Metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã giải phóng mặt bằng 79% ga ngầm, 92% ga trên cao

TP Hà Nội cho biết, đến tháng 2, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư phần ga trên cao của metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đạt khoảng 92% diện tích, còn phần ga ngầm đã thực hiện GPMB khoảng 79% diện tích.

Khu vực quy hoạch depot của tuyến metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tại Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Di Linh). 

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ trang TP Hà Nội, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo tại cuộc họp lần thứ 4 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Thủ tướng nêu rõ các dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP HCM đang triển khai rất chậm. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND hai thành phố này trực tiếp chỉ đạo triển khai các dự án. Về phía các bộ, ngành, địa phương cần cải tiến cách làm, rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của địa phương theo thẩm quyền.

Đối với dự án Nhổn - Ga Hà Nội, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) khẩn trương thẩm định sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Cùng với đó, TP Hà Nội phối hợp với các bộ, ngành, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ; đưa đoạn trên cao vào khai thác trong quý II năm nay.

Về tình hình thực hiện đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, tại cuộc họp do Thủ tướng chủ trì nêu trên, lãnh đạo thành phố cho biết, đến tháng 2, tiến độ tổng thể của dự án khoảng 76% (tăng 0,2% so với kỳ báo cáo trước).

Tiến độ thi công đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đạt 98% (tăng 0,5% so với kỳ báo cáo trước), tiến độ đoạn ngầm đạt 33%. Giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đến ngày 31/1 đạt trên 3.162 tỷ đồng (đạt khoảng 96% kế hoạch, tăng 0,9% so với kỳ báo cáo trước).

Đối với việc Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cho toàn tuyến, lãnh đạo thành phố cho biết, thành phố đã có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ KHĐT điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong đó. đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án là 2009 - 2027.

Trước đó, ngày 5/12/2022, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được chạy thử tích hợp toàn tuyến trong môi trường hạn chế. Việc chạy thử nhằm đánh giá hoạt động của hệ thống và các đoàn tàu chạy đoạn 8,5 km trên cao từ Nhổn - Cầu Giấy trước khi đưa vào khai thác thương mại.

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm của Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm; trong đó, đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4 km.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 32.910 tỷ đồng, khởi công vào tháng 9/2010. Dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, còn 4 km đoạn ngầm dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Dự án đang triển khai thi công 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị và gói thầu tư vấn chung thực hiện dự án.

Một dự án nổi bật khác là đường vành đai 4, tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 113 km, bao gồm 103 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Đoạn trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 58 km; đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19 km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35 km. Dự án được chia thành 7 dự án thành phần.

Lãnh đạo cả 7 quận, huyện có vành đai 4 đi qua đều cam kết sẽ thực hiện theo tiến độ theo kế hoạch, bàn giao từ 70% mặt bằng trở lên trước ngày 30/6 và bàn giao 100% mặt bằng trong năm nay. Trong đó, có một số địa phương dự kiến xong trước thời hạn từ 1 - 3 tháng.

Về tình hình thực hiện, theo lãnh đạo thành phố, đến tháng 2, TP Hà Nội đã di chuyển trên 48% các ngôi mộ trong diện giải phóng mặt bằng; phê duyệt và thu hồi 237/797 ha (29%); đã chi trả trên 1.900 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng.

Đối với tình hình thực hiện đường sắt đô thị tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, theo lãnh đạo thành phố, đến tháng 2, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư phần ga trên cao đã GPMB được khoảng 92% diện tích, còn phần ga ngầm đã thực hiện GPMB khoảng 79% diện tích.

UBND TP Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo ý kiến của Bộ KHĐT tại Báo cáo ngày 6/5/2021 để trình Thủ tướng Chính phủ. 

Tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định ngày 13/11/2008. Theo quyết định này, tổng chiều dài tuyến 11 km, trong đó 8,5 km đường đi ngầm, 3 km đi cao.

Điểm đầu Nam Thăng Long (CIPUTRA) theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.