Đại diện Asanzo tại buổi họp báo ngày 17/9. (Ảnh: Chí Hiếu).
Ngày 17/9, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo (gọi tắt là Công ty Asanzo) đã tổ chức họp báo và “tuyên bố mình được minh oan” liên quan đến các nghi vấn làm giả xuất xứ, vi phạm nhãn mác và lừa dối người tiêu dùng khi nói “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”.
Tại buổi họp báo, các đại diện pháp lí của Công ty Asanzo đã đưa ra một số văn bản, trong đó có báo cáo của Tổng cục Quản lí thị trường gửi Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để nói rằng: Quản lí thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hóa.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng viện dẫn báo cáo Tổ công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kết luận rằng: đối với các sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, hoặc chế tạo tại Việt Nam, hay nước sản xuất Việt Nam, sản xuất bởi Việt Nam là đúng quy định .
Một văn bản khác mà Công ty Asanzo dẫn ra để khẳng định cơ quan chức năng không kết luận vi phạm là văn bản của Cục kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan). Theo văn bản này, Cục Kiểm tra sau thông quan đã tiến hành kiểm tra và có biên bản kết luận kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ (C3) ngày 15/8/2019.
Cục kiểm tra sau thông quan cho biết: trên cơ sở hồ sơ, tài liệu, số liệu thông tin do công ty cung cấp, tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan đối với hàng hóa tại 1 tờ khai hải quan xuất khẩu và 26 tờ khai hải quan nhập khẩu.
Để "giải oan" hành vi “lừa dối khách hàng” khi slogan của doanh nghiệp là “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Asanzo cho hay công ty đã yêu cầu Công ty Sharp Roxy - một công ty con tại Hồng Kông của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) có văn bản xác nhận doanh nghiệp này có hợp đồng mua bán, chuyển giao công nghệ với Asanzo.
“Sharp Roxy có nhiệm vụ cung cấp thiết bị, linh kiện điển tử tới các nước trong khu vực. Đây là 1 trong các cơ sở để chúng nói công nghệ Nhật là đúng pháp luật”, ông Tam nói.
Tuy nhiên, tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của Thanh Niên rằng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Công Thương xác minh, đưa ra kết luận vụ việc, nhưng trong khi Bộ Tài chính chưa công bố kết luận thì Asanzo lại tổ chức họp báo công bố liệu có đảm bảo khách quan? Ông Trần Đức Hoàng, luật sư của Công ty Asanzo nói: "Hiện tại, chúng tôi thấy rằng các cơ quan Nhà nước chưa ban hành kết luận nào nói Asanzo vi phạm. Có thể cơ quan Nhà nước sẽ công bố sau, nhưng ông Phạm Văn Tam muốn công bố sớm để quay trở lại sản xuất, kinh doanh”.
Trao đổi với Thanh Niên sau buổi họp báo về việc đại diện Asanzo dẫn báo cáo của Quản lí thị trường nói không kết luận vi phạm, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lí thị trường nhấn mạnh rằng lực lượng này chỉ tham gia xác minh thông tin theo chỉ đạo của Văn phòng thường trực 389, về kiểm tra sau thông quan chứ không được lập đoàn thanh kiểm tra và cũng không có thẩm quyền đưa ra kết luận.
“Báo cáo của chúng tôi gửi Văn phòng 389, gửi Hải quan, gửi cả cơ quan cảnh sát điều tra, để cung cấp thêm thông tin về xác minh các công ty liên quan chứ không kết luận, vì không thuộc thẩm quyền”, ông Linh nói.
Trong khi đó, chiều cùng ngày, đại diện Bộ Tài chính cho hay cơ quan này đã có báo cáo gửi Chính phủ và đang chờ chỉ đạo của Chính phủ, nên chưa có thông tin kết luận cuối cùng về vụ việc.