Bổ sung thêm 6.300 tỷ đồng vốn cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 8.680 tỷ đồng bổ sung từ nguồn tăng thu Ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án trọng điểm của Bộ GTVT, trong đó chủ yếu bổ sung cho các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là 6.300 tỷ đồng.

Bổ sung thêm 6.300 tỷ đồng vốn từ nguồn tăng thu Ngân sách trung ương năm 2023 cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Thông tin từ Báo Chính phủ, ngày 22/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ các dự án đường cao tốc do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản và tiến độ giải ngân, bố trí vốn cho các dự án.

Báo cáo với Bộ trưởng, đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 62.600 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương. Trong đó, các dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm được phân bổ khoảng 45.000 tỷ đồng, chiếm 72% nguồn vốn được giao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 8.680 tỷ đồng bổ sung từ nguồn tăng thu Ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án trọng điểm của Bộ GTVT, trong đó chủ yếu bổ sung cho các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là 6.300 tỷ đồng để tiếp tục triển khai.

Các Bộ đang hoàn chỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, dự kiến sẽ được bố trí trong tháng 8. Nếu tính cả nguồn được phân bổ thêm, tổng kế hoạch vốn Bộ GTVT được giao năm nay là 71.280 tỷ đồng.

Về kết quả giải ngân, tính đến ngày 15/7, Bộ GTVT giải ngân được khoảng 27.500/62.600 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch được giao. Các dự án thuộc danh mục các công trình trọng điểm giải ngân 22.018/45.000 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch năm. 

Trong đó, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân gần 2.700 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch. Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân 16.765 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch, phù hợp với tiến độ yêu cầu.

Đảm bảo tiến độ giải ngân trong năm, Vụ KHĐT đề nghị các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng ngay khi có khối lượng theo đúng quy định.

Tại cuộc họp, ngoài hai đoạn tuyến khu vực đồng bằng sông Cửu Long là Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau và 1 đoạn tuyến khu vực Nam Trung Bộ (Quảng Ngãi - Hoài Nhơn), các dự án thành phần khác cơ bản sẽ được hoàn thành từ 30/4 - 30/9/2025.

Qua các cuộc đi thị sát trực tiếp tại hiện trường, Bộ trưởng đánh giá quá trình triển khai thi công vẫn còn sự lúng túng trong phối hợp, còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành đồng bộ các tuyến cao tốc theo kế hoạch trong năm 2025.

Đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng yêu cầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phải giải ngân 100% vốn được giao. Các Ban QLDA có khả năng đẩy nhanh tiến độ bổ sung đăng ký theo nhu cầu.

Đối với các dự án cao tốc trục ngang trọng điểm như cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA 85 phối hợp với địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, chậm nhất tháng 9/2024 bàn giao 100% để kịp thời gian hoàn thành năm 2025.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị dài 267 km, Quảng Ngãi - Nha Trang dài 353 km và Cần Thơ - Cà Mau dài 109 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 146.990 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026; trong đó, 12 dự án thành phần được chia thành 25 gói thầu, gói thầu có giá trị lớn nhất là gần 8.000 tỷ đồng.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.