Phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà về các vấn đề trong lĩnh vực xây dựng tiếp tục diễn ra trong sáng 5/6, "tư lệnh" ngành xây dựng đã trả lời nhiều ý kiến của các đại biểu xoay quanh bất cập trong quản lí nhà ở chung cư thời gian qua khiến người dân bức xúc. Cụ thể, các bất cập này đến từ công tác quản lí vận hành, chậm cấp giấy chứng nhận quiền sử dụng đất…
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết trên cả nước hiện có hơn 4.400 chung cư, pháp luật có qui định đầy đủ về công tác quản lí. Ngoài việc thực hiện tốt, hiện có khoảng 458 nhà chung cư xảy ra tranh chấp, chiếm khoảng 10%.
Điểm danh các vấn đề tranh chấp, người đứng đầu ngành xây dựng cho hay các khiếu nại của cư dân chủ yếu xoay quanh 3 nội dung chính.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, hiện có khoảng 458 nhà chung cư xảy ra tranh chấp, chiếm khoảng 10%. (Ảnh: Thanh Niên).
Chiếm khoảng 57% số lượng tranh chấp là chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập ban quản trị. Tiếp đến là đóng góp, bàn giao, quản lí và sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung. Kinh phí quản lí vận hành, chiếm khoảng 15%, quiền sở hữu chung - riêng chiếm 10%.
Theo Bộ trưởng, ngoài ra còn một số tranh chấp ít phổ biến hơn liên quan thu chi tài chính, qui chế hoạt động của ban quản trị và giá dịch vụ chung cư, chất lượng công trình, chủ đầu tư không xây dựng công trình hạ tầng trong khu vực dự án trong quyết định được duyệt…
Bộ trưởng Xây dựng lí giải nguyên nhân của những bất cập trong quản lí nhà chung cư là một số qui định pháp luật chưa đầy đủ về thời điểm nộp kinh phí bảo trì, qui định chuyển tiếp hợp đồng mua nhà, qui định chế tài chưa kịp thời.
Đồng thời, chưa có qui định về kinh phí bảo trì sở hữu chung và phòng sinh hoạt cộng đồng.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, chú trọng lợi nhuận trì hoãn bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị.
Trong khi đó, một số người mua nhà không xem xét kĩ điều khoản hợp đồng. Việc xem kĩ điều khoản là rất quan trọng, bởi nhiều chủ đầu tư luôn đưa ra các khoản lợi cho mình.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng, an ninh, cho rằng hiện đang có việc lạm dụng, chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư. Ông Bộ chất vấn Thanh tra Bộ Xây dựng đã phát hiện được những trường hợp vi phạm này hay chưa, trách nhiệm của Bộ thế nào?
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà phủ nhận nhận định có trường hợp lạm dụng, chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư của đại biểu. Theo Bộ trưởng, qua thanh tra 92 dự án chung cư, thanh tra xây dựng phạt hành chính 1,3 tỉ đồng và đưa ra yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả với 11 chủ đầu tư không bàn giao, hoặc chậm bàn giao. Tuy nhiên, chưa phát hiện trường hợp nào lạm dụng quỹ bảo trì chung cư.
Phản ứng trước trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Mai Bộ và đại biểu Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc TP HCM, cùng không đồng ý. Bởi theo 2 đại biểu, thực tế chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư là có.
"Việc thanh tra xây dựng không phát hiện ra trường hợp nào là do năng lực yếu kém hoặc không làm hết trách nhiệm", đại biểu Nguyễn Mai Bộ thẳng thắn.
Trong khi đó, bà Bích Châu cho rằng không chỉ có tình trạng chiếm dụng mà số tiền chiếm dụng lên đến hàng trăm tỉ đồng. Theo bà Châu, nếu Bộ không làm rõ sẽ ảnh hưởng uy tín, mất niềm tin trong nhân dân. Đại biểu yêu cầu Bộ Xây dựng phải rà soát lại vấn đề trên.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết có hiện tượng người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài nhưng chưa có số liệu cụ thể. (Ảnh: VnExpress).
Bộ Trưởng Phạm Hồng Hà cho biết hiện đã có mô hình Ban quản trị nhà chung cư nhưng sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất mô hình chủ đầu tư tự quản lí và sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư, mô hình giao đơn vị quản lí vận hành chuyên nghiệp.
"Việc chọn mô hình nào là do cộng đồng tự chọn. Dù chủ đầu tư hay đơn vị thực hiện đều phải có giám sát thông qua ban quản trị của toà chung cư đó", Bộ trưởng nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về một số dự án chung cư chưa có pháp lí nhưng vẫn rao bán, khiến người mua có nguy cơ mất trắng, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng hiện các qui định về pháp lí rõ ràng, chủ đầu tư đã cố tình vi phạm.
Ngoài ra, theo ông, một phần cũng đến từ việc quản lí ở địa phương, bởi khi quá hạn trả lời về dự án nào đủ điều kiện thì doanh nghiệp có quyền kinh doanh.
Theo Bộ trưởng, thời gian tới sẽ tiến hành xử lí nghiêm các chủ đầu tư cố tình sai phạm. Cụ thể, mức qui định hiện nay là phạt tiền từ 270-300 triệu đồng khi thiếu các điều kiện kinh doanh, và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự khi cố tình chiếm dụng tiền của người mua nhà.
Giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Xây dựng bổ sung các quy chế, kiểm soát vận hành nhà chung cư để ngăn chặn việc lạm dụng, chiếm đoạt quỹ bảo trì như phản ánh của các đại biểu Quốc hội.
Liên quan các dự án bất động sản, nhiều đại biểu cũng phản ánh, thời gian qua, có hiện tượng người Việt móc nối, mua bán chuyển nhượng, đứng tên các bất động sản cho người nước ngoài.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết theo qui định, không cho phép người Việt Nam đứng tên mua nhà ở cho người nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhìn nhận đây là một vấn đề có thực nhưng hiện vẫn chưa thống kê được các số liệu cũng như danh tính cụ thể.
Theo Bộ trưởng, vấn đề này, Bộ Công an đã có đánh giá. Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Công an xử lí. Trước mắt, Bộ trưởng cho rằng các địa phương phải nắm chắc tình hình giao dịch bất động sản để nắm được các trường hợp nói trên.
"Đây là việc rất khó nhưng chúng tôi sẽ cố gắng kiểm soát và hạn chế tình trạng người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.