Thêm nhiều tỉnh thành đề xuất quy hoạch sân bay

Vài tháng gần đây, một số địa phương tiếp tục đề xuất xây dựng cảng hàng không.

Mới đây, UBND tỉnh Sơn La vừa có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho bổ sung sân bay Mộc Châu vào quy hoạch cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Sơn La chưa nêu rõ vị trí của Cảng hàng không Mộc Châu mà chỉ khẳng định “lựa chọn tại vị trí thuận lợi, địa hình bằng phẳng, phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo quy mô khai thác, thuận lợi kết nối các tuyến giao thông đường bộ”.

Theo đó, Cảng hàng không Mộc Châu được xác định là sân bay cấp 4E, phần kỳ đầu tư làm hai giai đoạn. Về diện tích, đến năm 2030 khoảng 350 ha; đến năm 2050 khoảng 500 ha. Dự kiến tổng mức đầu tư Sân bay Mộc Châu khoảng 6.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). 

Đầu tháng 9, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị cập nhật nội dung "nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự là Thành Sơn (Ninh Thuận), Biên Hòa (Đồng Nai) trong trường hợp đủ điều kiện" vào dự thảo quy hoạch.

Hiện hai sân bay Thành Sơn và Biên Hòa phục vụ mục đích quân sự. Theo kiến nghị của các địa phương, Chính phủ đã chỉ đạo lập tổ công tác nghiên cứu việc chuyển đổi thành sân bay lưỡng dụng và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định trước tháng 9/2022.

Trước đó, tính đến năm 2021, có 11 tỉnh, thành đề xuất tới Bộ GTVT được bổ sung sân bay vào quy hoạch nhưng không được chấp thuận do không đạt tiêu chí (gồm các tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Đăk Nông, Ninh Bình, Hà Giang, Hòa Bình, Bình Phước, Kon Tum, Hà Tĩnh, Trà Vinh và Ninh Thuận). 

Riêng với tỉnh Đăk Nông, đến tháng 5 vừa qua, tỉnh này tiếp tục đề xuất đưa sân bay Nhân Cơ (xã Nhân Cơ, Đắk R’Lấp) vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn 2030 - 2050 với tư cách là sân bay lưỡng dụng.

Về lý do, theo báo Tuổi trẻ, sau khi Tỉnh ủy Đắk Nông làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã đi thực địa, kiểm tra, xem xét và nhận thấy cần thiết phải quy hoạch một sân bay lưỡng dụng, kết hợp hai yếu tố quốc phòng và dân sự. Hiện Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã có văn bản đồng ý với đề xuất quy hoạch sân bay của tỉnh Đắk Nông, đồng thời đề nghị tỉnh có đề xuất với Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng xem xét đưa vào quy hoạch.

Theo dự thảo quy hoạch cảng hàng không toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, tính đến năm 2030, cả nước có 28 sân bay gồm: 14 cảng quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc và Liên Khương.

14 sân bay quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

Như vậy, số lượng 28 sân bay đến năm 2030 giữ nguyên như quy hoạch hiện nay (quy hoạch phát triển giao thông hàng không được Chính phủ phê duyệt năm 2018).

Đến năm 2050, Bộ GTVT đề xuất bổ sung sân bay Cao Bằng phục vụ quốc nội, nâng số cảng nội địa là 15; đồng thời tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch sân bay quốc tế Hải Phòng (tại Tiên Lãng) nhằm dự bị cho sân bay Nội Bài và Cát Bi. 

Các kiến nghị bổ sung quy hoạch sân bay của 11 địa phương trong thời điểm cuối năm 2020 và năm 2021 không được chấp thuận (gồm các tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Đăk Nông, Ninh Bình, Hà Giang, Hòa Bình, Bình Phước, Kon Tum, Hà Tĩnh, Trà Vinh và Ninh Thuận).

 Toàn cảnh 32 sân bay hiện hữu và đề xuất quy hoạch trên cả nước đến năm 2030. (Đồ họa: Justin Bui).

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.