Nguyên nhân TP HCM chậm giải ngân đầu tư công

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Lê Thị Huỳnh Mai lý giải nguyên nhân gây hạn chế trong công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố.

Ngày 7/12, tại kỳ họp thứ 8, HĐND TP HCM đã tổ chức phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và các tờ trình của UBND TPHCM.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Khắc Điệp (huyện Cần Giờ) đã đề cập đến những hạn chế trong giải ngân đầu tư công trên địa bàn thành phố.

Theo đại biểu Huỳnh Khắc Điệp, nguyên nhân là do dịch Covid-19. Nhưng sau dịch, nhu cầu vốn của các địa phương rất lớn, HĐND thành phố đã có nhiều đợt giám sát, UBND thành phố cũng lập các tổ công tác tháo gỡ nhưng tình hình giải ngân vẫn không khả quan hơn. 

Theo đại biểu Huỳnh Khắc Điệp, có nguyên nhân là do quy trình thủ tục, quy chế phối hợp giữa các sở ngành và quận huyện còn chậm trễ. Cụ thể, quận Bình Tân đã ba lần gửi kiến nghị cho Sở, ngành nhưng không được trả lời.

 “Chỉ đến khi đăng ký làm việc với Chủ tịch UBND thành phố thì các sở mới biết có kiến nghị này”, đại biểu Huỳnh Khắc Điệp.

Đại biểu đề nghị cần ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cấp bách, nhưng cũng ưu tiên cho địa phương nào có tỷ lệ giải ngân tốt.

 Nhiều hạn chế trong giải ngân đầu tư công tại TP HCM. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ).

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao chủ trương rà soát và thành lập kịp thời tổ công tác, đề xuất giải quyết vướng mắc khó khăn của các đơn vị, đặc biệt là việc thành lập tổ tháo gỡ khó khăn của dự án đầu tư sử dụng đất từ ngân sách nhà nước. Dù vậy, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm thành viên UBND thành phố trong việc chỉ đạo trực tiếp, theo dõi lãnh đạo các chính sách này, đặc biệt là các tổ đã thành lập.

Thực tế dự án trên địa bàn thành phố rất nhiều nhưng nguồn vốn đầu tư rất khó khăn. Có các dự án đầu tư công đã thông qua, được phê duyệt rồi nhưng triển khai thực hiện thấp và không đạt theo yêu cầu. Cụ thể như dự án tứ giác Nguyễn Cư Trinh, đã triển khai từ năm 2006 đến nay đã 16 năm. Khi triển khai dự án đã gây xáo trộn cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chưa có quyết sách nào giải quyết triệt để. TP HCM đã có ba văn bản yêu cầu các Sở, ngành quan tâm tham mưu nhưng đến nay vẫn chưa khởi động.

Các đại biểu cho rằng thành phố cần phân tích, đánh giá nguyên nhân và từ đó tăng tốc, đầu tư tập trung, chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện.

Trả lời ý kiến của các đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho rằng, nguyên do là số dự án chuyển qua thực hiện trong giai đoạn trung hạn nhiều. Cụ thể, có tới 3.300 dự án từ giai đoạn trước được chuyển tiếp, những khó khăn của các dự án từ giai đoạn trước này cũng ảnh hưởng đến giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, tỷ lệ dự án có phần vốn bồi thường, công tác bồi thường chiếm tỷ lệ cao trong kế hoạch vốn năm 2022. Cụ thể, kế hoạch vốn cho các dự án có công tác bồi thường năm 2022 được bố trí là 13.700 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng kế hoạch vốn năm 2022. Những dự án này đã vướng từ nhiều năm trước, đến năm 2021 cũng không làm được công tác kiểm đếm nên kéo dài đến đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, một dự án bồi thường mất từ 6 - 12 tháng để thực hiện thủ tục. Điều này cũng có quyết định nhất định đến vấn đề giải ngân. Ngoài ra, vướng mắc bởi các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình thực hiện dự án. 

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.