Hà Nội trình tăng thêm vốn cho Metro Nhổn - Ga Hà Nội, dời lịch khai thác sang 2027

UBND TP Hà Nội muốn tăng vốn cho tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội lên 34.826 tỷ đồng, điều chỉnh tiến độ hoàn thành, vận hành, khai thác sang năm 2027.

 Một đoạn tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Huy).

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Theo đó, thành phố đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án ban đầu là 2009 - 2022 thành 2009 - 2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng). Trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2022; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào 2027 (gồm cả đoạn ngầm). 

Hà Nội đã đưa ra 8 nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ thực hiện dự án, gồm: Vướng mắc giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu thực hiện gói thầu CP05 - công trình kiến trúc depot; năng lực triển khai của chủ đầu tư - tư vấn (PIC); vướng mắc liên quan đến hợp đồng FIDIC; vướng mắc về giao kế hoạch vốn ODA; vướng mắc về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định giá... chuyên ngành đường sắt đô thị; cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng rất phức tạp; ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Về tổng mức đầu tư dự án, Hà Nội đề xuất điều chỉnh tăng từ 32.910 tỷ đồng lên thành 34.826 tỷ đồng. Nguồn vốn bổ sung cho phần tăng thêm sử dụng từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Trong đó, phần vốn ngân sách của thành phố tăng 3.896 tỷ đồng (bổ sung cho các gói thầu AFD, DGT và các phần việc thuộc vốn đối ứng); giảm phần vốn vay ODA 1.980 tỷ đồng.

Báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị HĐND Hà Nội cho biết, trên cơ sở kế hoạch giải ngân dự kiến, sẽ cần bố trí 850 tỷ đồng vốn tăng thêm trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 của thành phố. 

Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm cấp thành phố cập nhật đến nay là 235.308 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án cấp thành phố là 234.007 tỷ đồng và dự phòng 1.301 tỷ đồng. 

Ngày 30/8, UBND thành phố đã có tờ trình gửi HĐND cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, trong đó đề xuất bổ sung vốn để làm cơ sở điều chỉnh dự án và phê duyệt chủ trương đầu tư cho 3 dự án giao thông trọng điểm của thành phố và dự án có sử dụng vốn ODA là 5.640 tỷ đồng.

Như vậy, Hà Nội đảm bảo đủ để bố trí vốn ngân sách thành phố cho phần vốn tăng thêm của Metro Nhổn - Ga Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2025 (850 tỷ đồng), còn phần vốn tăng thêm còn lại sẽ cân đối trong giai đoạn 2026 - 2030.

Metro Nhổn - Ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5 km, trong đó 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Điểm đầu xuất phát từ Nhổn theo Quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - Nút giao với đường vành đai 3 - Cầu Giấy - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - điểm cuối Ga Hà Nội.

Dự án đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm của TP Hà Nội. Lũy kế đến 31/8/2022, dự án đã giải ngân 17.041 tỷ đồng, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 75% (trong đó đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%).

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.