Rà soát để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị UBND Thành phố khẩn trương rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Các đại biểu thông qua Nghị quyết của hội nghị chuyên đề BCH Đảng bộ Hà Nội. (Ảnh: VGP/GH)

Rà soát dự án không có khả năng triển khai, tập trung cho dự án khả thi

Phát biểu kết luận hội nghị chuyên đề ngày 27/3, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, để đảm bảo kế hoạch đầu tư công năm 2024 có tính khả thi, hiệu quả và khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong khâu tổ chức thực hiện nhất là khâu chuẩn bị đầu tư: chủ trương đầu tư, Dự án đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, BCH Đảng bộ Thành phố yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND Thành phố khẩn trương rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công.

Đối với cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp Thành phố, BCH Đảng bộ Thành phố thống nhất về chủ trương Thành phố cần rà soát đảm bảo cập nhật đầy đủ các Nghị quyết của HĐND Thành phố về kế hoạch đầu tư công cũng như các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao bổ sung vốn ngân sách Trung ương cho Hà Nội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thành phố.

Đồng thời, trên cơ sở danh mục trong giai đoạn 2024 - 2025 còn lại, tập trung đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm, rà soát, thống kê phân loại rõ số lượng dự án đã phê duyệt chủ trương, đã phê duyệt dự án; đánh giá tiến độ thực hiện của từng dự án; xác định cụ thể nguyên nhân chậm triển khai trong từng khâu và đề xuất giải pháp cụ thể.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu rà soát các dự án không có khả năng triển khai để cắt giảm và tập trung nguồn lực bố trí vốn cho các dự án có tính khả thi cao, dự án trọng điểm, dự án cấp bách, giải quyết dân sinh bức xúc như: Ùn tắc giao thông; kế hoạch 3 lĩnh vực; xây dựng nông thôn mới; đường sắt đô thị; đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các chương trình cung cấp nước sạch, xử lý nước thải...

Tiếp tục rà soát kỹ lưỡng đảm bảo các dự án được bố trí vốn đủ thủ tục, quy định; tránh trùng lặp, lãng phí nhất là các dự án, nhiệm vụ liên quan đến các Chương trình mục tiêu quốc gia (nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) có cùng địa bàn triển khai. Rà soát kỹ nguồn lực thực tiễn Thành phố (về nguồn đất, khả năng vay trả nợ, nguồn lực tài sản công...), có biện pháp cụ thể báo cáo vào kỳ giữa năm. Các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, dự án phải có nguồn lực đảm bảo, bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên, không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, kiểm soát bội chi.

Ban Chấp hành Đảng bộ thống nhất thông qua Quy hoạch Thủ đô

Về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được các chuyên gia, các nhà khoa học, các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể đánh giá có chất lượng khá tốt.

Ban Chấp hành Đảng bộ thống nhất thông qua Quy hoạch Thủ đô để các cơ quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung công việc tiếp theo như: Trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới đây trước khi trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt Quy hoạch; đặc biệt là cần tập trung chuẩn bị nội dung để báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ cảm ơn các ý kiến thảo luận, tham gia góp để hoàn thiện tốt hơn cho bản Quy hoạch Thủ đô, góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố "Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại", xanh, thông minh, là thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới như Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ.

Sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng các Chương trình, Kế hoạch cụ thể triển khai theo từng phân kỳ giai đoạn 5 năm và hàng năm, cụ thể hóa bằng những đề án, dự án, chuyên đề cụ thể và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên gắn với việc cân đối, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực nhằm đưa Quy hoạch Thủ đô vào cuộc sống.

Đối với việc tổng kết Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ 13 của Đảng; tổng kết công tác xây dựng Đảng 05 năm (2020-2025); tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011-2025) tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy, Tiểu ban Văn kiện Đại hội 18 Đảng bộ Thành phố trên cơ sở các báo cáo tổng kết nêu trên và ý kiến góp ý của các đại biểu, "bắt tay" ngay vào việc xây dựng báo cáo chính trị trình Đại hội 18 Đảng bộ Thành phố, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo Kế hoạch của Tiểu ban Văn kiện và yêu cầu của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhận định, khối lượng công việc còn rất lớn, vì vậy các đồng chí Thành ủy viên, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, tạo tiền đề cho năm 2025, tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa XVIII.

Sau hội nghị, các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ cần chủ động bắt tay ngay vào xây dựng các các chương trình, kế hoạch để sớm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Hội nghị; tập trung cao độ, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2024.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.