Buýt nhanh Hà Nội 'trơn tru' trong ngày đầu chạy chính thức

Ngày 31/12/2016, buýt nhanh Hà Nội bắt đầu chạy chính thức với tần suất khoảng 7 phút/chuyến.
 
ngay dau chay chinh thuc buyt nhanh ha noi the nao
Buýt nhanh Hà Nội ngày đầu chạy chính thức "trơn tru" vì đường vắng. Ảnh: Đoàn Lê

Xe buýt nhanh chạy "trơn tru" vì đường vắng

Sáng 31/12, Sở GTVT Hà Nội và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội chính thức đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên trên địa bàn Thủ đô sau nhiều ngày chạy thử nghiệm.

Được biết, buýt nhanh BRT chạy với tần suất 5-10-15 phút/chuyến, thời gian di chuyển từ bến xe Kim Mã tới bến xe Yên Nghĩa khoảng 45 phút/chuyến. Tuyến buýt hoạt động từ 5 - 22 giờ hàng ngày, giá vé 7.000 đồng/lượt; miễn phí cho hành khách đến hết ngày 31/1/2017.

Trao đổi với PV sáng 1/1/2017, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết tuyến buýt nhanh BRT ngày đầu chạy chính thức tương đối "ổn định". "Ngày chạy chính thức vào thứ 7 cuối năm, lượng phương tiện tham gia giao thông giảm nên xe buýt vận hành ổn định, hầu hết đảm bảo thời gian 45 phút/lượt như dự kiến", ông Hải cho biết.

Cũng theo ông Hải, hiện đơn vị đang thống kê số chuyến trong ngày chạy chính thức, ước tính buýt nhanh chạy được khoảng 260 chuyến ngày 31/12 với tần suất 7 phút/chuyến. "Giao thông ngày đầu thông thoáng nên không có sự cố. Người dân đang trong thời gian nghỉ lễ nên đi khá đông. Tôi có trực tiếp hỏi người dân đi xe và nhận được phản hồi tốt", ông Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, trong khoảng thời gian chạy thử trước đó, việc khớp nối kỹ thuật khá ổn định, tuy nhiên việc đảm bảo thời gian thì khó hơn bởi còn phụ thuộc vào hiện trạng giao thông. Đáng chú ý là theo vị này thì có chuyến buýt nhanh chạy tới hơn 60 phút/lượt.

Về việc khớp nối xe với nhà chờ chưa chuẩn 100%, ông Hải cho rằng lái xe sẽ căn chỉnh chính xác hơn trong thời gian tới để hệ thống cửa kính tự động của nhà chờ có thể mở cửa tự động.

ngay dau chay chinh thuc buyt nhanh ha noi the nao
Trong thời gian chạy thử nghiệm, nhiều xe ô tô, xe máy đi vào làn xe buýt nhanh bởi lưu lượng tham gia giao thông tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã quá đông. Ảnh: Đoàn Lê

Chưa xử phạt người dân lấn làn xe buýt nhanh

Theo ông Hải, thời gian chạy thử nghiệm, tuyến buýt nhanh đã có một số điều chỉnh về làn rẽ, đèn tín hiệu và sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian chạy chính thức. "Chúng tôi sẽ tiếp tục với các cơ quan chức năng tuyên truyền nhắc nhở người dân lấn làn, tạt đầu xe buýt trong thời gian tới và tập trung điều hành ổn định", ông Hải nói.

Trao đổi với PV, lãnh đạo đội CSGT số 3 cho biết cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nhắc nhở người dân chứ chưa thể xử lý ngay được các hiện tượng vi phạm giao thông của tuyến xe buýt nhanh. Việc xử lý các vi phạm khá khó khăn tại các thời điểm người tham gia giao thông đông trong khi lực lượng chức năng phải hỗ trợ phân làn, điều khiển phương tiện.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo lực lượng thanh tra GTVT bố trí lực lượng đảm bảo ATGT, trật tự giao thông trên tuyến, không để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Công an Thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo các lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng khác có liên quan hướng dẫn, điều hành giao thông tại các nút giao và trên dọc hành lang tuyến BRT.

UBND các quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; đồng thời, tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị tại phạm vi nút giao trong quá trình khai thác, vận hành tuyến BRT 01.

Hợp phần BRT là một trong 3 hợp phần của Dự án Phát triển giao thông đô thị có nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, thông qua hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới năm 2007. Tuyến buýt BRT Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa không chỉ là tuyến đầu tiên của Hà Nội mà còn của cả nước.
chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.