Quy hoạch đô thị sân bay Đà Nẵng: Xây các trung tâm thương mại cao tầng ở phía đông, làm đường hầm xuyên sân bay

Xây các trung tâm thương mại dịch vụ cao tầng ở phía đông, làm đường hầm xuyên sân bay, giới hạn chiều cao xây dựng 45 m, quy hoạch chuỗi công viên lớn... là một số nội dung nổi bật trong hồ sơ lấy ý kiến quy hoạch đô thị sân bay Đà Nẵng.

Sân bay Đà Nẵng hiện tại.

Định hướng trở thành đô thị sân bay

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng vừa công bố hồ sơ Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu Sân bay, tỷ lệ 1/2000, để lấy ý kiến người dân.

Theo hồ sơ, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch phân khu Sân bay có diện tích: 1.326,7 ha. Phân khu này thuộc các phường Hòa Cường Bắc, Hòa Thuận Tây - quận Hải Châu; phường Thạc Gián, Chính Gián, Hòa Khê, An Khê - quận Thanh Khê; phường Khuê Trung, Hòa Thọ Đông, Hòa Phát - quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.

Phía bắc phân khu giáp đường Điện Biên Phủ; phía đông giáp đường Nguyễn Tri Phương và đường Nguyễn Hữu Thọ, phía tây giáp đường Trường Chinh, phía nam giáp đường Cách mạng Tháng Tám.

Sân bay Quốc tế Đà Nẵng là cảng hàng không (CHK) lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên và lớn thứ ba của Việt Nam. Đây là điểm bay quan trọng của miền Trung và cả nước. 

 

 

   Vị trí quy hoạch Phân khu Sân bay Đà Nẵng.  

Phân khu Sân bay được định hướng trở thành đô thị Sân bay nhằm phát triển sân bay và một cụm logistic hiện đại mới.

Đô thị  này sẽ lấy lấy sân bay làm trung tâm, các đơn vị ở, công trình thương mại, dịch vụ và các khu chức năng đô thị khác bố trí xung quanh.

Quy mô dân số theo quy hoạch phân khu điều chỉnh là 77.000 người (trong đó thường trú khoảng 70.000 người), giảm 27.000 người so với Quy hoạch chung TP Đà Nẵng.

4 khu vực phát triển chính

Phân khu Sân bay được chia thành 4 khu vực phát triển chính.

4 khu vực phát triển của Phân khu Sân bay Đà Nẵng nhìn từ phía đông. 

Khu vực 1 là Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Đà Nẵng (thuộc ô đất có ký hiệu SB theo quy hoạch). Khu vực này có vai trò và chức năng chính là cảng hàng không quốc tế, nội địa liên vùng và nội vùng, sân bay dùng chung quân sự và dân dụng. Về Quốc phòng, CHKQT Đà Nẵng là căn cứ quan trọng có vị trí chiến lược của không quân ở khu vực miền Trung. CHKQT Đà Nẵng sẽ đóng vai trò là trung tâm đầu não của Miền Trung cả về dân dụng và quốc phòng, là cửa ngõ quốc tế vào Việt Nam tại khu vực miền Trung. 

Khu vực 2 - Khu vực cửa ngõ sân bay phía đông (bao gồm các ô đất E5, F1, G5, G6), định hướng phát triển công cộng, thương mại dịch vụ, phát triển các khu vực miễn thuế, vừa đáp ứng cho nhu cầu của hành khách sân bay vừa đáp ứng cho người dân thành phố Đà Nẵng nói chung, từ đó dần dần sẽ hình thành mô hình đô thị sân bay.

 

Quy hoạch sử dụng đất Khu vực cửa ngõ sân bay phía đông.

 

Khu vực 3 -  Khu đô thị phía Nam (gồm các ô đất M1, M2, M3). Đây là khu vực tái thiết đô thị, đầu tư nâng cấp, bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và bổ sung các tiện ích đô thị. Tại khu đô thị này sẽ từng bước đưa các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, kho tàng xen lẫn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường ra các khu, cụm công nghiệp tập trung, đồng thời chuyển đổi chức năng những khu đất này thành đất phục vụ phát triển đô thị.

