Cơ bản hoàn thành mặt bằng các ga ngầm metro Nhổn - Ga Hà Nội

Theo báo cáo của Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, việc giải phóng mặt bằng thi công 4 ga ngầm tuyến metro Nhổn - Ga Hà nội đã cơ bản hoàn thành. Trong tháng 10 sẽ hoàn thành việc chi trả cho 50 hộ dân tại Đống Đa và Ba Đình.

Ga ngầm S11 thuộc metro Nhổn - Ga Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Huy).

Sáng nay 16/9, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đã có buổi kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (tuyến số 3), đoạn Nhổn - Ga Hà Nội trên địa bàn quận Ba Đình, Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội đưa tin.

Theo báo cáo, dự án ga ngầm S9 thuộc địa bàn hai phường Kim Mã và Ngọc Khánh, trong đó, phường Kim Mã có 18 hộ dân thuộc diện thu hồi tạm thời, còn phường Ngọc Khánh có 17 trường hợp phải thu hồi, với 15.000 m2.

Đến nay, UBND quận Ba Đình đã ban hành xong các quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án, thực hiện chi trả toàn bộ số tiền bồi thường, hỗ trợ (50 tỷ đồng), bố trí tái định cư đối với 13 hộ tại nhà N07 khu 5,3 ha Dịch Vọng; đã thu hồi xong mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư để thi công dự án.

Về tình hình công tác giải phóng mặt bằng chung đoạn đi ngầm của dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, Dự án có tổng số 4 ga ngầm, thuộc địa bàn các quận Ba Đình (S9), Đống Đa (S10 và S11) và Hoàn Kiếm (S12).

Đến nay, việc giải phóng mặt bằng thi công 4 ga ngầm đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, qua quan trắc, khảo sát hiện trạng, có 50 hộ dân thuộc địa bàn 2 quận Ba Đình và Đống Đa bị ảnh hưởng khi thi công tuyến đường hầm của dự án, trong đó, có 43 hộ phải tạm cư trong vòng 1 tháng (khi máy khoan ngầm TBM đi qua) và 7 hộ phải phá dỡ trước khi tiến hành khoan ngầm (trong đó, có 1 hộ đã tự nguyện phá dỡ).

Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã phối hợp xây dựng và báo cáo UBND Thành phố về khung chính sách hỗ trợ kinh phí chưa từng có tiền lệ, làm căn cứ thỏa thuận sử dụng đất trong thời gian thi công tuyến hầm.

Theo đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với 6 hộ phải phá dỡ khoảng 21 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ 43 hộ phải tạm cư trong vòng 1 tháng khoảng 4 tỷ đồng.

Trong tuần tới, quận Đống Đa sẽ tiến hành chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân. Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với quận Ba Đình và Đống Đa để hoàn thành toàn bộ nội dung này trong tháng 10.

Kết luận buổi làm việc, lãnh đạo Thành ủy yêu cầu chủ đầu tư tiến hành thủ tục, hoàn thành việc chi trả cho 50 hộ dân thuộc diện bị ảnh hưởng bới dự án, đề nghị quận Đống Đa và Ba Đình phối hợp với Ban trong tháng 10.

Liên quan đến kiến nghị của 7 hộ phải tháo dỡ, giao Sở Tài chính nghiên cứu, sớm trả lời 2 quận liên quan đến vấn đề trượt giá khi xây dựng lại; giao Sở Xây dựng nghiên cứu bổ sung mua nhà tái định cư cho 1 hộ dân tại quận Ba Đình do bị thu hồi, giải phóng mặt bằng nhiều lần.

Đặc biệt, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Xây dựng, chính quyền hai quận Ba Đình, Đống Đa chỉ đạo các đơn vị liên quan nắm chắc tình hình các hộ dân để phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong vấn đề tạm cư khi tiến hành khoan ngầm.

Liên quan đến metro Nhổn - Ga Hà Nội, UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Theo đó, thành phố đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án ban đầu là 2009 - 2022 thành 2009 - 2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng). Trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2022; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào 2027 (gồm cả đoạn ngầm). 

Hà Nội đã đưa ra 8 nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ thực hiện dự án, gồm: Vướng mắc giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu thực hiện gói thầu CP05 - công trình kiến trúc depot; năng lực triển khai của chủ đầu tư - tư vấn (PIC); vướng mắc liên quan đến hợp đồng FIDIC; vướng mắc về giao kế hoạch vốn ODA; vướng mắc về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định giá... chuyên ngành đường sắt đô thị; cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng rất phức tạp; ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Về tổng mức đầu tư dự án, Hà Nội đề xuất điều chỉnh tăng từ 32.910 tỷ đồng lên thành 34.826 tỷ đồng. Nguồn vốn bổ sung cho phần tăng thêm sử dụng từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Trong đó, phần vốn ngân sách của thành phố tăng 3.896 tỷ đồng (bổ sung cho các gói thầu AFD, DGT và các phần việc thuộc vốn đối ứng); giảm phần vốn vay ODA 1.980 tỷ đồng.

Metro Nhổn - Ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5 km, trong đó 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Điểm đầu xuất phát từ Nhổn theo Quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - Nút giao với đường vành đai 3 - Cầu Giấy - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - điểm cuối Ga Hà Nội.

Dự án đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm của TP Hà Nội. Lũy kế đến 31/8/2022, dự án đã giải ngân 17.041 tỷ đồng, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 75% (trong đó đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%).

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.