Từ vụ tai nạn ở hầm Kim Liên: Dịch vụ đưa 'ma men' về nhà không dễ thực hiện vì có khách sửng cồ 'tôi chưa say'?

Tình trạng tài xế uống bia rượu say gây tai nạn nghiêm trọng đang là bức xúc trong xã hội nhưng muốn thực hiện việc "bạn uống, tôi lái" cũng không dễ.
Từ vụ tai nạn ở hầm Kim Liên: Dịch vụ đưa ma men về nhà không dễ thực hiện vì có khách sửng cồ tôi chưa say? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Báo Giao thông).

Muốn đưa người say về nhà cũng không dễ

Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan đến việc tài xế sử dụng ma túy, chất kích thích như rượu bia.

Mới đây nhất, rạng sáng 1/5, tài xế Lê Trung Hiếu (SN 1980, Hà Nội) điều khiển xe ô tô con đâm vào một xe máy không BKS khiến 2 người phụ nữ trên xe tử vong. Cơ quan chức năng xác định nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế Hiếu vượt quá qui định, lên tới 0,751 mg/l khí thở.

Trao đổi với chúng tôi ngày 2/5, ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết các vụ tai nạn giao thông liên quan đến uống rượu bia hiện nay đang xảy ra tương đối phổ biến, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

"Các vụ tai nạn giao thông liên quan bia rượu gắn liền với thói quen, tập quán sinh hoạt của người dân là thói quen sử dụng bia rượu", ông Dũng nói.

Theo ông Uông Việt Dũng, nhằm hạn chế tình trạng nêu trên, phía Ủy ban ATGT Quốc gia đã cố gắng nghiên cứu đề xuất nhiều phương án cũng như mô hình. Ví dụ như mô hình nhà hàng vì ATGT.

"Phía Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề nghị một số nhà hàng treo logo, poster tuyên truyền về việc đã uống rượu bia không lái xe. Thậm chí cả những bao đũa cũng in khẩu hiệu tuyên truyền; khách nhậu say được nhân viên quán đưa về nhà.

Ngoài ra, chúng tôi cũng kết hợp phát phiếu giảm giá khi đi taxi, mã khuyến mại khi đi Grab để thực khách khi sử dụng rượu bia có thể dùng các phương tiện này về nhà.

Ủy ban cũng kết hợp với hãng bia rượu, hiệp hội xây dựng "Diễn đàn uống có trách nhiệm" để tuyên truyền về tác hại của bia rượu.

Bản thân chúng tôi đã làm được việc là thuyết phục những người kinh doanh rượu bia tham gia tuyên truyền việc uống có trách nhiệm và uống làm sao cho an toàn", ông Dũng nói.

Tuy nhiên, vị này cho biết, đặc thù sinh hoạt ăn uống của người Việt rất phức tạp. Bên cạnh đó, việc kiểm soát, quản lí hệ thống các nhà hàng, quán nhậu rất khó khăn.

"Để tạo sự lan tỏa đối với các nhà hàng, quán nhậu là rất khó khăn. Trong khi đó, đối với các nhà hàng, quán nhậu, việc hỗ trợ đưa thực khách đã uống rượu bia về nhà không đơn giản khi liên quan nhiều vấn đề", ông Dũng nói.

Các khó khăn để việc nhà hàng, quán nhậu hỗ trợ khách uống rượu bia về nhà có thể kể đến như không có nơi trông giữ xe cho khách, tăng chi phí. "Do đó, việc lan rộng các mô hình này rất khó", ông Dũng nói.

Ngoài ra, ông Dũng cho biết, thông thường, người dân thường tan sở là chạy xe đến quán nhậu. Nếu để xe ở cơ quan, đi phương tiện công cộng đến quán nhậu, nhiều người sẽ tự hỏi ngày mai đi làm bằng gì? Hoặc với nhiều người, xe là tài sản giá trị lớn nên không thể tin tưởng gửi lại quán nhậu.

Theo ông Dũng, 2 năm trở lại đây, Ủy ban ATGT Quốc gia đã triển khai mô hình trên tại nhiều nhà hàng có đông thực khách ở hơn chục tỉnh, TP trong cả nước.

"Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa được như mong muốn, chưa tạo được sự chuyển biến về ý thức của người dân bởi những vấn đề như trên", ông Dũng cho biết.

Vài năm trước, dịch vụ "Bạn uống tôi lái" ra đời ở TP HCM. Đây là dịch vụ cung cấp tài xế thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, kết nối giữa khách hàng là người có xe ô tô và tài xế. Khi sử dụng dịch vụ này, nếu bạn say thì sẽ có tài xế đưa bạn và xe về nhà.