Khu vực 4 - Khu đô thị phía Tây Bắc (các ô đất P1, P2, P3, P4, P5). Đây là khu vực chỉnh trang, tái thiết đô thị, nâng cấp bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và bổ sung các tiện ích đô thị phục vụ nhu cầu của người dân.

Xây cao tầng ở phía đông, có công trình ấn tượng để hút khách như sân bay Changi của Singapore 

Về một số hạ tầng kinh tế, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được xác định mở rộng đạt công suất dự kiến 28 triệu hành khách/năm. Cụm logistics mới sẽ được bố trí ở phía tây khu sân bay.

Đất thương mại dịch vụ (TMDV) trong phân khu sẽ được phân bố tại các nút giao thông quan trọng vừa là điểm nhấn đô thị vừa đảm bảo phát triển kinh tế đô thị.

Vị trí dọc các tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Tri Phương sẽ bố trí các công trình TMDV cao tầng, khu vực dịch vụ theo mô hình phi thuế quan bao gồm khu, vui chơi giải trí, trung tâm thương mại khép kín.

Vị trí dọc tuyến đường Trường Chinh, là các công trình TMDV theo mô hình kho tàng, sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, trong các chung cư, TMDV được định hướng bố trí ở tầng 1 - tầng 3.

Đối với du lịch, quy hoạch đề xuất mô hình du lịch kết hợp thương mại dịch vụ, trong đó định hướng mua sắm của khách du lịch tại các trung tâm thương mại dịch vụ, các khu phi thuế quan. Định hướng xây dựng công trình kiến trúc ấn tượng, từ đó tạo dấu ấn để khách du lịch tiếp cận, tham quan (ví dụ: mô hình sân bay Changi - Singapore).

Ngoài ra, phân khu dự kiến sẽ có mô hình lưu trú tại các khách sạn cao cấp, các homestay trong đô thị hiện hữu...

Tầng cao không vượt quá 45 m

Theo thuyết minh điều chỉnh quy hoạch, mật độ, tầng cao xây dựng trong phân khu được xác định như sau:

Các khu công viên cây xanh có mật độ xây dựng tối đa 5%, tầng cao tối đa 1 tầng, chủ yếu xây dựng các công trình kiến trúc như chòi nghỉ, công trình biểu tượng.

Công trình công cộng đơn vị ở, tôn giáo tín ngưỡng, giáo dục, trung tâm thể dục thể thao, mật độ xây dựng tối đa 40%, tầng cao trung bình 3 tầng. Đối với khu ở mới, mật độ xây dựng tối đa 80%, tầng cao tối đa 5 tầng; khu ở chỉnh trang, mật độ xây dựng tối đa 80%, tầng cao tối đa 5 tầng.

 Khống chế độ cao vùng tĩnh không sân bay Đà Nẵng.

Công trình công cộng đô thị, hỗn hợp, thương mại dịch vụ có mật độ xây dựng tối đa 40%-60%, tầng cao được phép xây dựng tối đa nhưng phải đảm bảo tĩnh không sân bay. Theo hồ sơ đồ án thì các công trình có giới hạn chiều cao lớn nhất là 23 tầng.

Ngoài ra, xác định tầng cao và mật độ xây dựng phải phù hợp với quy định hiện hành và phù hợp với quy định về tĩnh không sân bay, an ninh quốc phòng.

Theo bản đồ tĩnh không sân bay Đà Nẵng thì khu vực phân khu được chia thành các vùng giới hạn độ cao khác nhau, lớn nhất là 45 m.

Đồ án quy hoạch phân khu Sân bay cũng cho biết, quy định về tầng cao xây dựng trong phân khu sân bay phụ thuộc vào quy định về tĩnh không sân bay, phễu bay. Đối với công trình nhà ở riêng lẻ tầng cao tối đa 5 tầng. Công trình công cộng đơn vị ở tối đa 3 tầng. Công trình công cộng, thương mại dịch vụ, chung cư được phép xây với chiều cao tối đa theo sơ đồ giới hạn chiều cao sân bay, tuy nhiên không được vượt quá 45 m. 

