Chiều nay, World Bank (WB) vừa công bố Báo cáo điểm lại cập nhật tình hình Kinh tế Việt Nam với chủ đề “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao?".
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khi Việt Nam đã kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh Covid-19, kinh tế Việt Nam đang phải chịu cú sốc lớn nhất trong vòng 35 năm qua.
Với trạng thái bình thường mới, các nhà lập chính sách sẽ phải tìm các động lực tăng trưởng mới để bù vào các động lực tăng trưởng cũ (đầu tư nước ngoài và tiêu dùng tư nhân), trong khi vẫn cần giảm bất bình đẳng đang gia tăng.
Mở đầu bài trình bày báo cáo của mình, chuyên gia Kinh tế trưởng Jacques Morisset nêu lên vấn đề dịch bệnh Covid-19. Ông nhấn mạnh, Covid-19 không chỉ là cú sốc về y tế mà còn là tai ương đến nền kinh tế trên thế giới.
Theo số liệu gần đây nhất, có hơn 16.000.000 ca lây nhiễm và gần 650.000 người đã tử vong. Báo cáo cáo do WB thực hiện cho thấy tất cả các nền kinh tế đều tăng trưởng âm, ngoại trừ khu vực Đông Á tăng trưởng dương nhưng không lớn.
Covid-19 ở Việt Nam không ảnh hưởng quá lớn đến y tế do Chính phủ Việt Nam đã mạnh dạn có những chính sách cứu giúp người dân, giúp ngăn chặn dịch bệnh, và điều này đã được quốc tế ghi nhận những nỗ lực.
Tuy nhiên, theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế đi từ khoảng 7% vào cuối 2019 xuống 0,36% vào quí II/2020, giảm gần 7 điểm phần trăm.
Ông Morisset cho rằng, dù đang phải trải qua cú sốc lớn nhất kể từ năm 1996, nhưng ông tin tưởng Việt Nam có thể chấp nhận cú sốc kinh tế này.
Theo khảo sát của WB, 1/3 người được khảo sát trả lời đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng cho biết tất cả các hoạt động đều có dấu hiệu khôi phục. "Dù là cú sốc lớn nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia thuộc dạng năng động nhất thế giới", chuyên gia dẫn lời theo báo cáo.
Theo dự báo, tăng trưởng Việt Nam sẽ đạt 5,8% cho năm 2020, là một trong 5 quốc gia có tăng trưởng cao nhất thế giới.
Về tài khoản vãng lai, năm 2020 có sự suy giảm mạnh nhưng vẫn dương. Có thể thấy ngành du lịch giảm thu, kiều hối giảm, xuất khẩu giảm tuy nhiên nhập khẩu cũng giảm nên cũng bù đắp được giá trị tài khoản vãng lai để duy trì mức dương.
Về cân đối tài khóa, bội chi ngân sách tăng do Chính phủ thâm hụt nguồn thu từ các chính sách miễn giảm thuế để hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích đầu tư. Bên cạnh đó, lí do giảm tăng trưởng kinh tế cũng khiến cho nhà nước bội chi ngân sách.
Việt Nam đang chịu một cú sốc lớn, nhưng nhìn vào kết quả khá tốt từ năm 2019 thì vị chuyên gia hi vọng rằng Việt Nam hoàn toàn khôi phục lại được nền kinh tế trong những năm tới.
Chuyên gia kinh tế trưởng Jacques Morisset cũng đề cập đến rủi ro của Việt Nam là dễ rơi vào 'bẫy" kinh tế của đại dịch Covid-19, GDP đang ở mức 7 - 8% có thể giảm xuống 3 - 4%. Ông Morisset cũng đưa ra lí do mà WB cho rằng Việt Nam có thể rơi vào bẫy kinh tế này.
Trong vài thập kỉ qua, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn dựa vào kinh tế đối ngoại và tiêu dùng trong nước.
Kinh tế đối ngoại được hỗ trợ bởi xuất khẩu của Việt Nam. Tiêu dùng trong nước tác động phần lớn do sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu. Cả hai động lực trên đóng góp đến 75% cho tăng trưởng GDP trong các năm 2016 - 2019.
Trong thời gian tới, WB cho rằng, hai động lực trên khó có thể phục hồi về các mức trước khủng hoảng. Lí do là vì sức cầu của nước ngoài chắc chắn yếu đi vì nhiều quốc gia trên thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch, góp phần làm giảm tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa và hoạt động du lịch tại Việt Nam.
Đồng thời, quá trình phục hồi sớm trong nước như đã được chứng kiến sau khi gỡ bỏ hết các biện pháp giãn cách xã hội dự kiến không kéo dài vì có thể các bên liên quan trong nước sẽ có hành vi ngại rủi ro trong bối cảnh bất định trong nước và trên cả toàn cầu. Nhất là xu hướng của người Việt Nam là ngại rủi ro, thích tiết kiệm trong diễn biến khủng hoảng hiện nay.
Theo Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp, ông Trần Toàn Thắng trả lời phỏng vấn của WB, Covid-19 tác động đến kinh tế Việt Nam rất nhiều, xuất khẩu giảm rất nhanh, và ảnh hưởng lớn nhất là ảnh hưởng đến kì vọng tăng trưởng của Việt Nam và toàn thế giới.
Về ngắn hạn, đại dịch tác động đến xuất khẩu, do Việt Nam là nền kinh tế mở và phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Việc xuất khẩu bị thu hẹp đáng kể cũng khiến cho sản xuất trong nước lao đao.
Dài hạn hơn, ảnh hưởng của đại dịch sẽ tác động đến thu nhập người dân và ảnh hưởng đến tiêu dùng. Dài hạn hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến chuỗi dịch chuyển toàn cầu, đặc biệt là FDI vào Việt Nam.
Ông cho biết, Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng tính cạnh tranh thay đổi chuỗi dịch chuyển vào Việt Nam, đặc biệt là chuỗi giá trị từ Trung Quốc. Ông hi vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện trong những năm tới.