Tuy nhiên, theo ông Uông Việt Dũng, dịch vụ này đối mặt nhiều khó khăn. Ví dụ đơn giản nhất, khi nhân viên quán nhậu đề nghị đưa thực khách uống bia rượu về nhà, nhiều người có thể sửng cồ nói: "Tôi chưa say".

"Nhiều người dân rất chủ quan, không tự ý thức được câu chuyện bảo vệ chính bản thân mình khi đi nhậu.

Bên cạnh đó, mặc dù các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sẵn sàng hỗ trợ đưa người nhậu say về nhà nhưng có một thực tế là họ cũng ngại trách nhiệm.

Bởi lẽ, người nhậu say có thể gây hấn với lái xe, nôn, vệ sinh ra xe khi không thể kiểm soát, không nhớ địa chỉ nhà, khách có bệnh lí phát sinh khi uống bia rượu...", ông Dũng phân tích.

Từ vụ tai nạn ở hầm Kim Liên: Dịch vụ đưa ma men về nhà không dễ thực hiện vì có khách sửng cồ tôi chưa say? - Ảnh 2.

Sau giờ tan sở, đến quán nhậu là "thói quen" của nhiều người. (Ảnh minh họa: Di Linh).

Hạn chế "ma men" lái xe thế nào?

Để hạn chế "ma men" lái xe, ông Uông Việt Dũng cho rằng điều đầu tiên là cố gắng sử dụng pháp luật, thực thi pháp luật thật nghiêm, tạo hiệu ứng nghiêm minh, nghiêm khắc với xã hội.

"Pháp luật cũng cần qui định rõ ràng hơn, hướng dẫn rõ hơn để lực lượng chức năng thực thi có thể áp dụng. Tôi ví dụ như luật hình sự cho phép có thể xử lí hình sự với hành vi chưa gây ra hậu quả nhưng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể hành vi nào.

Chúng ta cũng cần nghiêm túc đánh giá và đề xuất nâng chế tài, nâng tính chất của hành vi uống rượu để có thể áp dụng luật hình sự ở một phạm vi nhất định.

Ví dụ, tài xế chưa gây tai nạn nhưng khi đo nồng độ cồn ở một mức nhất định thì có thể xử lí hình sự. Với mức nồng độ nhẹ hơn có thể nâng mức phạt hành chính.

Xử phạt với hành vi này cần đánh vào kinh tế mạnh mẽ để tạo sự răn đe và ý thức dần dần đối với người dân", ông Dũng nói.

Ở một khía cạnh khách, ông Dũng cũng cho rằng chúng ta cần xây dựng phong trào, mô hình định hướng văn hóa sống lành mạnh cho người dân.

"Chúng ta cần có sự thay đổi về mặt văn hóa, nhận thức trong việc sử dụng bia rượu. "Văn hóa" mời rượu, ép rượu, ép buộc... cần phải thay đổi", ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia tâm lí cho rằng thực trạng bàn giao lưu, bàn công chuyện, đàm phán, kí hợp đồng... trên bàn nhậu đang diễn ra phổ biến.

"Văn hóa nhậu" của chúng ta là ngồi vào bàn phải uống, uống phải hết, rồi ôm chai, cắt cốc, xếp hàng mời qua mời lại... Nếu không thì sẽ bị coi là không nhiệt tình, coi thường anh em bạn bè... Tôi thấy đây là điều rất dở.

Thậm chí, nhiều người "tôn sùng" câu "nam vô tửu như kỳ vô phong". Xin thưa rằng, chất đàn ông không phải từ rượu mà có.

Bên cạnh đó, hiện nay, người uống rượu ngày càng trẻ hóa ở cả nữ giới. Trên mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều những clip nam nữ tuổi vị thành niên thách thức nhau uống rượu, say xỉn.

Tôi cho rằng đây là điều đáng báo động. Chúng ta cần có giải pháp tuyên truyền, giáo dục ngay từ trên ghế nhà trường và ngay từ bây giờ", vị này nói.

Năm 2018, đại diện Bộ Y tế cho biết Việt Nam có 94 triệu dân, mỗi năm tiêu thụ 305 triệu lít rượu, 4,1 tỉ lít bia.

Đáng chú ý, theo đại diện Bộ Y tế, vào năm 2016, lượng tiêu thụ cồn trên 15 tuổi ở nước ta là 8,3 lít cồn nguyên chất.

Ngoài ra, việc sử dụng rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỉ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi từ 15-49 (chiếm 36,2% ở nam giới). Rượu bia cũng là nguyên nhân gây ra của 30 mã bệnh tật; nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh.

"Chi phí chi cho tiền mua rượu bia mỗi năm người dân rất lớn, khoảng 4 tỉ USD/năm", đại diện Bộ Y tế cho hay.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.