Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Kịp thời gỡ khó cho nhà thầu để hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công

Phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra chiều 10/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ đạt 37% là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, để có thể giải ngân hết 63% còn lại trong 6 tháng cuối năm là cả một vấn đề.

“ 6 tháng cuối năm, Lãnh đạo Bộ tập trung tối đa lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh hơn nữa đi hiện trường và làm việc với các địa phương để kịp thời gỡ khó cho các nhà thầu. Từ đó, hy vọng hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm nay”, Bộ trưởng nhấn mạnh

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Vụ Kế hoạch - Đầu tư tham mưu có chế tài xử lý với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án giải ngân không đạt tiến độ. Các chủ đầu tư bám sát công trường, tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật liệu, đảm bảo nhà thầu có đủ năng lực tài chính; tranh thủ thời tiết thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án cao tốc đúng yêu cầu; kịp thời báo cáo Bộ tháo gỡ những vấn đề vượt thẩm quyền của ban quản lý dự án và chủ đầu tư; điều chuyển các dự án giải ngâm chậm...

Bên cạnh vấn đề giải ngân vốn, một trong những nội dung khác được Bộ trưởng nhấn mạnh tại cuộc họp đó là vấn đề thu phí đường bộ cao tốc. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Vụ Tài chính sớm hoàn thiện và trình đề án thu phí đường bộ cao tốc do ngân sách Nhà nước đầu tư, xử lý tồn tại bất cập của các dự án BOT cũng như đẩy nhanh việc đấu thầu đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ cao tốc giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1)…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị sức hoàn thành giải ngân vốn được giao. (Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN).

Đánh giá về kết quả 6 tháng đầu năm của Bộ Giao thông Vận tải,  Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận, 6 tháng đầu năm nay dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, nỗ lực cố gắng của tập thể toàn ngành, Bộ Giao thông Vận tải cơ bản hoàn thành các mặt công tác đề ra.

Để hoàn thành các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm nay, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan đơn vị bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, tham mưu kịp thời các nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng, tiến độ về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

Đi sâu từng lĩnh vực, Bộ trưởng chỉ đạo các cục chuyên ngành cần tăng cường thanh kiểm tra quản lý về đường thủy nội địa; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; kiểm soát chặt chẽ slot (điều phối giờ cất, hạ cánh) của các hãng hàng không. Sở Giao thông Vận tải địa phương tăng cường thanh kiểm tra, thông qua công nghệ có chế tài xử lý nghiêm vi phạm hoạt động vận tải.

Cục Đường bộ Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường phòng chống tham nhũng tiêu cực, triển khai thanh kiểm tra đào tạo lái xe... Cùng với đó, tăng cường bảo trì đường bộ, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, khắc phục những bất cập về hạ tầng, tổ chức giao thông; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

Phía Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm gắn liền với tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, lãng phí. Rà soát các quy định liên quan đến cơ chế tài chính, giá dịch vụ, phí, lệ phí kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Cơ quan này cũng khẩn trương xây dựng Đề án “Đổi mới công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm”, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ, phân cấp quản lý đến địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh việc phân cấp cho địa phương trong công tác quản lý hoạt động kiểm định trên địa bàn theo hướng rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương. Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm, đảm bảo công khai, minh bạch, ngăn ngừa sự can thiệp vào hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp…

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), trong tổng số hơn 95.200 tỷ đồng kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023, lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng giải ngân đạt hơn 35.600 tỷ đồng (đạt 37% kế hoạch năm).

Kết quả trên cao hơn mức trung bình chung cả nước. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, trung bình mỗi tháng, Bộ Giao thông Vận tải phải giải ngân khoảng 9.000 tỷ đồng, cao gấp khoảng 1,5 lần mức trung bình ở những tháng trước.

Trong tổng số hơn 35.600 tỷ đồng được Bộ Giao  thông Vận tải giải ngân 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tập trung chủ yếu ở các dự án cao tốc Bắc - Nam (24.466 tỷ đồng, chiếm khoảng 69% giá trị giải ngân của cả Bộ Giao thông Vận tải).

Cụ thể, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017-2020) giải ngân hơn 7.000 tỷ đồng, đạt gần 41% kế hoạch năm; các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025)  giải ngân hơn 17.400 tỷ đồng, đạt hơn 38%; các dự án trọng điểm, cấp bách giải ngân 338 tỷ đồng, đạt 18%; các dự án ODA giải ngân gần 4.500 tỷ đồng, đạt hơn 57%; các dự án trong nước khác giải ngân 6.350 tỷ đồng, đạt gần 28% kế hoạch năm.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.