Nghị định 46 đã 'lỗi thời', tước GPLX đến hai năm chưa đủ răn đe

Theo Bộ GTVT, nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường bộ đang diễn ra trên thực tế chưa được qui định trong Nghị định xử phạt.

Nghị định 46 đã lỗi thời, tước GPLX đến hai năm chưa đủ răn đe - Ảnh 1.

CSGT xử lí vi phạm. (Ảnh minh họa: Di Linh).

Nghị định 46 đã "lỗi thời"?

Theo thông tin chúng tôi nhận được, Bộ GTVT vừa đưa ra dự thảo báo cáo tình hình 2 năm thi hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết có nhiều khó khăn vướng mắc khi thực thi do các qui định của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP và các văn bản qui phạm pháp luật khác có liên quan.

Đơn cử như hiện nay mức phạt tiền tối đã trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40.000.000 đồng đối với cá nhân. Tuy nhiên, mức phạt này thấp hơn so mức phạt tiền trong lĩnh vực giao thông đường sắt, đường thủy nội địa trong khi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường bộ không ít nguy hiểm hơn so với hai lĩnh vực nêu trên.

Ngoài ra, một số hành vi vi phạm nghiêm trọng nhưng mức xử phạt không tương xứng với hành vi phạm như hành vi chở quá số người chỉ khống chế ở mức 40 triệu đồng kể cả số tiền/số người vi phạm vượt hơn số đó.

Được biết, hiện, thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ hành nghề là từ 1 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết hiện nay có một số hành vi vi phạm qui tắc giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ như vi phạm qui định về nồng độ cồn, điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm qui định về giao thông trên đường cao tốc... có tính chất, mức độ vô cùng nguy hiểm, khả năng gây TNGT với hậu quả rất nghiêm trọng.

"Việc quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX từ 4-6 tháng hoặc 22 - 24 tháng là chưa đủ sức răn đe", Bộ GTVT hay.

Đối với qui định về người chứng kiến khi lập biên bản vi phạm hành chính, Bộ GTVT cho biết, trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhiều hành vi vi phạm của chủ phương tiện được phát hiện thông qua việc phát hiện hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện (lái xe).

Tại thời điểm đó, người có thẩm quyền lập biên bản lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện và người lái xe lúc này đã kí biên bản với vai trò là người làm chứng, có thể nộp tiền phạt thay cho chủ phương tiện.

"Việc đề nghị, tìm thêm một người làm chứng để kí vào biên bản lập hành vi vi phạm của chủ phương tiện là không cần thiết đồng thời gây bức xúc cho người lái xe phải chờ đợi để hoàn tất thủ tục, gây khó khăn, phức tạp cho các lực lượng chức năng", Bộ GTVT nêu quan điểm.

Đáng chú ý, Bộ GTVT cũng cho biết có một số hành vi vi phạm trong thực tế xảy ra nhưng không xử lí được vì thiếu phương tiện kĩ thuật như: hành vi liên quan đến khí thải, âm lượng còi, độ ồn...

Ngoài ra, theo Bộ GTVT, nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường bộ đang diễn ra trên thực tế chưa được qui định trong Nghị định xử phạt.

Cụ thể là các hành vi như lắp thêm đèn chiếu sáng phía trước của các xe ô tô, gây ảnh hưởng, mất an toàn giao thông đối với xe đi ngược chiều; trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng người lái xe sử dụng ma túy, cấp giấy vận tải, lệnh vận chuyển cho lái xe hoặc đảm bảo nội dung theo qui định.

Hành vi sử dụng giấy phép lái xe mà giấy phép đó đã khai báo mất để được cấp lại; nhiều hành vi vi phạm các quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ như hành vi vi phạm của các đơn vị sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô; chở hàng quá sức chở của đầu kéo...

Một số nhóm hành vi vi phạm có chiều hướng gia tăng

Theo Bộ GTVT, sau hai năm thực thi Nghị định 46, nhiều nhóm hành vi vi phạm đang có chiều hướng gia tăng.

Cụ thể là tình trạng vi phạm các qui định trên đường cao tốc diễn ra phức tạp, hiện tượng lùi xe, đỗ xe trên đường cao tốc có nguy cơ gây mất an toàn giao thông có chiều hướng gia tăng.

Đối với tình trạng trên, nhiều trường hợp gây tai nạn giao thông phải chuyển xử lí hình sự tạo nên bức xúc trong dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, hành vi điều khiển xe mô tô đi vào đường cao tốc diễn ra phổ biến hơn.

Theo Bộ này, các hành vi vi phạm qui định về hoạt động vận tải đường bộ trên đường cao tốc như dừng, đón trả khách; nhận và trả hàng trên đường cao tốc có chiều hướng gia tăng vừa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, vừa không đảm bảo yêu cầu công bằng, bình đẳng trong hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa.

