Sau Quảng Ngãi, đến lượt Yên Bái đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay

Quảng Ngãi và Yên Bái là hai tỉnh gần đây nhất có đề xuất quy hoạch cảng hàng không. Trước đó, 10 địa phương đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay mới, bao gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và Tây Ninh.

Theo báo Đầu tư, UBND tỉnh Yên Bái vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam xem xét bổ sung cảng hàng không Yên Bái vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, dự án được đề xuất là sân bay cấp 4C và sân bay quân sự cấp II; vị trí chức năng trong mạng Cảng hàng không dân dụng toàn quốc là Cảng hàng không nội địa.

Dự án có công suất dự kiến từ 0,8 - 1 triệu hành khách/năm; hình thức đầu tư là theo hình thức đối tác công tư (PPP); thời kỳ quy hoạch là 2021 - 2030.

Hiện tại sân bay Yên Bái là sân bay quân sự cấp 2 thuộc địa phận các xã Nga Quán, Cường Thịnh, huyện Trấn Yên; phường Nam Cường và xã Tuy Lộc, TP Yên Bái.

Sân bay này có tổng diện tích 279,47 ha và chiều dài đường cất, hạ cánh là 2.400 m thuận lợi cho việc sử dụng theo hình thức lưỡng dụng (kết hợp khai thác dân dụng và quốc phòng).

Trước đó, Cục hàng không Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái về đề xuất, bổ sung cảng hàng không sân bay Yên Bái vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, sân bay Yên Bái khả thi cho khai thác hàng không dân dụng. Tương lai khi Cảng hàng không Sa Pa hoạt động, cần thiết lập phương thức bay bổ sung và sẽ nghiên cứu thống nhất công tác phối hợp điều hành vùng chồng lấn giữa hai sân bay.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ GTVT bổ sung sân bay Lý Sơn vào quy hoạch cảng hàng không toàn quốc. Công trình dự kiến đầu tư bằng hình thức BOT.

Tỉnh dự kiến lấn biển tại mép phía đông của đảo Lý Sơn để làm vị trí xây dựng sân bay. Sân bay sẽ có cấp 4C với đường cất hạ cánh dài 2.400 m, đáp ứng máy bay A320, A321 và tương đương. Dự kiến, năng lực khai thác của sân bay đạt 3-3,5 triệu khách/năm.

Dự toán đầu tư sân bay là 5.000 tỷ đồng với 100% vốn của nhà đầu tư BOT. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến 2027.

Trong gần hai năm qua, đây là lần thứ 5 UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản liên quan đến xin bổ sung quy hoạch sân bay trên đảo Lý Sơn.

Mới đây, Bộ GTVT giao Cục Hàng không thành lập đoàn công tác làm việc với 10 tỉnh có kiến nghị đưa sân bay của địa phương vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc.

10 tỉnh đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay mới tại địa phương mình, gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và Tây Ninh.

Bộ cũng có đề xuất từ nay tới năm 2030, cả nước chỉ có 28 sân bay, tức thêm 5 sân bay mới (không kể sân bay Long Thành đang xây dựng); tới năm 2050 cả nước có 31 sân bay (thêm 3 sân bay mới).

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.