Măng Đen có quy mô, sân bay cấp 4E, dự kiến xây dựng tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.Công suất thiết kế của Cảng hàng không Măng Đen là từ 3 - 5 triệu hành khách/năm; diện tích đất thực hiện dự án khoảng 350 ha. Tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng; thời gian thực hiện là từ năm 2023 đến 2027.
Theo đề xuất, dự án sẽ được đầu tư theo hình thức BOT, UBND tỉnh Kon Tum là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
UBND tỉnh cho biết do điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, sân bay sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. Tỉnh khẳng định đến nay đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến dự án.
Với tỉnh Tuyên Quang, UBND tỉnh này có văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét đồng ý chủ trương cho phép cập nhật Cảng Hàng không Na Hang vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 và cho phép tiến hành các thủ tục đầu tư đầu tư theo hình thức PPP.
Theo đề xuất, sân bay Na Hang được đề nghị quy hoạch tại xã Năng Khả, huyện Na Hang(vị trí đề nghị là vị trí dân cư thưa thớt, diện tích đất rộng lớn, địa chất vững chắc, bằng phẳng; đồng thời vị trí này gần Khu Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình, gần các tuyến giao thông quan trọng như Quốc lộ 279, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 280 và kết nối thuận lợi với trung tâm và cửa khẩu các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn,…).
Quy mô sân bay này khoảng 350 ha, trong đó quy mô cảng hàng không, sân bay cấp 4C diện tích khoảng 280 ha và sân bay quân sự cấp II diện tích khoảng 70 ha.
UBND tỉnh Tuyên Quang dự kiến phân kỳ đầu tư sân bay Na Hang theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1, đến năm 2030 sẽ đầu tư theo hình thức PPP. Trên cơ sở chủ động kêu gọi xã hội hóa đầu tư sân bay chuyên dùng.
Giai đoạn 2 (sau năm 2030) sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh thành cảng hàng không cấp 4C.
Theo đề xuất, UBND tỉnh Tuyên Quang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án theo phương thức PPP.
Ngoài Kon Tum và Tuyên Quang, mới đây, Sơn La cũng có đề xuất Bộ GTVT cho bổ sung sân bay Mộc Châu vào quy hoạch cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Tỉnh chưa nêu rõ vị trí của Cảng hàng không Mộc Châu mà chỉ khẳng định “lựa chọn tại vị trí thuận lợi, địa hình bằng phẳng, phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo quy mô khai thác, thuận lợi kết nối các tuyến giao thông đường bộ”.
Theo đó, Cảng hàng không Mộc Châu được xác định là sân bay cấp 4E, phần kỳ đầu tư làm hai giai đoạn. Về diện tích, đến năm 2030 khoảng 350 ha; đến năm 2050 khoảng 500 ha. Dự kiến tổng mức đầu tư Sân bay Mộc Châu khoảng 6.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).