Một vụ tài xế say rượu gây tai nạn. (Ảnh: SGGP).
Liên quan tới việc gần đây trên cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng với nguyên nhân đến từ rượu bia, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có qui định về nhà hàng, quán nhậu.
Cụ thể, tại Điều 28 về Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia có qui định "Cơ sở bán rượu, bia phải có biện pháp kiểm tra độ tuổi của người mua rượu, bia để phòng ngừa việc bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi".
Ngoài ra, Điều 28 cũng qui định cơ sở kinh doanh rươu, bia "nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện giao thông hoặc hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện công cộng để đi về sau khi uống rượu, bia".
Trao đổi với chúng tôi về nội dung trên, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc nhà xuất bản GTVT cho biết thời gian qua nhiều vụ lái xe gây tai nạn do ma túy, rượu bia đang gây bức xúc trong xã hội.
"Tôi được biết một số nhà hàng có dịch vụ đưa khách nhậu say về nhà. Đây là biện pháp tốt, mang tính xã hội nhưng không phải dễ làm.
Việc nhắc nhở thực khách không tự lái xe về cũng không dễ khi ở nước ta quán nhậu quá phổ biến.
Bên cạnh đó, khi nhắc nhở, bản thân người say có bao giờ nhận mình say? Tuy nhiên, đây cũng có thể là giải pháp nhằm giảm bớt tình trạng "ma men" cầm lái", TS Thủy nói.
Với nhiều ý kiến cho rằng thể hạn chế lượng bia rượu bán cho thực khách ở quán nhậu, hoặc không bán cho người dưới 18 tuổi, TS Thủy cho rằng làm rất khó.
"Ai cũng muốn bán nhiều khi lợi nhuận, đồng tiền làm mờ mắt. Người uống muốn uống, người bán chạy theo lợi nhuận nên không dễ làm", TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.
Theo ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, hậu quả uống bia rượu gây tai nạn là luận cứ quan trọng xây dựng Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
"Trong Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có các chế tài, quản lí cũng như tuyên truyền. Chúng tôi hi vọng luật thông qua sẽ có tác động mạnh với toàn xã hội.
Việc nhắc nhở của nhà hàng, quán nhậu như trong dự thảo luật đã được Ủy ban ATGT triển khai từ lâu. Đây là giải pháp tốt tuy nhiên muốn thay đổi ý thức chủ quan của người dân và đặt biệt là người đang trong tình trạng say rượu cũng không dễ dàng", ông Dũng đánh giá.
(Ảnh: Báo Thanh tra).
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa kí ban hành Chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia.
Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành thực hiện nghiêm qui định pháp luật khi tham gia giao thông; không sử dụng rượu bia, các chất có cồn khác khi điều khiển phương tiện và xử nghiêm trường hợp vi phạm.
Chỉ thị này cũng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Vụ ATGT và các đơn vị có liên quan nghiên cứu tăng mức phạt với một số nhóm hành vi vi phạm, đặc biệt liên quan đến nồng độ cồn vượt phép khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 46.
Bộ GTVT cũng đề nghị Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phòng chống và xử lí vi phạm quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người lái xe cơ giới đường bộ năm 2019 và kì cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2020.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về ATGT (Cục CSGT), lực lượng chức năng đã xử lí hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong năm 2018.
Được biết, trong 4 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng cũng xử lí gần 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Vị này cho rằng, ngoài vấn đề kiểm soát bằng pháp luật, xử lí nghiêm của lực lương chức năng cũng cần sự lên án của cộng đồng với hành vi uống rượu lái xe.
Điều 28. Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia (dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia)
1. Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hoạt động kinh doanh của cơ sở theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; thông tin về rượu, bia phải bảo đảm chính xác, khoa học.
2. Tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh rượu, bia; quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ghi nhãn hàng hóa đối với rượu, bia.
3. Không được sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
4. Thu hồi và xử lý rượu, bia không bảo đảm chất lượng, an toàn do cơ sở sản xuất, mua bán theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
5. Cơ sở bán rượu, bia phải có biện pháp kiểm tra độ tuổi của người mua rượu, bia để phòng ngừa việc bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện giao thông hoặc hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện công cộng để đi về sau khi uống rượu, bia; không bán rượu, bia phía ngoài cổng cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học trong phạm vi 100 mét (m) tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.
6. Tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại cơ sở và tuân thủ các quy định khác tại Luật này.