Chỉ số chất lượng không khí và mức độ tiếp xúc bụi PM2.5 tại TP HCM vào sáng 23-9. Ảnh chụp từ phần mềm Air Visual, Mỹ. (Ảnh: XUÂN MAI)
Theo các chỉ số AQI (viết tắt của Air Quality Index, có nghĩa là chỉ số chất lượng không khí cho biết tình trạng ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người) đo được từ phần mềm Air Visual, Mỹ), chỉ số AQI chung ở TP HCM vào sáng 23/9 là 128.
Chỉ số này cảnh báo công chúng nói chung và những người nhạy cảm nói riêng có nguy cơ bị kích ứng và dễ mắc các vấn đề hô hấp.
Đáng chú ý, phần mềm này cảnh báo mức độ tiếp xúc bụi PM2.5 tại TP HCM tại hai vị trí ở nhà và ngoài trời cũng vượt khuyến cáo (10,0 µg/m3). Cụ thể, ở nhà là 16 µg/m3, ngoài trời là 26 µg/m3.
Qua theo dõi nhận thấy, các chỉ số và mức độ này có dấu hiệu tăng dần khi về trưa.
Sương mù trên đường Mai Chí Thọ, quận 2, TP HCM. (Ảnh: CHÂU TUẤN)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), PM2.5 (chất dạng hạt có đường kính < 2,5 micromet) là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người, các hạt này có thể xâm nhập sâu vào cơ thể người do có kích thước siêu nhỏ.
Chất dạng hạt ảnh hưởng đến nhiều người hơn bất kì chất gây ô nhiễm nào khác và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe ngay cả ở nồng độ thấp.
Thạc sĩ Vũ Xuân Đán - Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe lao động và Môi trường, Sở Y tế TP HCM, cho biết quá trình hô hấp là đưa oxy vào phổi. Tại phổi, oxy tiếp xúc với máu, trong máu có chất hemoglobin, chất này kết hợp với oxy, mang oxy đến các tế bào.
Bụi mịn cộng với khí CO hay SO2, NO2 nhiều sẽ cản hemoglobin kết hợp oxy khiến tế bào thiếu oxy. Đây là căn nguyên gây ra kích ứng mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi... và những bệnh về hô hấp.
Theo đó, nguồn phát sinh phơi nhiễm với bụi mịn hiện nay tại TP HCM là từ bụi đất, bụi giao thông, bụi công nghiệp, bụi do hoạt động bên trong nhà và bụi từ đại dương.
Để giảm thiểu sự tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe, Thạc sĩ Đán khuyến cáo người dân cần giảm thiểu thời gian tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm và các hoạt động thể lực (lao động, thể dục và sinh hoạt) gần nguồn phát sinh bụi.
Song đáng chú ý hơn cả là cần mang khẩu trang phù hợp khi ở trong môi trường có nồng độ bụi cao (khẩu trang phải đảm bảo chất lượng, chủng loại, đúng cách, đảm bảo độ kín).
Nhóm người nghèo nguy cơ nhiễm bụi PM 2.5 cao hơn
Theo báo cáo "Đánh giá phơi nhiễm bụi cá nhân PM2.5 và nguồn phát sinh của người dân sống gần 2 trạm quan trắc môi trường ở TP HCM" của Thạc sĩ Vũ Xuân Đán, nguồn gốc phát sinh phơi nhiễm bụi PM 2.5 của nhóm người nghèo đa dạng hơn so với nhóm người không nghèo vì những thói quen sinh hoạt trong gia đình.
Cụ thể, đối với người nghèo có đến 5 nguồn phát sinh phơi nhiễm bụi PM 2.5 (bụi đất, bụi giao thông, bụi công nghiệp, bụi do hoạt động bên trong nhà, bụi giao thông và bụi đại dương); còn người không nghèo thì ít hơn (bụi giao thông, bụi công nghiệp và bụi đại dương).