Các hành vi vi phạm quy định về nồng đồn cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện tăng cao trong thời gian qua và trong nhiều vụ tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia, ma túy.

Nghị định 46 đã lỗi thời, tước GPLX đến hai năm chưa đủ răn đe - Ảnh 2.

Nhiều trường hợp chống đối CSGT khi bị xử lí. (Ảnh: Di Linh).

Nhiều khó khăn khi thực thi Nghị định 46

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, Bộ GTVT cũng đưa ra nhiều khó khăn vướng mắc do điều kiện đảm bảo thi hành Nghị định 46 liên quan đến cơ sở vật chất, con người...

Cụ thể là công tác tuyên truyền, định hướng dư luận ở một số địa phương chưa thực hiện tốt dẫn đến còn nhiều ý kiến trái chiều như xử phạt chủ phương tiện đối với hành vi giao hoặc để lái xe, người làm công chở hàng quá tải trọng qui định... gây sự chống đối, khó khăn cho công tác xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ hai là do phong tục tập quán của một số vùng miền, điều kiện về kinh tế, xã hội khác nhau nên đã ảnh hưởng đến nhận thức, ý thức chấp hành các qui định của pháp luật cũng như chấp hành các quyết định xử phạt.

Thứ ba, Bộ GTVT cho rằng vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT còn kém, chấp hành mang tính chất "đối phó" khi có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường.

Một số người vi phạm không hợp tác, trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát, xử lí của lực lượng chức năng, thậm chí chống đối người thi hành công vụ.

"Lực lượng tuần tra kiểm soát xử lí vi phạm TTATGT ở nhiều nơi còn mỏng; trang thiết bị phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT của các lực lượng chức năng còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hiện chưa xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lí vi phạm hành chính, chưa có cơ chế về chia sẻ và cung cấp thông tin các đối tượng vi phạm hành chính, nên rất khó xác định đối với những trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm để xem xét tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm hành chính", Bộ GTVT cho biết.

Ngoài ra, theo Bộ GTVT, một số hành vi vi phạm chưa được phát hiện kịp thời và xử lí triệt để. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để xử phạt qua hình ảnh chưa được triển khai rộng rãi và gặp nhiều khó khăn trong việc xác định người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm do sự thiếu sự hợp tác của chủ phương tiện.

Nhiều cán bộ thực thi công vụ hạn chế về nghiệp vụ

Về vấn đề xử lí vi phạm, theo Bộ GTVT, thời gian vừa qua, Thanh tra Bộ, Tổng cục, các Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ, các Sở Giao thông vận tải đã triển khai nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, tập trung vào nhiều lĩnh vực.

Cụ thể gồm điều kiện kinh doanh vận tải; kiểm soát tải trọng phương tiện; hoạt động đăng kiểm; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; đảm bảo ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường đối với các dự án thi công trên đường bộ đang khai thác.

Bộ GTVT cũng đã hoàn thành kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm TTATGT vận tải đường bộ và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Được biết, năm 2017, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thanh tra các Sở GTVT đã tiến hành 104.977 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính 106.515 vụ việc vi phạm, số tiền xử phạt 339 tỉ 849,99 triệu đồng, tạm giữ 474 ô tô.

Trong đó đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 22.237 lượt phương tiện vi phạm về tải trọng với tổng số tiền xử phạt trên 248 tỉ đồng; 2.276 phương tiện vi phạm về kích thước thành thùng hàng với tổng số tiền xử phạt trên 10 tỉ đồng.

Năm 2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thanh tra các Sở GTVT đã tiến hành 95.686 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính 77.783 vụ việc vi phạm với số tiền xử phạt 278 tỉ 077,86 triệu đồng, tạm giữ 224 ô tô.

Trong đó đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 16.586 lượt phương tiện vi phạm về tải trọng với tổng số tiền xử phạt trên 167 tỉ đồng; 1.486 phương tiện vi phạm về kích thước thành thùng hàng với tổng số tiền xử phạt trên 10 tỉ đồng.

Trong lĩnh vực đường sắt, tính đến hết tháng 12/2018, đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2.928 trường hợp, phạt tiền 1.627.555.000 đồng.

Ngoài ra, đến tháng 3/2019, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 12.269.918 trường hợp, phạt tiền 7.638 tỷ đồng, tạm giữ 1.914.633 phương tiện, tước giấy phép lái xe.....

"Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ thực thi công vụ hạn chế về nghiệp vụ, chưa nắm vững các qui định có liên quan, chưa phát huy tinh thần trách nhiệm trong quá trình giải quyết, xử lí vi phạm", Bộ GTVT cho biết thêm.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.