Một năm đề xuất sân bay từ Bắc chí Nam

Cuối năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ Dự thảo Quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc với 28 sân bay đến 2030 và 31 sân bay đến 2050. Kể từ đó đến nay, thêm nhiều sân bay tại các địa phương đã được đề xuất đầu tư...

Có hơn 15 sân bay đã được đề xuất trên cả nước kể từ đầu năm. (Ảnh minh hoạ: mt.gov.vn).

Vào năm 2020, ATAG và Oxford Economics đã công bố một báo cáo mang tên Aviation: Benefits Beyond Borders (Hàng không: Lợi ích vượt ngoài biên giới). Báo cáo này cho thấy, tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ngành vận tải hàng không đã đóng góp 2,5% tổng số việc làm 3,1% tổng GDP tại các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2018. Thống kê cũng chỉ ra, với một lần bỏ ra 100 triệu USD để nghiên cứu phát triển ngành hàng không sẽ tạo ra lợi ích 70 triệu USD đóng góp vào GDP từ năm này qua năm khác. 

Tại báo cáoTiềm năng kết nối hàng không của Việt Nam phát hành đầu năm nay, Tập đoàn chế tạo máy bay Embraer dẫn thông tin từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết, ngành vận tải hàng không bao gồm các hãng hàng không và chuỗi cung ứng đóng góp ước tính 2,6 tỷ USD vào GDP của Việt Nam.

Với dân số khoảng 100 triệu người và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, Việt Nam cần tăng cường công suất ngành hàng không để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không theo kế hoạch, phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế dự kiến của đất nước là 6,4% trong giai đoạn 2021 - 2030. Embraer đã dự đoán mức tăng trưởng dự kiến của lưu lượng hàng không đi đến, xuất phát từ Việt Nam và trong nội địa hàng năm là 12% trong 10 năm tới...

Hơn 15 sân bay được đề xuất trong năm qua

Nhận thức được tầm quan trọng của các sân bay, cuối năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ Dự thảo Quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 có 28 sân bay, đến năm 2050 có 31 sân bay.

Kể từ đó đến nay, thêm nhiều sân bay đã được đề xuất bổ sung mới vào quy hoạch. Về phía các địa phương, không ít tỉnh, thành cũng chủ động đề xuất đầu tư các sân bay mới, từ sân bay trực thăng, dân dụng cho đến lưỡng dụng. 

Theo thống kê của người viết, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng hơn 15 sân bay được đề xuất đầu tư theo quy hoạch hoặc bổ sung thêm vào quy hoạch.

(Đồ hoạ: Justin Bui).

Tại buổi làm việc với TP Hải Phòng hồi đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã  giao Bộ GTVT nghiên cứu phương án xây dựng Cảng Hàng không Tiên Lãng theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Thủ đô Hà Nội, hồi tháng 5, Hội đồng thẩm định Nhà nước cho biết đang trình Thủ tướng phê duyệt Đề án quy hoạch mạng cảng hàng không - sân bay cấp quốc gia, trong đó định hướng quy hoạch vị trí xây dựng sân bay thứ hai ở Hà Nội ở khu vực Thường Tín. Đến tháng 9, Phó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đánh giá kỹ khả năng khai thác lưỡng dụng và bổ sung vào quy hoạch sân bay Gia Lâm. Trong kế hoạch dài hạn, Hà Nội cũng đặt mục tiêu xây dựng thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía bắc.

Bên cạnh Hải Phòng và Hà Nội, một loạt các tỉnh phía bắc đều lần lượt đề xuất sân bay.

Tại Sơn La, tỉnh này đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Nà Sản theo hình thức đối tác công tư (PPP). Sân bay Nà Sản đóng cử từ năm 2004, nay được đề xuất xây dựng mới với vốn dự kiến 2.000 tỷ đồng.

Sơn La sau đó đã tiếp tục đề nghị bổ sung Cảng hàng không Mộc Châu vào quy hoạch với quy mô là sân bay cấp 4E, diện tích đến năm 2030 khoảng 350 ha, đến năm 2050 khoảng 500 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.500 tỷ đồng.

Địa phương giáp ranh Sơn La là Lai Châu đã trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP với quy mô dự kiến 117 ha. Tháng 8 vừa qua, CTCP Sân bay Fansipan (thuộc Tập đoàn Hưng Hải Group) đã được trao Biên bản ghi nhớ đầu tư Cụm cảng hàng không Lai Châu với tổng mức đầu tư dự kiến 6.800 tỷ đồng.

Tại Tuyên Quang, tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng xem xét đồng ý chủ trương cho phép cập nhật Cảng Hàng không Na Hang vào quy hoạch 2030 - 2050 với quy mô khoảng 350 ha. Yên Bái cũng có văn bản đề nghị Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam xem xét bổ sung Cảng hàng không Yên Bái vào quy hoạch với diện tích dự kiến khoảng 279 ha.

Còn tại Bắc Kạn, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ giao địa phương chủ động quy hoạch đầu tư xây dựng Sân bay Quân Bình theo hướng sân bay chuyên dụng, tổng mức đầu tư dự kiến khoẳng 8.000 tỷ đồng.

Ở khu vực miền Trung, Bộ Giao thông vận tải đã được giao nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch Sân bay Thành Sơn tại Ninh Thuận. Tại Quảng Ngãi, UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT bổ sung Sân bay Lý Sơn vào quy hoạch, dự kiến lấn biển tại mép phía đông của đảo Lý Sơn để làm sân bay với tổng mức đầu tư dự toán 5.000 tỷ đồng.

Khu vực Tây Nguyên có 2 sân bay được đề xuất. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã gợi mở Đắk Nông chủ động quy hoạch Sân bay Nhân Cơ với tính chất là sân bay chuyên dùng trong quy hoạch của tỉnh. Tại Kon Tum, tỉnh này đã có văn bản đề xuất bổ sung quy hoạch Sân bay Măng Đen vào quy hoạch tổng thể 2030 - 2050. 

Ở khu vực đông nam bộ, trong tháng 9, Bộ Giao thông vận tải đã được giao nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Còn Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao Sở Xây dựng phối hợp để tham mưu quy trình, thủ tục triển khai dự án sân bay Gò Găng tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu với quy mô dự kiến là sân bay trực thăng cấp III, sân bay quân sự cấp II khi có nhu cầu và sân bay dân dụng cấp 3C (ICAO) trong tương lai. Về phía Tây Ninh, tỉnh đã đưa vào định hướng phát triển hạ tầng giao thông quy hoạch Cảng hàng không Tây Ninh cấp 4E tại huyện Dương Minh Châu.

Mới đây, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không thành lập đoàn công tác làm việc với 10 tỉnh có kiến nghị đưa sân bay của địa phương vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc. 10 tỉnh đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay mới tại địa phương mình, gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và Tây Ninh.