Hà Nội và TP HCM ô nhiễm không khí: Tổng cục Môi trường khuyến cáo những ai nên hạn chế ra ngoài?

Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân và đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời, nếu có nhu cầu ra ngoài cần trang bị khẩu trang, đeo kính che mắt.
File0208

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP HCM khiến người dân khốn khổ khi phải đi ra ngoài đường. (Ảnh: Di Linh).

Ngày 1/10, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã cung cấp thông tin về vấn đề chất lượng không khí ở TP Hà Nội và TP HCM trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, Tổng cục cho biết, tháng 9/2019, vấn đề chất lượng không khí tại các đô thị nêu trên được nhiều người dân quan tâm khi chỉ số AQI của Hà Nội ở mức kém, ở TP HCM cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hoá gây cản trở tầm nhìn.

"Đây là hiện tượng thường gặp trong thời gian này do đây là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có", Tổng cục Môi trường cho hay.

Tháng 9, Hà Nội không có mưa khiến nồng độ bụi cao?

Theo Tổng cục, tại Hà Nội, trong thời gian từ ngày 12/9 đến ngày 29/9, chất lượng không khí (AQI) liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.

Tuy nhiên, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Theo số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố (1 trạm của Tổng cục Môi trường (tại 556 Nguyễn Văn Cừ), 11 trạm của TP Hà Nội và 1 trạm của Sứ quán Mỹ) đo được trong khoảng thời gian trên, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng trong thời gian từ ngày 12-17/9.

Sau đó giảm từ ngày 18-22/9 và tăng cao trở lại, duy trì liên tiếp trong các ngày từ 23-29/9.

Trong các ngày từ 15-17/9 và 23-29/9 có đến trên 75% giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ của các trạm vượt tiêu chuẩn qui định tại QCVN 05:2013/BTNMT.

20191001

Biểu đồ diễn biến nồng độ bụi PM2.5 trung bình tháng các năm từ 2013-2019.

Đặc biệt trong các ngày từ 25 đến 29/9, toàn bộ các trạm đều có giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt tiêu chuẩn qui định tại QCVN 05:2013/BTNMT.

"Kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các trạm trong các ngày từ 12-29/9 cho thấy, chỉ có 5/18 ngày có AQI ở mức trung bình (ngày 12, 18, 19, 21 và 22/9), các ngày còn lại chỉ số AQI luôn ở mức kém (AQI>100).

AQI có xu hướng gia tăng và duy trì ở mức cao trong các ngày từ 23-29/9, nhiều trạm AQI ngày đã tăng cao gần tới mức xấu, đặc biệt trong ngày 29/9 còn ghi nhận giá trị AQI ngày của trạm Đại sứ quán Mỹ đã vượt mức xấu (AQI>200)", Tổng cục thông tin.

Đáng chú ý, đơn vị này cho biết, các khoảng thời gian ghi nhận giá trị PM2.5 tăng và duy trì ở mức cao thường là đêm và sáng sớm.

Chỉ số AQI những khoảng thời gian này cũng ở mức kém (AQI>100), thậm chí có những giờ lên đến mức xấu (AQI>200).

Đặc biệt, trong sáng ngày liên tiếp các ngày từ 25-30/9 ghi nhận một số trạm AQI giờ đã vượt ngưỡng 200, ở mức xấu. Tuy nhiên, AQI giờ ở mức xấu chỉ có tại 1 số vị trí và có tính thời điểm.

File0215

Không khí ô nhiễm, bụi bặm công trường ở Hà Nội. (Ảnh: Di Linh).

Về chất lượng không khí qua các năm ở Hà Nội, Tổng cục cho biết qua theo dõi diễn biến từ năm 2010 đến nay cho thấy, nồng độ bụi PM10 và PM2.5 có xu hướng giảm.

Đối chiếu với kết quả quan trắc từ trạm của Đại sứ quán Mỹ trong giai đoạn từ 2016 - 2018 cũng cho thấy xu hướng tương ứng đối với nồng độ PM2.5.

So sánh nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng qua các năm từ 2013 – 2019 cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng năm 2019 có xu hướng giảm qua các năm.

Riêng tháng 9, nồng độ bụi tăng mạnh so với các tháng trước đó và so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018.

Về nguyên nhân chất lượng không khí ở Hà Nội kém, Tổng cục Môi trường cho biết xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại các thành phố phía Bắc Việt Nam, trong đó có Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu.

"Nhận định sơ bộ nguyên nhân PM2.5 tăng cao do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.

Đặc biệt vào thời gian sáng sớm, là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp.

Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn.

Bên cạnh đó, những ngày này, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí", Tổng cục cho biết.

Ngoài ra, theo dõi về lượng mưa trong tháng 9 các năm từ 2013-2019 cho thấy, năm 2019 có lượng mưa thấp nhất, liên tiếp trong nhiều ngày (từ 21-30/9), toàn bộ khu vực Hà Nội không có mưa.

"Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến trong thời gian này", Tổng cục thông tin.

File0204

Người mắc bệnh hô hấp nên hạn chế ra ngoài. (Ảnh: Di Linh).

Trẻ em, người mắc bệnh... nên hạn chế ra ngoài

Tại TP HCM, Tổng cục cho biết tháng 9 cũng là thời điểm giao mùa (cuối mùa mưa, đầu mùa khô), điều kiện thời tiết bất lợi dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt làm giảm khả năng hòa trộn và phát tán các chất ô nhiễm trong không khí, cũng như làm xuất hiện tượng sương mù quang hóa. Chất lượng không khí cũng có những diễn biến theo chiều hướng xấu.

"Theo báo cáo của Sở TN&MT TP HCM, hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra trên địa bàn thành phố mang tính chu kì vào khoảng 6 – 7 ngày trong khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm.

Năm nay, hiện tượng này đã xảy ra trong thời gian từ ngày 18-22/9", Tổng cục Môi trường cho biết.

Theo đơn vị này, tổng hợp kết quả quan trắc của Sở TN&MT TP HCM và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM cho thấy, từ ngày 1-23/9 có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí, tuy nhiên nồng độ bụi PM2.5 phần lớn vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.

"Trong khoảng thời gian này và những ngày tiếp theo, với đặc điểm thời tiết giao mùa, ban ngày nắng khá mạnh, hanh khô, ban đêm nhiệt độ không khí mặt đất khá thấp, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn, nồng độ bụi PM2.5 có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, đặc biệt là vào buổi đêm và sáng sớm.

Do đó, người dân và đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời, nếu có nhu cầu ra ngoài cần trang bị khẩu trang, đeo kính che mắt", Tổng cục khuyến cáo.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.