7 tỉnh thành đang lập và định hướng lập quy hoạch đô thị sân bay

Năm 2022 vừa qua, đã có 7 đề xuất về quy hoạch đô thị sân bay tại Khánh Hoà, Đà Nẵng, Quảng Trị, Cà Mau, Hà Nội, Lào Cai và Đồng Nai.

Các sân bay nói riêng và ngành hàng không nói chung từ lâu đóng một vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Ở nước ta, từ cuối năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ Dự thảo Quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 có 28 sân bay, đến năm 2050 có 31 sân bay. 

Theo KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, việc xây dựng một sân bay không chỉ đơn thuần là đưa đón khách, mà sân bay đó còn phải đóng vai trò hạt nhân để kiến tạo nên một thành phố sân bay.

Cụ thể, xung quanh sân bay phải được quy hoạch bố trí những khu chế xuất, khu sản xuất hàng hóa, khu công nghiệp... để phục vụ sân bay đấy. Sân bay phải là một cảng hàng không gắn liền với đô thị cảng, tích hợp các khu đô thị, kho tàng… 

Trên thế giới, các sân bay như New Zealand, Sydney (Úc), Amsterdam (Hà Lan), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức)... đều gắn liền với đô thị sân bay đi kèm. Các đô thị sân bay có thể hiểu là dạng mô hình đô thị thu nhỏ được phát triển, thiết kế và xây dựng đồng bộ nhằm phát triền cùng sân bay, trong khu đô thị này có đầy đủ các loại dịch vụ và tiện ích phục vụ người dân. 

Kể từ khi Bộ Giao thông Vận tải trình quy hoạch tổng thế cuối năm 2021, đến nay đã có thêm những sân bay đã được đề xuất bổ sung mới vào quy hoạch. Cùng với việc đề xuất sân bay, một số đô thị sân bay gắn liền cũng được lên kế hoạch phát triển.

Một góc huyện Cam Lâm, Khánh Hoà. (Ảnh tư liệu: Khải An).

Đô thị sân bay Cam Lâm

Hồi tháng 3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý chủ trương lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm với mục tiêu phát triển huyện Cam Lâm thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

Đến tháng 9 vừa qua, Nhiệm vụ Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045 đã được phê duyệt. Khu vực nghiên cứu quy hoạch thuộc toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm với tổng diện tích khoảng 54.719 ha.

Trong đó, mục tiêu được đặt ra là phát triển một đô thị sân bay kết hợp trung tâm tài chính - trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu để chuyển giao, áp dụng các xu hướng phát triển tương lai như AI, năng lượng xanh...

Theo định hướng phát triển của Khánh Hoà, Cam Lâm sẽ là đô thị sân bay, TP Nha Trang sẽ là đô thị hạt nhân, TP Cam Ranh là đô thị du lịch – logistics, huyện Vạn Ninh là đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháp đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của cả nước… 

Đô thị sân bay tại Đà Nẵng

Một địa phương ven biển khác là TP Đà Nẵng cũng lên kế hoạch quy hoạch đô thị sân bay. Hồi tháng 10, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng vừa công bố hồ sơ Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu Sân bay, tỷ lệ 1/2000, để lấy ý kiến người dân.

Phân khu Sân bay có diện tích 1.326,7 ha, được định hướng trở thành đô thị sân bay nhằm phát triển sân bay và một cụm logistic hiện đại mới. Đô thị này sẽ lấy lấy sân bay làm trung tâm, các đơn vị ở, công trình thương mại, dịch vụ và các khu chức năng đô thị khác bố trí xung quanh.

Đô thị sân bay của Đà Nẵng được chia thành 4 khu vực phát triển.

Khu vực 1 là Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Đà Nẵng (thuộc ô đất có ký hiệu SB theo quy hoạch). Khu vực này có vai trò và chức năng chính là cảng hàng không quốc tế, nội địa liên vùng và nội vùng, sân bay dùng chung quân sự và dân dụng.

Khu vực 2 là khu vực cửa ngõ sân bay phía đông (bao gồm các ô đất E5, F1, G5, G6), định hướng phát triển công cộng, thương mại dịch vụ, phát triển các khu vực miễn thuế, vừa đáp ứng cho nhu cầu của hành khách sân bay vừa đáp ứng cho người dân TP Đà Nẵng nói chung, từ đó dần dần sẽ hình thành mô hình đô thị sân bay.

Khu vực 3 là khu đô thị phía Nam (gồm các ô đất M1, M2, M3). Đây là khu vực tái thiết đô thị, đầu tư nâng cấp, bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và bổ sung các tiện ích đô thị. Tại khu đô thị này sẽ từng bước đưa các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, kho tàng xen lẫn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường ra các khu, cụm công nghiệp tập trung, đồng thời chuyển đổi chức năng những khu đất này thành đất phục vụ phát triển đô thị.

Khu vực 4 là khu đô thị phía Tây Bắc (các ô đất P1, P2, P3, P4, P5). Đây là khu vực chỉnh trang, tái thiết đô thị, nâng cấp bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và bổ sung các tiện ích đô thị phục vụ nhu cầu của người dân.

Quy hoạch đô thị sân bay gần TP Đông Hà

Hiện nay, Quảng Trị đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án sân bay Quảng Trị tại xã Gio Quang và xã Gio Mai, huyện Gio Linh với tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 5.823 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Quảng Trị muốn khởi công dự án này vào quý I/2023.

Cùng với dự án sân bay Quảng Trị, địa phương cũng đang điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam Quảng Trị. Đơn vi tư vấn quy hoạch Singapore đã đề xuất chia thành 3 phân khu quy hoạch: Khu sân bay Quảng Trị (3.936 ha); Khu du lịch sinh thái (6.778 ha); Khu Công nghiệp – Năng lượng (7.537 ha); Khu Nông nghiệp & Hỗn hợp (7.106 ha).

Trong đó, định hướng điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đề xuất thay đổi định hướng sân bay và hình thành đô thị Sân bay gần TP Đông Hà, Quốc lộ 1A và hành lang kinh tế Đông Tây. Hình thành các đảo Du lịch sinh thái tạo sức mạnh tổng hợp với phát triển du lịch ven biển và sân bay.

Đề xuất đô thị sân bay tại Đức Hoà, Sóc Sơn

Sân bay Nội Bài tại huyện Sóc Sơn. (Ảnh: ACV).

Xã Đức Hoà nằm trong một quy hoạch phân khu số 3 của đô thị vệ tinh Sóc Sơn, Hà Nội. Địa phương này có phần lớn diện tích nằm trong ranh giới khu vực quy hoạch phát triển đô thị vệ tinh Sóc Sơn với 607/736 ha (tỷ lệ khoảng 83%), hiện đang tổ chức lập quy hoạch phân khu.

Theo dự kiến trước đây, khu vực phân khu 3 có tính chất chủ yếu là khu đô thị đại học và đất dự trữ phát triển. 

Tại Báo cáo trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7 HĐND Thành phố khóa XVI, TP Hà Nội cho biết đang cập nhật các định hướng điều chỉnh quy hoạch chung đang nghiên cứu, trong đó có nội dung rà soát đối với kiến nghị của UBND huyện Sóc Sơn về việc thu nhỏ quy mô Làng đại học và nghiên cứu sang hướng đô thị sân bay. 

Định hướng Sa Pa thành đô thị sân bay

Tại buổi làm việc với tỉnh Lào Cai hồi tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần hoàn thiện hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.

Trong đó, quy hoạch phải lấy sông Hồng làm trục dọc phát triển của tỉnh Lào Cai và cả vùng, phát triển nhiều cây cầu qua sông Hồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ, trong đó lưu ý xây dựng sân bay Sa Pa theo hướng phát triển đô thị sân bay.

Hiện nay, Sân bay Sa Pa đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án được thực hiện tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai với diện tích sử dụng đất là 295 ha, đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C với công suất 1,5 triệu khách/năm và sân bay quân sự cấp II. Tổng mức đầu tư hơn 3.651 tỷ đồng; loại hợp đồng dự án là BOT; thời gian thực hiện dự án 50 năm.

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vào tháng 9, lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho biết đang lên kế hoạch phát hành hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà đầu tư trong vòng 60 ngày. Địa phương được yêu cầu khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư và khởi công vào cuối 2022, đầu 2023.

Định hướng quy hoạch thành phố sân bay Long Thành

Vào tháng 7, UBND huyện Long Thành và UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các sở, ngành, chuyên gia, nhà đầu tư về quy hoạch quỹ đất phát triển các vùng xung quanh sân bay Long Thành. 

Kế hoạch của huyện là sẽ trở thành thị xã và từng bước hoàn thành các tiêu chí để trở thành thành phố sân bay, phát triển theo mô hình đô thị sinh thái, Báo Đồng Nai đưa tin. 

Khu vực xung quanh sân bay Long Thành dự kiến phát triển 3 đô thị gắn với tạo lập cơ sở hạ tầng cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm đào tạo - nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chất lượng cao, dịch vụ du lịch, đô thị sinh thái để thu hút các dự án trọng điểm.

Dựa trên định hướng phát triển không gian, huyện Long Thành quy hoạch quỹ đất cho từng khu đô thị. Cụ thể, vùng đô thị Long Thành gồm thị trấn Long Thành, xã Tam An, một phần của các xã An Phước, Long Đức, Lộc An với quy mô gần 5.300 ha sẽ trở thành khu phức hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ.

Vùng đô thị Bình Sơn gồm xã Bình An, một phần các xã An Phước, Bình Sơn, Lộc An và Long Đức, có diện tích 12.360 ha sẽ gắn với hoạt động của sân bay Long Thành, là trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính, trung tâm dịch vụ logistics, kho vận quốc tế và là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không của vùng, quốc gia, quốc tế.

Riêng đô thị Phước Thái được quy hoạch quỹ đất khoảng 5.300 ha nằm dọc theo quốc lộ 51 thuộc địa bàn các xã Long An và Phước Thái, trong tương lai sẽ hình thành vùng đô thị đa ngành, hỗ trợ dịch vụ thương mại đầu mối, dịch vụ trung chuyển, dịch vụ công cộng, du lịch sinh thái, chuyển giao công nghệ.

Cà Mau sẽ có đô thị sân bay 580 ha

Ở diễn biến mới nhất, UBND tỉnh Cà Mau vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập quy hoạch phân khu Khu đô thị sân bay Cà Mau, tỷ lệ 1/2000 tại phường 6, phường Tân Thành và xã Tân Thành, TP Cà Mau.

Phân khu này có diện tích hoảng 580 ha. Phía đông tiếp giáp đường vành đai 3; phía tây giáp ranh giới quy hoạch Khu dân cư phường Tân Thành, khu dân cư tuyến đường Lý Thường Kiệt và quy hoạch sân bay Cà Mau; phía nam giáp đường Lý Thường Kiệt; phía bắc giáp quy hoạch phân khu Khu dân cư tuyến Quản lộ Phụng Hiệp. 

Về tính chất, đây sẽ là khu đô thị kết hợp du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp, khu thể dục thể thao hiện đại và dịch vụ hậu cần logistic phát triển theo hướng văn minh, hiện đại với hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ. Dự báo quy mô dân số khu quy hoạch khoảng 54.300 - 70.400 người.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.