Đề xuất bỏ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư với các khu tái định cư Vành đai 4 Hà Nội

UBND TP Hà Nội vừa trình điều chỉnh một số nội dung liên quan đến các dự án tái định cư phục vụ xây dựng đường Vành đai 4.

(Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND bổ sung một số nội dung liên quan đến dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội trong dự thảo Nghị quyết về đầu tư công của thành phố tại kỳ họp tháng 9/2022.

Đối với việc xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án, UBND thành phố đề xuất không phải thực hiện các thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.

Về nguồn vốn thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hiện vẫn chưa có quy định về trình tự, thủ tục đối với việc tách công tác bồi thường, tái định cư dự án vận hành độc lập. Bên cạnh đó, việc bố trí vốn cho dự án thành phần chỉ được triển khai sau khi có quyết định phê duyệt dự án. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ của công tác giải phóng mặt bằng. 

Trên cơ sở đó, Hà Nội đề xuất xem xét cho phép ứng vốn từ Quỹ đầu tư phát triển Thành phố để thực hiện xây dựng các khu tái định cư phục vụ vành đai 4.

Liên quan đến Vành đai 4, ngày 30/8, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt chỉ giới đường đỏ nút giao giữa đường vành đai 4 với Đại lộ Thăng Long, đoạn qua huyện Hoài Đức. Hình thức nút giao này là nút giao liên thông khác mức dạng hoa thị hoàn chỉnh.

Chỉ giới đường đỏ của nút giao được xác định thông qua các thông số kỹ thuật, kích thước, kết hợp với nội suy và các điều kiện khống chế thể hiện chi tiết trên bản vẽ. 

Đối với Đại lộ Thăng Long nằm ngoài phạm vi nút giao, sẽ được xác định theo hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội dài khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng. Nhu cầu sử dụng đất sơ bộ khoảng 1.341 ha. Công trình được chuẩn bị đầu tư năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026, khai thác năm 2027.

Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã nhận được đề xuất của các nhà đầu tư tiềm năng mong muốn được tham gia thực hiện dự án vành đai 4 như Vingroup (nhà đầu tư đề xuất dự án), T&T, Him Lam, DIC…

Ngày 18/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Với nghị quyết này, Chính phủ giao UBND các tỉnh, TP Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 31/1/2023 và thực hiện các công việc tiếp theo, bảo đảm khởi công trước 30/6/2023. 

Trước đó, vào 20/7, Văn phòng UBND TP Hà Nội ban hành thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn tại cuộc họp chỉ đạo triển khai lập chỉ giới đường đỏ tuyến vành đai 4 trên địa bàn.

Việc triển khai tổ chức lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường vành đai 4 trên địa bàn thành phố chia làm 4 đoạn. Cụ thể, đoạn 1 dài 11 km từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18. Đoạn 2 dài 9,6 km từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32. Đoạn 3 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 với chiều dài 17,77 km.

Đoạn 4 từ quốc lộ 6 đến cầu Mễ Sở, chia làm hai phân đoạn với chiều dài 19,5 km. Phân đoạn 1 (dài khoảng 15 km) đoạn từ quốc lộ 6 đến quốc lộ 1A. Phân đoạn 2 (dài khoảng 4,5 km) đi từ quốc lộ 1A đến cầu Mễ Sở.

chọn
Bất động sản tuần qua (17/11 - 23/11): Các dự án lớn ở Đồng Nai đón tin mừng, Sun Group nhắm khu đô thị 28.000 tỷ
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng; Sun Group muốn làm hai khu đô thị hơn 28.000 tỷ ở Bắc Ninh; Hà Nội bỏ quy định UBND TP phê duyệt giá khởi điểm đấu giá đất; sắp xây Aeon Mall Hạ Long... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.