Bầu không khí lúc 8 giờ sáng nay, 2/9, tại khu vực Hoàng Mai, Thanh Trì. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Liên tiếp những tháng gần đây, các đô thị lớn trên cả nước, đặc biệt là thành phố Hà Nội luôn chìm trong “báo động đỏ” ô nhiễm không khí. Thậm chí, có thời điểm còn “xấu” tới mức nằm trong top thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Dù kết quả quan trắc từ các phần mềm, ứng dụng online Pam Air - “bản đồ ô nhiễm không khí” vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng có một thực tế cần phải thẳng thắn thừa nhận, đó là “các đô thị lớn của Việt Nam đang bị ô nhiễm không khí.”
Trong đó, một trong những hoạt động thường xuyên phát thải khí, bụi làm “nhiễm bẩn” bầu không khí đô thị là do xây dựng các công trình, hoạt động giao thông...
Nhìn nhận từ góc độ quản lý đô thị, ông Trần Quang Thái - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, nguyên nhân khiến ô nhiễm tại các đô thị lớn ngày càng “xấu” là do sự gia tăng về các hoạt động kinh tế, giao thông, xây dựng, và cả ý thức tiêu dùng, phát thải của chính con người, nhất là tại các đô thị.
Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, thì đây là vấn đề đáng quan tâm. Để tiếp cận được câu chuyện này, thứ nhất là về mặt các quy định đối với các cấp. Bộ Xây dựng cũng đã có quy định về bảo vệ môi trường đối với các công trình xây dựng. Theo đó, các chủ đầu tư, chủ thầu phải có trách nhiệm đảm bảo môi trường.
Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, trình Thủ tướng ban hành kế hoạch quốc gia về phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, với những giải pháp căn cơ, hạn chế tác động bất lợi tới môi trường.
Trong đó đưa ra 3 giải pháp là, lồng ghép trong công tác quy hoạch đô thị, định hướng quy hoạch, giảm thiểu phương tiện đi lại, và lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu. Tăng cường các chương trình đầu tư, xây dựng các mục tiêu tăng trưởng xanh.
Giải pháp quan trọng nhất là, quản lý đô thị hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Trong vấn đề này, Bộ xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BXD quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, được hướng dẫn, giám sát định kỳ tại các thành phố trực thuộc Trung ương, các đô thị loại I, II, III, IV và V.
Thông tư này gồm có 24 chỉ tiêu được chia thành 4 nhóm. Trong đó, nhóm chỉ tiêu môi trường gồm 10 chỉ tiêu, nhằm đánh giá về chất lượng môi trường và cảnh quan đô thị; mức độ áp dụng các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo; bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm, xả thải, phát thải khí nhà kính trong phát triển đô thị.
“Đây là việc rất khó đối với các đô thị, nhất là trong bối cảnh có quá nhiều vấn đề sức ép về phát triển, nên các đô thị có quan tâm được hay không,” ông Thái lưu ý.
Tuy vậy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cũng khẳng định, hiện tại, một số đô thị lớn đã và đang triển khai lập báo cáo triển khai, giám sát thực hiện. Theo đó, với 24 chỉ tiêu này, các đô thị sẽ có cơ sở giám sát các vấn đề cụ thể, điểm nào phát triển nóng hơn về môi trường, thì phải có thông kế và đưa ra biện pháp xử lý.
Ví dụ, ở Hà Nội, một năm có bao nhiêu “dự án xanh,” bao nhiêu “dự án tác động xấu tới môi trường,” có bao nhiêu km đường dành cho xe đạp, có bao nhiêu phương tiện không phát thải khí C02 được sử dụng?... Những chỉ tiêu cụ thể này cân phải được quan tâm và thống kê rõ ràng, để có hướng phát triển đô thị xanh.
“Chúng tôi hy vọng, từng bước và lâu dài, các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có những chỉ tiêu môi trường, phát triển đô thị gắn với tăng trưởng xanh rõ ràng, cụ thể. Từ đó để đưa vào áp dụng, góp phần cho môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp hơn,” ông Thái nhấn mạnh.