Tình hình rót vốn cho các dự án giao thông trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam, vành đai 3 TP HCM

Bộ Tài Chính đã có báo cáo tình hình bố trí vốn, giải ngân cho các dự án giao thông trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam, vành đai 3 TP HCM…

Ngày 22/8 vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư ngân sách nhà nước. Tại văn bản này, Bộ Tài Chính có cho biết tình hình thực hiện các dự án trọng điểm gồm: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; cao tốc Bắc - Nam; đường vành đai 3 TP HCM; đường vành đai 4 Hà Nội; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - cần Thơ - Sóc Trăng.

Về các dự án thành phần cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện với sơ bộ tổng mức đầu tư 22.856 tỷ đồng. Đến nay đã thu hồi được 4.670 ha/4.946 ha (đạt 94,4%). Phần diện tích còn lại 276 ha, UBND huyện Long Thành hoàn thành phê duyệt trong tháng 8.

Về tiến độ giải ngân, tổng lũy kế vốn đã bố trí đến năm 2021 là 22.855,035 tỷ đồng, cụ thể: năm 2018 là 4.500 tỷ đồng, năm 2019 là 6.990 tỷ đồng, năm 2020 là 6.705,035 tỷ đồng, năm 2021 là 4.660 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến 18/8, dự án đã giải ngân 16.436,817 tỷ đồng, đạt 71,92% kế hoạch đã giao.

 Đã thu hồi  4.670 ha mặt bằng cho dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Ảnh phối cảnh dự án: ACV).

Đối với hạng mục cảng hàng không, dự án có quy mô 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; sơ bộ tổng mức đầu tư 109.111 tỷ đồng. Công tác xây lắp khu vực cảng hàng không được chia làm 4 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1: Xây dựng trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước, đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Dự án thành phần 2: Xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay (Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư) đang lựa chọn nhà thầu thi công phần móng của tháp không lưu. Dự án thành phần 3: Xây dựng các công trình thiết yếu (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP làm chủ đầu tư) đang thực hiện công tác san nền, thi công móng cọc khu nhà ga và thiết kế các công trình chính. Dự án thành phần 4: Xây dựng các công trình phục vụ khác, Bộ GTVT đang triển khai các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư. Tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Đối với hạng mục trụ sở hải quan Long Thành, dự án đã được Chính phủ tổng hợp trong danh mục trình ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 407 tỷ đồng từ nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện.

Về dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, theo báo cáo của Bộ GTVT, đến hết ngày 12/8, dự án đã hoàn thành công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng (đạt 100%), cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng, chỉ còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang di dời nhưng không ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Về triển khai thi công, tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến hết ngày 12/8 đạt khoảng 27.264,64/57.075,32 tỷ đồng, tương đương 47,8% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,7%. Trong đó: 4 dự án hoàn thành năm 2022 sản lượng trung bình đạt 66,0% giá trị hợp đồng, chậm 2,8%; 4 dự án hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 47,9% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch; 2 dự án hoàn thành năm 2024 sản lượng trung bình đạt 16,1% giá trị hợp đồng, chậm 3,6%.

Về tình hình bố trí kế hoạch vốn cho dự án, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia thực hiện là 78.461 tỷ đồng, trong đó bố trí trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 60.668,451 tỷ đồng. Đến nay, đã bố trí cho dự án trong kế hoạch hàng năm là 52.379,189 tỷ đồng; trong đó kế hoạch năm 2021 là 14.700,351 tỷ đồng, năm 2022 là 19.877,381 tỷ đồng. Như vậy, số kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa giao là 26.090,719 tỷ đồng.

Về giải ngân, theo báo cáo của KBNN, lũy kế số vốn ngân sách nhà nước giải ngân đến ngày 18/8 là 39.138,623 tỷ đồng, đạt 74,7% tổng kế hoạch được giao; trong đó thuộc kế hoạch năm 2022 là 7.335,68 tỷ đồng, đạt 36,9% kế hoạch năm 2022 được giao.

Về dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần vào ngày 13/7, trong đó giao cho các ban quản lý dự án thuộc bộ làm chủ đầu tư và bàn giao toàn bộ các mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) cho địa phương vào ngày 30/6. Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo triển khai lập thiết kế kỹ thuật, dự toán và các thủ tục liên quan để khởi công dự án trước ngày 31/12.

