Phối cảnh sân bay Long Thành. (Ảnh: TL).
Mất 3 năm để làm thủ tục triển khai dự án sân bay Long Thành
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể bày tỏ: “Qua xem xét tình hình hạ tầng giao thông trong thời gian qua, tôi thấy có mấy việc chúng ta cần phải xem xét lại. Theo Luật Đầu tư công và luật của Việt Nam hiện nay, khi Quốc hội bố trí vốn thì mới bắt đầu triển khai các công việc tiếp theo.
Tôi thấy quyết định này rõ ràng đảm bảo nguồn vốn để thực hiện đầy đủ nhưng sẽ dẫn đến việc bức xúc của xã hội. Có nghĩa là khi bố trí xong vốn rồi thì giải ngân rất khó. Tôi lấy ví dụ như dự án Sân bay quốc tế Long Thành.
Khi Quốc hội thống nhất về chủ trương, Chính phủ mới chỉ đạo Bộ triển khai thì lúc đó chúng ta biết được Quốc hội muốn chi bao nhiêu tiền cho sân bay Long Thành. Nhưng thực hiện một dự án trọng điểm quốc gia như thế này, chúng tôi phải thi tuyển kiến trúc. Đây là cuộc thi tuyển quốc tế”.
Theo giải thích của Bộ trưởng Bộ GTVT, toàn bộ các hồ sơ mời thầu, trúng thầu, xét thầu tổ chức công bố giải là phải theo trình tự quốc tế, chúng ta không làm khác được, điều này mất rất nhiều thời gian. Khi đã có mẫu tuyển kiến trúc chính thức quốc tế rồi thì không được quyền thay đổi.
Do đó, các bước tiếp theo sẽ gặp khó. Tiếp đó mới thực hiện công tác đấu thầu lập dự án. Chúng ta sẽ mời thầu, lựa chọn nhà thầu, công bố trúng thầu. Cuối cùng, nhà thầu mới vào trực tiếp khảo sát.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng nhấn mạnh: “Đến tháng 10 này chúng tôi mới báo cáo với Quốc hội về sân bay Long Thành.
Sau khi Quốc hội đồng ý thì Chính phủ phê duyệt dự án này. Sau khi phê duyệt dự án tiếp tục giao cho một đơn vị đại diện làm chủ đầu tư, có nghĩa là khi có chủ đầu tư lại tiếp tục tuyển chọn nhà thầu nếu Chính phủ không chỉ định thầu.
Chủ đầu tư sẽ lập hồ sơ mời thầu, lập hồ sơ thiết kế, hoàn tất hồ sơ thì gửi phê duyệt mất từ 6-9 tháng nữa.
Sau đó, chúng ta mới tổ chức đấu thầu xây lắp. Như vậy, từ ngày Quốc hội cho chủ trương bố trí vốn làm sân bay Long Thành, qua thi tuyển kiến trúc, qua lập dự án quốc tế, qua chọn nhà đầu tư, thiết kế… mất đến 3 năm.
Điều này, theo trình tự công, chúng tôi không làm khác được. Bố trí tiền rồi mà mất đến 3 năm chỉ lo thủ tục, chưa nói đến việc giải phóng mặt bằng. Vậy công tác triển khai một công trình như thế liệu có hợp lý hay không?”.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị, Quốc hội giữa nhiệm kỳ sẽ biểu quyết một mối tín dụng cho công tác chuẩn bị đầu tư cho nhiệm kỳ sau để các nhà đầu tư có dự án lớn có thể làm trong 2,5 năm.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: L.Bảo).
Bộ trưởng Bộ GTVT trong nhiệm kỳ này được giao 2 công trình giao thông trọng điểm quốc gia (cả nhiệm kỳ này Quốc hội cũng chỉ biểu quyết thông qua 2 dự án trọng điểm Quốc gia đó là sân bay Quốc tế Long Thành và đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông).
Về tiến độ của sân bay quốc tế Long Thành đến thời điểm này, Bộ GTVT đã bố trí ngân sách của Quốc hội cho tỉnh Đồng Nai.
Tỉnh cũng đang triển khai công tác kiểm đếm và phê duyệt, trong năm nay sẽ sử dụng một phần trong bố trí giải phóng mặt bằng.
Để giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 1 là khoảng 1.800ha, tất cả công việc này, tỉnh Đồng Nai cũng không làm khác được, mà phải làm đúng theo luật đầu tư công mất nhiều thời gian.
“Riêng về trách nhiệm của Bộ GTVT, sau khi có ý kiến của Quốc hội, chúng tôi đấu thầu quốc tế, tháng 6/2018 đã bố trí một liên doanh là 6 nhà đầu tư trong và nước ngoài, tư vấn lập dự án, đến thời điểm này dự án đã đến giai đoạn kết thúc.
Chúng tôi dự kiến trong tháng 6 này sẽ trình lên Chính phủ. Chính phủ cũng đã thành lập Hội đồng thẩm định Quốc gia do Bộ KH&ĐT làm Chủ tịch hội đồng.
Hội đồng này sẽ tham mưu cho Chính phủ, sau đó trình ra các ủy ban để cố gắng tháng 10/2019 sẽ trình một dự án tổng thể sân bay Long Thành và trình Quốc hội xem xét cho ý kiến. Như vậy, dù chậm nhưng có thể kiểm tra theo Luật Đầu tư công.
Chúng tôi muốn làm nhanh lắm nhưng không làm khác được”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Riêng dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT báo cáo sau khi Chính phủ đã cho chủ trương từ Nghị quyết Quốc hội thì tháng 10/2018, Bộ đã phê duyệt toàn bộ 11 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Còn 10 tháng, Bộ tập trung cao độ cho việc thống nhất với các địa phương về quy mô, về tiền giải phóng mặt bằng và trình qua Chính phủ là phương án giải phóng mặt bằng, để Chính phủ cho chủ trương và tháng 10 Bộ đã phê duyệt xong.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, tiếp nhận các ý kiến, rất nhiều địa phương cần vốn để tạo đột phá giao thông, nhưng nhiệm kỳ này không còn tiền để bố trí. Vì 90% đã biểu quyết đầu nhiệm kỳ, còn 10% thì giải quyết các vấn đề thiên tai…
Do đó, Bộ GTVT đứng trước áp lực rất lớn. Đề xuất của người dân, địa phương là rất hợp lý nhưng Chính phủ cũng không cân đối được tiền, nên Bộ cũng rất trăn trở. Bộ GTVT sẽ cố gắng làm tốt nhất trách nhiệm của mình.