'Ma men' lái xe có thể bị tước GPLX 24 tháng, phạt 30 triệu đồng

Đại diện Bộ GTVT cho biết đang nghiên cứu với nhóm hành vi liên quan nồng độ cồn có thể tăng mức xử phạt lên 20-30 triệu, tước GPLX 24 tháng (mức hiện tại từ 16-18 triệu, tước GPLX 4-6 tháng)".
Ma men lái xe có thể bị tước GPLX 24 tháng, phạt 30 triệu đồng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Xử lí vi phạm nồng độ cồn khó khăn vì "ma men" khó kiểm soát hành vi

Ngày 3/5, tại tọa đàm "Cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu bia gây tai nạn giao thông?", thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về ATGT (Cục CSGT) đã chia sẻ một số thông tin.

Cụ thể, thượng tá Nhật cho biết ở các nước đều có những điều kiện ràng buộc trong việc tiếp cận rượu bia đối với người dân như thuế phí, độ tuổi... Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc tiếp cận bia rượu quá dễ dàng.

Theo ông Nhật, năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng đã xử lí hàng trăm ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề "phần ngọn".

Đại diện Cục CSGT cho rằng cần có môi trường pháp lí để người tham gia giao thông không dám vi phạm, không muốn vi phạm.

Ngoài ra, cộng động cũng cần chung tay lên án hành vi uống rượu bia nhưng vẫn tham gia giao thông.

Ông Nhật cũng cho biết, lực lượng CSGT vẫn kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường gần nhà hàng quán nhậu.

Vị này cũng mong muốn người dân có sự chia sẻ với lực lượng CSGT bởi việc xử lí vi phạm bình thường đã gặp khó khăn và việc xử lí người có nồng độ cồn càng khó khăn hơn khi người ta không kiểm soát được hành vi.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết từ lâu chúng ta đã có các qui định liên quan đến việc bảo đảm ATGT. Luật Giao thông đường bộ cũng qui định rõ về nồng độ cồn với người điều khiển ô tô, xe máy.

Theo ông Hùng, trước đây, khi kiến nghị bổ sung chế tài tái vi phạm nồng độ cồn thì có thể tịch thu phương tiện hoặc xử lí hình sự hành vi uống rượu bia vẫn lái xe thì bị phản đối.

"Hiện tại, các kiến nghị trên đang rất được hoan nghênh, ủng hộ", ông Khuất Việt Hùng chia sẻ.

Tăng tiền phạt với nhóm hành vi vi phạm nồng độ cồn cần hợp lí?

Mới đây, Bộ trưởng GTVT đã kí ban hành Chỉ thị trong đó yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu tăng mức phạt với hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.

Theo Nghị định 46 qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Chia sẻ về nội dung này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết với mức phạt tiền như theo Nghị định 46 (mức vi phạm 0,4mg/lít khí thở bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng), nhiều người đã rất lo ngại.

"Chúng tôi sẽ có nghiên cứu cụ thể về vấn đề tăng mức tiền xử phạt, tước GPLX, hình phạt bổ sung...", bà Hiền nói.

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết đơn vị này đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 46 trong đó chú trọng điều chỉnh mức xử lí vi phạm nồng độ cồn.

Tuy nhiên, bà Hiền cho biết cần bổ sung thêm các hình thức xử phạt khác bởi lẽ mức phạt hành chính quá cao sẽ không phù hợp.

Về vấn đề tăng nặng xử phạt, ông Lê Văn Thanh, đại diện Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng cần hiểu là không phải cứ tăng cao là được.

Mức tăng cần phù hợp với thực tế, đảm bảo hiệu lực khi thi hành cũng như đảm bảo tính răn đe với người vi phạm.

"Chúng tôi đang nghiên cứu với nhóm hành vi liên quan nồng độ cồn có thể tăng mức xử phạt lên 20-30 triệu, tước GPLX 24 tháng (mức hiện tại từ 16-18 triệu, tước GPLX 4-6 tháng)", ông Thanh thông tin.

Còn theo Ths. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội), về lâu dài cần thay đổi văn hóa uống rượu; quản lí để người dân khó tiếp cận bia rượu như qui định thời gian, độ tuổi, mức độ uống.

"Vấn đề tăng nặng mức xử phạt là rất cần, tuy nhiên tăng đến mức nào thì cần cân nhắc hợp lí", ông Cường nói.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.