Cả nước bước vào trận chiến mới chống dịch Covid-19

Làn sóng Covid-19 mới xuất hiện cũng là lúc cả nước lại cùng nhau bước vào cuộc chiến mới, khó khăn hơn và rất cần sự chung tay của cả chính quyền, người dân.

Việt Nam từng có 99 ngày liên tiếp không ghi nhận bất kì ca lây nhiễm trong cộng đồng nào. Làn sóng dịch thứ hai xuất hiện từ ngày 25/7 khi ông T.V.D. (57 tuổi, ngụ phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tính đến chiều nay (30/7), Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 459 ca mắc Covid-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tính riêng từ ngày 25/7 đến nay, số lượng ca mắc mới trong cộng là 48 ca.

Trong đó, Đà Nẵng có 34 ca, Quảng Nam có 8 ca, Quảng Ngãi có 1 ca, Hà Nội có 2 ca, Đắk Lắk có 1 ca và TP HCM có 2 ca.

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với một số địa phương sáng 29/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, đợt dịch lần này khác trước vì đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được ca F0. Tình hình phức tạp, diễn biến nhanh trong thời gian ngắn, nhiều nguy cơ lây nhiễm cao ở các địa phương, các tỉnh, thành phố xung quanh TP Đà Nẵng. Cả nước lại bước vào cuộc chiến với làn sóng Covid-19 mới.

Cả nước bước vào trận chiến mới chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Các Bí thư, Chủ tịch phải ra tay, hệ thống chính trị phải vào cuộc và người dân phải cảnh giác thực hiện một số biện pháp đã được phổ biến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Đà Nẵng quyết liệt khoanh vùng dập dịch

Ngay sau khi có thông tin ca nhiễm mới trên địa bàn quận Liên Chiểu, Đà Nẵng đã chủ động bao vây, khoanh vùng ổ dịch và thực hiện giãn cách xã hội kể 13h ngày 26/7. Các hãng hàng không đã tăng cường hàng chục chuyến bay để đưa hành khách rời khỏi thành phố.

Sáng 26/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã có công văn gửi các trường trên địa bàn thành phố về việc cho toàn bộ học sinh nghỉ học và dừng tất cả các hoạt động tập trung kể từ 13 giờ ngày 26/7 cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Đến chiều 27/7, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kí công văn về việc khẩn trương triển khai phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Cả nước bước vào trận chiến mới chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng lập hàng rào phong tỏa 3 bệnh viện tại Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Luận)

Theo đó, từ 0h ngày 28/7, 6 quận của Đà Nẵng gồm Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu đã thực hiện cách li xã hội trong vòng 15 ngày. Cùng với đó, thực hiện phong tỏa 3 bệnh viện: Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng.

Đến 13h chiều cùng ngày, huyện Hòa Vang trở thành địa phương thứ 7 của thành phố thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Liên quan hoạt động vận tải, lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm dừng hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định qua các bến xe khách.

Riêng hoạt động kinh doanh taxi, xe hợp đồng, du lịch và các phương tiện vận tải thủy nội trên địa bàn dừng hoạt động hoàn toàn trong 15 ngày.

Tiếp đó, tối 29/7, TP Đà Nẵng tiếp tục có công văn yêu cầu dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát, kể cả việc bán qua mạng, bán hàng mang về. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 13h chiều 30/7.

Ngay trong hôm nay (30/7), Bộ Y tế cho biết sẽ tăng cường chi viện nhân lực đến Đà Nẵng để giúp địa phương ứng phó tốt hơn với dịch Covid-19.

UBND TP Đà Nẵng đang đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương xây dựng Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn nhằm giảm tải cho các bệnh viện, trung tâm y tế đã phong tỏa, cách li để đảm bảo năng lực công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Quảng Nam cách li xã hội toàn TP Hội An từ 0h ngày 31/7

Ngày 28/7, Quảng Nam ghi nhận hai ca mới mắc Covid-19. Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định tạm dừng các hoạt động trên địa bàn tỉnh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, từ 0h ngày 29/7 đến 0h ngày 13/8, tỉnh Quảng Nam tạm dừng nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, lễ hội, vận chuyển,...

Cụ thể, tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh; xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt liên tỉnh từ Quảng Nam đi TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi (trừ trường hợp đặc biệt vì lí do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất).

