Theo đó, đối với phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công, sau khi xem xét Tờ trình của UBND thành phố, Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến của các đại biểu tại kỳ họp, HĐND thành phố quyết nghị Phê duyệt điều chỉnh Văn kiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật "Chuẩn bị dự án đầu tư Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai. Đồng thời hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị" (sử dụng vốn không hoàn lại của ADB và EU).
Trong số 27 dự án trình, HĐND thành phố Hà Nội thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư 25 dự án thuộc lĩnh vực giao thông đô thị, văn hóa - xã hội, thủy lợi đê điều. HĐND thành phố không thông qua 2 dự án là Dự án cải tạo hè phố Núi Trúc và hè phố Nam Cao (do chưa được bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn, cần xem xét lại thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện trạng…) và Dự án tu bổ di tích cách mạng kháng chiến Quán cơm cụ Tắc-Cây gạo chợ Bỏi (do UBND thành phố đề nghị tiếp tục được rà soát và trình tại kỳ họp tiếp theo).
Đáng chú ý, đối với nội dung Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố, HĐND thành phố Hà Nội thống nhất chưa thông qua 21 dự án phát triển nông thôn mới nâng cao vì chưa được UBND thành phố giải trình thỏa đáng về sự phù hợp với nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn. HĐND thành phố Hà Nội đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát, bổ sung cho chặt chẽ, đúng quy định và phù hợp thực tế để trình HĐND thành phố tại kỳ họp tiếp theo.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, năm 2023, toàn thành phố đã giải ngân kế hoạch đầu tư công đạt 95% kế hoạch thành phố giao và 115,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây cũng là năm có kế hoạch vốn lớn, kết quả giải ngân tốt trong những năm gần đây. Phát huy kết quả đó, năm 2024, kế hoạch đầu tư công của thành phố tăng hơn 72,3% so với kế hoạch đầu năm 2023; khối lượng các công trình, dự án là rất lớn, nhiều việc khó, phức tạp trong quá trình thực hiện.
Do đó, HĐND thành phố Hà Nội đề nghị UBND thành phố tập trung chỉ đạo, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết, tháo gỡ vướng mắc; đồng thời, chỉ đạo rà soát, thống kê phân loại rõ số lượng dự án đã phê duyệt chủ trương, đã phê duyệt dự án, khởi công; đánh giá tiến độ thực hiện của từng dự án; xác định cụ thể nguyên nhân chậm triển khai trong từng khâu và đề xuất các giải pháp cụ thể.
Đối với các dự án không có khả năng triển khai, HĐND thành phố Hà Nội đề nghị UBND thành phố kiên quyết cắt giảm để bố trí nguồn lực cho các dự án có tính khả thi cao, dự án trọng điểm, dự án cấp bách, giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc. Cụ thể như vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; có kế hoạch đầu tư các lĩnh vực và việc xây dựng nông thôn mới cũng như đồng bào dân tộc thiểu số; đường sắt đô thị; công viên, vườn hoa, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các chương trình cấp nước sạch, xử lý rác thải, nước thải, thoát nước, bảo vệ môi trường.