Bộ Tài chính: Vẫn còn 32 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân đầu tư công

Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 2 là trên 59.998 tỷ đồng, đạt 8,7% tổng kế hoạch vốn và đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Bộ Tài chính, có 4 bộ, cơ quan trung ương và 38 địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, đạt trên mức trung bình của cả nước như: Đài Truyền hình Việt Nam (34,92%); Bộ Xây dựng (32%); Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (27,83%); tỉnh Hậu Giang (trên 30%); tỉnh Tiền Giang (trên 27%). Các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hòa Bình đều đạt trên 21%... Tuy nhiên, vẫn còn 32 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%; có 6 địa phương giải ngân thấp dưới 5%.

Bộ Tài chính cho biết, vẫn còn nhiều vướng mắc khiến việc giải ngân chưa đạt như kỳ vọng như khó khăn liên quan đến phân bổ vốn. Hiện còn khoảng 25.291 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết; bằng 3,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ chủ yếu dự kiến bố trí cho các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Lượng vốn này tương đối lớn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm.

Ngoài ra, tháng 2 lại trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang tập trung rà soát để tổng hợp nhu cầu kéo dài thời hạn thực hiện.

Liên quan đến vướng mắc các dự án trọng điểm quốc gia, theo báo cáo từ Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương, hiện tiến độ giải phóng mặt bằng tại một số dự án chậm hơn so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, vật liệu xây dựng cho thi công, việc triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông lớn trong cùng khu vực dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu trong quá trình thi công, đặc biệt là vật liệu đất đắp, cát, đá… đối với các dự án tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc triển khai cơ chế đặc thù về khai thác vật liệu xây dựng thông thường còn nhiều khó khăn, vướng mắc…

Về vướng mắc liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, hiện hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Theo đó, đến nay vẫn còn một số cơ chế trung ương chưa ban hành dẫn đến các địa phương còn lúng túng trong thực hiện.

Để công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024 thuận lợi, đạt tỷ lệ theo đúng mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra là đạt 95%, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để kết luận thanh tra việc các bộ giao cơ quan không trực thuộc làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án đúng quy định của pháp luật về xây dựng, đầu tư công, ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai ngay các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đôn đốc tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.