Cạnh tranh gói cước
Tháng 10/2016, VNPT Vinaphone, Viettel, MobiFone và Gtel được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G. Chậm chân nhất là Vietnamoblie, đến tận cuối tháng 12/2017 mới chính thức được cấp phép.
Thực tế cuộc đua “lên đời” 4G hiện chỉ đang diễn ra với ba đại gia lớn là Viettel, VinaPhone, MobiFone. Chỉ sau hơn 4 tháng triển khai rầm rộ, mạng 4G của Viettel đã có mặt rộng khắp ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước, phủ sóng tới 704 quận, huyện, tương đương với gần 99% tổng số quận, huyện của Việt Nam.
Sau “phát súng” phủ sóng 4G toàn quốc của Viettel vào tháng Tư, MobiFone và VinaPhone đã dần đưa dịch vụ này vào cuộc sống. Riêng VinaPhone đã triển khai nhanh khoảng 21.000 trạm 4G đảm bảo vùng phủ sóng rộng khắp.
Cuộc đua giá cước giữa các nhà mạng
MobiFone sẽ thực hiện chiến lược phủ sóng “vết dầu loang”, ban đầu tập trung ở trung tâm các tỉnh, thành phố lớn rồi sau đó tới các huyện, xã vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, Gtel chưa đưa ra bất cứ thông tin chính thống nào cho giới truyền thông về chiến lược triển khai 4G của mình.
Cục diện thị trường viễn thông đã có nhiều thay đổi trong cuộc đua 4G, các nhà mạng cung cấp dịch vụ tuy chiến lược có khác nhau, song đều quyết tâm nâng cao chất lượng, lấy chất lượng làm vũ khí cạnh tranh.
Viettel là nhà mạng đầu tiên đưa các gói cước 4G đến người dùng. Đi sau đối thủ và tìm hiểu thị trường, MobiFone và Vinaphone tung ra gói cước cạnh tranh hơn. So sánh các gói cước 4G tương đương (cùng giá) về giá cước giữa các nhà mạng kể trên, có thể thấy, các gói 4G của VinaPhone và MobiFone (niêm yết) đều đã “vượt mặt” gói 4G của Viettel về dung lượng.
Không kém cạnh, Viettel tung ra thị trường gói cước 4G không giới hạn. Với sự kiện này, Viettel là nhà mạng đầu tiên đưa ra gói cước “trọn gói” cho người tiêu dùng. Bởi trước đó, ba nhà mạng này đều có các gói cước 4G với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, khi hết dung lượng, người dùng phải đăng ký lại gói hoặc mua thêm data để sử dụng.
Cùng lúc với việc tung ra các gói cước được xem là rẻ hơn 3G trước đây, các nhà mạng cũng bổ sung vào hệ sinh thái 4G những dịch vụ bằng việc “bắt tay” với các đại gia công nghệ, tung ra thêm những gói cước để truy cập Facebook hoặc YouTube, iflix (trả phí nhất định và miễn data khi truy cập),... để thu hút khách hàng. Đối với ai đang sử dụng gói cước chi phí thấp hoặc bị giới hạn dung lượng sẽ thực sự cảm thấy hữu ích với điều này.
Bên cạnh cuộc đua giảm cước, mỗi nhà mạng đều cố gắng tận dụng các ưu thế của mình để đem đến những ưu đãi hấp dẫn.
Chạy đua đón khách tương lai
Sau khi 3 nhà mạng chính thức cung cấp dịch vụ 4G thì có 6,3 triệu thuê bao băng rộng di động đã đổi sang SIM 4G, nhưng chỉ có 3,5 triệu thuê bao đang sử dụng dịch vụ 4G.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm hiện tại, số thuê bao 4G của Việt Nam ít nhất là trên 10 triệu. Tốc độ phát triển dịch vụ 4G như vậy là còn chậm, chưa nhanh so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.
Ông Mantosh Malhotra, Phó Chủ tịch Qualcomm Đông Nam Á, cho hay: Thường thì phải mất một thời gian lâu hơn để bất kỳ một công nghệ nào đạt số đông người dùng. Do đó, thời điểm này vẫn còn sớm để đánh giá mức độ nhiệt tình đón nhận công nghệ 4G tại Việt Nam.
Người dùng vẫn chưa hài lòng về 4G
Tại hội thảo quốc tế về 4G LTE do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với IDG Việt Nam tổ chức, lần đầu tiên IDG đã công bố khảo sát về dịch vụ 4G. Theo đó, người dùng 4G ở Hà Nội và TP.HCM chiếm 88%. Nhà mạng Viettel có số lượng người dùng 4G đông nhất là 52%, MobiFone là 27%, VinaPhone là 21%
Đánh giá về mức độ dịch vụ 4G đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng, có 5,7% người dùng cho rằng đặc biệt tốt; 37,3% khá tốt; 50,1% cho là dịch vụ dùng bình thường; 6,1% cho là không đáng kể.
Đánh giá về chất lượng dịch vụ 4G đang sử dụng có 6,1% xếp hạng chất lượng rất cao; 40,7% cho rằng chất lượng cao; 47,7% bình thường; 4,8% xếp là kém chất lượng; 0,7% là rất kém. Khảo sát cũng cho biết, 56% số người được hỏi dùng 4G cho giải trí và chỉ có 29% cho công việc.
Về mức độ hài lòng của dịch vụ 4G, có 56% người hài lòng về chất lượng dịch vụ 4G, 7% chưa hài lòng về tính ổn định; 5,8% chưa hài lòng về chất lượng, 81% không hài lòng về chương trình khuyến mãi và tư vấn của nhà mạng, 17% chưa hài lòng với giá và gói cước.
Thực tế, tuy mức cước dữ liệu 4G tại Việt Nam được đánh giá là thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng do đặc thù công nghệ, dùng 4G với tốc độ nhanh, nên nếu dùng nhiều sẽ nhanh hết gói cước.
Đánh giá về thị trường, ông Mantosh Malhotracho rằng, tăng trưởng 4G tại Việt Nam hết sức ấn tượng và dự báo đến năm 2020, 67% số lượng thiết bị bán ra tại thị trường Việt Nam sẽ hỗ trợ kết nối 4G LTE và thuê bao 3G và 4G có thể sẽ lên tới con số 120 triệu.
Có thể nói, miếng bánh 4G còn rất lớn. Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, để tăng lượng người dùng, nhà mạng phải tiếp tục đầu tư vào hạ tầng 4G và tối ưu hóa mạng lưới để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng