Tại buổi tiếp xúc báo chí chiều ngày 15/11, liên quan đến việc Ấn Độ không tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đây là nước đã tham gia đàm phán từ giai đoạn đầu nhưng năm ngoái đã quyết định rút khỏi đàm phán.
Nguyên nhân là hoàn cảnh chưa phù hợp để áp dụng một số tiêu chuẩn trong hiệp định thương mại tự do được ASEAN và các nước đối tác thống nhất.
"Tuy nhiên, Việt Nam và các nước ASEAN luôn coi Ấn Độ là một đối tác quan trọng. Việt Nam đánh giá cao quá trình tham gia đàm phán Hiệp định RCEP của Ấn Độ trong 7 năm", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh mặc dù Ấn Độ chưa thể tham gia RCEP tại thời điểm này, các nước tham gia đàm phán luôn cho rằng việc tham gia của Ấn Độ vào định sẽ đóng góp cho sự tiến bộ và thịnh vượng chung của toàn khu vực.
Do vậy, tất cả các nước tham gia Hiệp định RCEP sẵn sàng tạo điều kiện cho Ấn Độ tham gia Hiệp định RCEP trong tương lai theo cơ chế thuận lợi, có bảo lưu lại các kết quả đàm phán đã đạt được trước đó với Ấn Độ.
Sáng ngày 15/11, RCEP đã chính thức được kí kết. Đây là một hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên của ASEAN, gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 đối tác của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
RCEP khi được thực thi, sẽ tạo nên một thị trường lớn với qui mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26.200 tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Để hiệp định có hiệu lực, ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 nước đối tác gửi văn kiện phê chuẩn đến Cơ quan lưu chiểu theo quy định của Hiệp định. Các nhà lãnh đạo của RCEP cho biết hiệp định là mở và toàn diện.
RCEP theo đó vẫn để mở cho Ấn Độ - quốc gia đã rút khỏi trong quá trình đàm phán - gia nhập kể từ ngày hiệp định có hiệu lực.
Các quốc gia kí RCEP, sau khi Hiệp định RCEP được kí, sẽ tiến hành đàm phán với nước này bất cứ khi nào Ấn Độ gửi yêu cầu bằng văn bản bày tỏ ý định gia. Ấn Độ cũng có thể tham gia các cuộc họp của RCEP với tư cách là quan sát viên và trong các hoạt động hợp tác kinh tế do các quốc gia kí RCEP thực hiện.