Không tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, hội thi, hội diễn, lễ kỉ niệm, triển lãm, nghi lễ tôn giáo, các sự kiện khác tập trung quá 20 người tại công cộng.

Đồng thời, các khu, điểm du lịch, khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tổ chức hoạt động đón khách tập trung quá 20 người. Các tour du lịch đưa khách đi, khai thác khách đến từ TP Đà Nẵng và các vùng có dịch. Đón mới khách lưu trú từ TP Đà Nẵng và các vùng có dịch,....

Sáng 30/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã kí quyết định về việc cách li xã hội toàn TP Hội An bắt đầu từ 0h ngày 31/7 đến 0h ngày 14/8.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết.  Nếu ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, không tập trung quá hai người trở lên tại nơi công cộng.

Cả nước bước vào trận chiến mới chống dịch COVID-19 - Ảnh 4.

TP Hội An ngày đầu cách li xã hội (Ảnh: Zing.vn).

Đăk Lăk bắt đầu giãn cách xã hội từ 0h ngày 30/7

Ngày 29/7, Đăk Lăk ghi nhận một ca mắc Covid-19 là nữ, 21 tuổi, thực tập tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Ngay trong tối cùng ngày, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban phòng, chống dịch Covid-17 tỉnh Đăk Lăk đã kí văn bản triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn sau khi tỉnh này phát hiện có một ca mắc Covid-19 trở về từ Đà Nẵng.

Theo đó, Chủ tịch UBND các cấp của tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo áp dụng các biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 0h ngày 30/7.

Cụ thể, tỉnh yêu cầu dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng . Với phạm vi ngoài công sở, trường học, bệnh viện, tỉnh cũng đề nghị không tụ tập quá 20 người.

Các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng cũng phải tạm thời dừng hoạt động.

Hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ: Khu vui chơi, giải trí, karaoke, mát - xa, quán bar, pub, vũ trường, rạp chiếu phim, điểm truy cập internet công cộng,...

Hà Nội, TP HCM tái khởi động các biện pháp phòng chống dịch

Tính đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 2 ca mắc Covid -19. Hôm nay cũng là ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện test nhanh Covid-19 cho người dân đã từng đi Đà Nẵng và trở về từ 8/7. Dự kiến Hà Nội có hơn 21.000 người cần được xét nghiệm, theo kế hoạch thì việc này sẽ phải hoàn tất trong ngày 1/8.

Cả nước bước vào trận chiến mới chống dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Hà Nội ngày đầu ra quân test nhanh Covid-19 cho những người đi Đà Nẵng về. (Ảnh: Như Ngọc)

Trước đó, tại  Hội nghị trực tuyến Giao ban công tác của UBND TP diễn ra sáng 29/7, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung xác định Hà Nội đã bước vào giai đoạn chống dịch mới được đánh giá là khó khăn hơn giai đoạn trước, yêu cầu tái khởi động tất cả các ban chỉ đạo, đội phản ứng nhanh tại các quận huyện trên địa bàn.

Các hoạt động lễ hội, quán bar,… trên địa bàn Hà Nội sẽ chính thức bị tạm dừng hoạt động từ ngày 29/7 và hiện chưa rõ phải dừng trong bao lâu.

Còn tại TP HCM, nơi ghi nhận hai ca dương tính với Covid-19, tính đến sáng 30/7, có 15.747 người rời khỏi Đà Nẵng từ 1/7 đã khai báo y tế, 8.518 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm, 534 trường hợp có kết quả âm tính, các mẫu còn lại đang đợi kết quả xét nghiệm. 

Việc tiếp nhận khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 vẫn đang tiếp tục thực hiện.

Trước đó, ngày 29/7, Sở Y tế TP HCM đã có văn bản yêu cầu tất cả cơ sở khám, chữa bệnh, tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với tất cả người đến cơ sở khám chữa bệnh.

Tại các bệnh viện, củng cố, khôi phục các yêu cầu về phòng khám sàng lọc và khu cách li theo qui định, bao gồm: phòng khám sàng lọc tách rời hẳn khối nhà của khoa khám bệnh, khu cách li riêng biệt đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân thuộc nhóm nghi ngờ, xác định mắc bệnh SARS-CoV-2.

Trường hợp bệnh viện chưa có khu cách li, cần bố trí phòng cách li tạm tại khoa khám bệnh nhằm hạn chế tiếp xúc với người bệnh khác trong khi chờ chuyển viện,...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.