Làm đường hầm xuyên sân bay

Về không gian ngầm, đồ án quy hoạch điều chỉnh phân khu Sân bay xác định, khu vực có hơn 50% là diện tích nằm trong khu vực sân bay, quân sự nên việc quy hoạch không gian ngầm là rất cần thiết.

Phạm vi phân khu sẽ bố trí không gian ngầm tại các các lô đất thương mại dịch vụ, công cộng, bệnh viện. 

Về độ sâu, quy hoạch chia làm 3 lớp với công năng riêng. Lớp nông (0- 5 m) phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm như lối vào tầng hầm, hầm đi bộ. Lớp trung bình (5 - 15 m) để xây công trình công cộng, bãi đỗ xe ngầm. Lớp sâu (trên 15 m) xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. 

Liên quan đến quy hoạch ngầm về giao thông, tuyến đường Trưng Nữ Vương đi ngang qua sân bay được ngầm hóa, kết hợp với tuyến tàu điện ngầm MRT.

Đường Trưng Nữ Vương cùng với Lê Đại hành, tuyến Cách Mạng Tháng Tám, tuyến Điện Biên Phủ là các trục giao thông theo hướng đông tây. Một phần cấu trúc đô thị phân khu được hình thành dựa trên hệ thống trục này.

   Vị trí tuyến đường Trưng Nữ Vương quy hoạch đi ngầm xuyên sân bay Đà Nẵng theo quy hoạch.  

Liên quan đến giao thông công cộng, phân khu Sân bay được định hướng quy hoạch có 5 tuyến đường sắt nhẹ LRT và hệ thống giao thông công cộng tốc độ cao MRT chạy qua. Đó là các tuyến: MRT1 theo hướng đông tây đi từ đường Vành đai phía tây 2 chạy theo hướng tuyến hầm chui sân bay về ga đường sắt Đà Nẵng hiện trạng. Tuyến trong trung tâm thành phố đi ngầm. Tuyến LRT 4 với điểm đầu tại CHKQT Đà Nẵng sau đó chạy dọc theo đường Nguyễn Văn Linh.

Tuyến LRT 5 có điểm đầu khu vực ngã ba Huế, chạy dọc theo tuyến đường sắt cũ. Tuyến LRT 6 nằm ở đoạn qua phân khu quy hoạch tuyến chạy dọc theo đường quốc lộ 14B. Tuyến LRT 8 có điểm đầu ga trung chuyển CHKQT sau đó đi dọc đường Nguyễn Hữu Thọ.  

Quy hoạch chuỗi công viên lớn

Hiện nay, khu vực phân khu đã có một số công viên, vườn hoa được bố trí rải rác như vườn hoa Thạch Thảo, Công viên Triệu Quốc Đạt, Công viên Cẩm Bắc, Công viên Bắc cầu vượt Hòa Cầm, Công viên Tân An, Công viên An Khê, Công viên khu C Hòa Thuận Tây. Đặc biệt, khu vực giáp ranh có công viên quy mô lớn là Công viên 29/3.

Theo hồ sơ quy hoạch, tương lai phân khu Sân bay được xây dựng chuỗi công viên lớn gồm: Công viên cầu vượt Hòa Cầm (đây là công viên cửa ngõ phía Tây); Cụm công viên hồ điều tiết Cẩm Lệ; Công viên hồ Phần Lăng; Công viên hồ Hòa Khê. Ngoài ra sẽ có hệ thống các công viên vườn hoa tại các khu ở mới.

Các công viên được quy hoạch dựa trên các lưu vực thoát nước mặt, nút giao thông. Vào mùa hè là hồ cảnh quan và công viên vui chơi, mùa mưa có công dụng điều tiết nước giảm tải cho các cống thoát nước.