Các địa phương đang tích cực triển khai công tác GPMB, bàn giao 70% diện tích mặt bằng để khởi công các gói thầu trong năm 2022.

Về kế hoạch vốn cho dự án giai đoạn này, hiện dự án mới được giao 257 tỷ đồng đế thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, số vốn này đã được giao kế hoạch năm 2022.

Hiện nay, Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết kế hoạch trung hạn cho từng dự án thành phần. Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của từng dự án thành phần, Bộ GTVT sẽ thực hiện giao kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho dự án.

Về số giải ngân, theo báo cáo của KBNN, đến 18/8, dự án đã giải ngân được 200,819 tỷ đồng, đạt 76,8% kế hoạch năm 2022.

Đối với 3 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - cần Thơ - Sóc Trăng. Ba dự án này đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 6 vừa qua. 3 dự án được chia thành 10 dự án thành phần và Chính phủ xem xét phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần đi qua địa bàn.

Ngày 25/7, Chính phủ đã có các nghị quyết để triển khai thực hiện. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định Bộ GTVT là cơ quan chủ quản của 2/10 dự án thành phần; 8/10 dự án thành phần còn lại phân cấp cho các địa phương nơi có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT bàn giao báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 3 dự án cho UBND các tỉnh được phân cấp để tiếp nhận và triển khai các bước tiếp theo; Bộ KH&ĐT thông báo danh mục và mức vốn dự kiến cho từng dự án, dự án thành phần để Bộ GTVT và cơ quan chủ quản hoàn thiện thủ tục, thực hiện theo quy định.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đối với 2 dự án thành phần được giao làm cơ quan chủ quản, Bộ GTVT đã giao chủ đầu tư cho các ban quản lý dự án thuộc bộ này. Các chủ đầu tư đã xây dựng đề cương, kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn, lập và phê duyệt nhiệm vụ khảo sát thiết kế...

Đối với các dự án thành phần phân cấp cho địa phương thực hiện, Bộ GTVT đang phổi hợp với các địa phương xây dựng quy chế thực hiện và xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết triển khai các dự án. Các địa phương đang triển khai các công tác chuẩn bị đâu tư như lập ban chỉ đạo, giao nhiệm vụ chủ đầu tư, cập nhật quy hoạch, xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn, lập và phê duyệt nhiệm vụ khảo sát thiết kế…

Đối với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết Chính phủ triển khai dự án. Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến Thành viên Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có ý kiến tham gia.

Đối với dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư với chiều dài 76,34 km, sơ bộ tổng mức đầu tứ 75.378 tỷ đồng. Dự án này được chia làm 8 dự án thành phần do UBND các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh làm cơ quan chủ quản.

Về tình hình triển khai, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư các dự án đường vành đai, UBND các tỉnh, thành phố đã phối hợp cùng Bộ KH&ĐT dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai dự án, thành lập ban chỉ đạo, tổ chức lập mốc chỉ giới quy hoạch, chuẩn bị các công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn, triển khai các công tác liên quan đến GPMB (giao nhiệm vụ chủ đầu tư, đo đạc, kiểm đếm...). TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã tổ chức hội nghị triển khai dự án và đã ký kết Kế hoạch và Quy chế phối hợp triển khai thực hiện dự án vào ngày 5/7.

Về nguồn vốn cho dự án, Chính phủ đã trình ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021- 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3), theo đó điều chỉnh 17.146 tỷ đồng từ Bộ GTVT sang cho các địa phương, trong đó: TP HCM là 10.627 tỷ đồng; Đồng Nai là 856 tỷ đồng; Bình Dương là 4.266 tỷ đồng và Long An là 1.397 tỷ đồng.

Ngày 8/8, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ về phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa phân bổ, theo đó đã bố trí đủ 14.233,437 tỷ đồng cho dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. 

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến quy hoạch cầu vượt sông Uông nối TP Uông Bí - TX Quảng Yên, Quảng Ninh
Một cầu vượt sông Uông dự kiến được xây dựng kết nối TP Uông Bí với - TX Quảng Yên, Quảng Ninh trên tuyến đường từ QL18 đi đường 338.